'Mở cửa' cho quỹ tín dụng nhân dân để chặn đường tín dụng đen

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Trong văn bản kiến nghị một số nội dung Thông tư 21 gửi Bộ Tư pháp ngày 4/10/2023, Liên minh HTX Việt Nam đã đề xuất không nên quy định hạn mức tiền gửi tối đa hoặc theo quy định riêng của từng quỹ TDND thì mới khuyến khích và tăng được vốn huy động tiền gửi đối với quỹ TDND.

Các quỹ tín dụng nhân dân đang góp phần hạn chế tối đa nạn cho vay nặng lãi - tín dụng đen tại nhiều địa phương, nhất là vùng nông thôn - nơi mà sự hiện diện của các ngân hàng thương mại rất hạn chế. Tuy nhiên, một số quy định tại Thông tư 21/2019/TT-NHNN vẫn đang chồng chéo với Luật HTX cũng như bó hẹp sự hoạt động của mô hình quỹ tín dụng nhân dân trong nhiều năm qua mà chưa được tháo gỡ triệt để.
Bà Nguyễn Thị Trà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Vĩnh Phương (Khánh Hòa), cho biết theo Thông tư 21, hội đồng quản trị phải thẩm định điều kiện, lập danh sách thành viên xin tham gia và báo cáo đại hội thành viên thông qua danh sách kết nạp thành viên mới.
Nhiều quy định đang làm giảm sự cạnh tranh của quỹ TDND
Vì vậy, khi nhân dân có nhu cầu vay vốn và muốn tham gia thành viên của quỹ sẽ không được kết nạp ngay mà phải chờ đến đại hội thành viên thông qua. Nhưng do mỗi năm tổ chức một lần nên đến đại hội thành viên, người dân lại không còn nhu cầu vì họ đã vay được từ nguồn khác. Theo bà Trà, quy định này đang khiến việc kết nạp thành viên và cho vay của quỹ gặp nhiều bất lợi.
“Người dân khi có nhu cầu mới muốn vay vốn và tham gia làm thành viên quỹ nên họ không thể đợi đến việc thông qua tại đại hội thành viên. Vì vậy, quy định như tại Thông tư 21 đang làm lỡ cơ hội vay vốn phát triển kinh tế của nhiều người dân và giảm khả năng phát triển của quỹ, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tổ chức tín dụng như hiện nay”, bà Trà nói.
Thực tế, không chỉ Quỹ TDND Vĩnh Phương mà rất nhiều quỹ TDND khác đang gặp khó khăn vì quy định kết nạp thành viên mới trong Thông tư 21. Theo Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Lê Văn Nghị, tâm lý của người dân, nhất là người nghèo ở vùng nông thôn thường là khi có tiền tiết kiệm thì phải gửi tiền tiết kiệm ngay, trong khi theo quy định của Thông tư 21 hiện nay là chưa phù hợp với đặc điểm tâm lý của người dân ở nông thôn.
Bên cạnh đó, các quỹ TDND hiện hoạt động theo Luật HTX 2012 và Luật này quy định rõ về quyền hạn và trách nhiệm của hội đồng quản trị là “kết nạp thành viên mới, giải quyết chấm dứt tư cách thành viên và báo cáo đại hội thành viên…”. Cũng trong Luật này đã quy định quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên không có nội dung “thông qua danh sách kết nạp thành viên mới và cho thành viên ra khỏi HTX theo đề nghị của Hội đồng quản trị”.
\"-3153-1696490125.jpg\"

Mô hình quỹ tín dụng nhân dân đang góp phần không nhỏ vào việc hạn chế nạn tín dụng đen tại các vùng nông thôn.

Như vậy, Ủy ban Kiểm tra của Liên minh HTX Việt Nam cho rằng những quy định về kết nạp thành viên trong Thông tư 21 đang trái với những quy định của Luật HTX nên cần sửa đổi nội dung này thành “Hội đồng quản trị được quyền thẩm định và quyết định việc kết nạp thành viên mới” thì mới không bó hẹp chức năng, quyền hạn cũng như không giảm tính tự chủ, sự cạnh tranh của quỹ TDND.
Ngoài ra, trong Thông tư 21 còn quy định “Địa bàn hoạt động của Quỹ TDND là một xã, một phường hoặc một thị trấn” là chưa phù hợp. Bà Phạm Thị Lan Oanh, Giám đốc Quỹ TDND Nhân Trạch (Quảng Bình) cho rằng hoạt động của quỹ TDND được quy định như đối với HTX (theo Luật Các tổ chức tín dụng), nghĩa là tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật..., không giới hạn về địa bàn và phạm vi hoạt động của HTX. Nhưng quy định về địa bàn hoạt động của quỹ TDND trong Thông tư 21 đang bó hẹp chức năng, quyền hạn của quỹ TDND. Nhiều quỹ hoạt động lâu năm, có tệp khách hàng lớn ở nhiều xã, phường, thị trấn nhưng không thể mở rộng được.
“Điều này chẳng khác nào hạn chế thế mạnh của mô hình quỹ TDND ở ngay các vùng nông thôn”, bà Oanh chia sẻ.
Theo Ủy ban Kiểm tra của Liên minh HTX Việt Nam, không nên quy định về địa bàn và quy mô hoạt động của quỹ TDND thì mới thu hút được nhiều người dân ở các địa bàn khác nhau tham gia và vay vốn từ quỹ TDND, từ đó mới giúp hạn chế nạn tín dụng đen tại các vùng quê.
Bất cập hạn chế mức nhận tiền gửi
Một trong những nội dung khác trong Thông tư 21 đang gây khó khăn trong thực tiễn hoạt động của các quỹ TDND đó là quy định \"Quỹ TDND phải đảm bảo tổng mức nhận tiền gửi không được vượt quá 20 lần vốn chủ sở hữu\".
Theo đại diện các quỹ TDND, quy định này đang làm cản trở nhu cầu hợp tác, góp vốn, huy động vốn nhàn rỗi từ nhân dân của quỹ, hạn chế sự phát triển của một tổ chức kinh tế tập thể, không phù hợp với quy luật khách quan của kinh tế thị trường và đi ngược với tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW đó là “khuyến khích việc tăng vốn góp và huy động từ thành viên để tăng nguồn vốn hoạt động…”
Bà Phạm Thị Lan Oanh cho biết để đáp ứng nguồn vốn phục vụ cho nhân dân thì việc huy động vốn càng nhiều sẽ giúp quỹ TDND chủ động hơn trong quá trình hoạt động như trả lãi, thanh toán cho khách hàng khi đến kỳ hạn.
Trong văn bản kiến nghị một số nội dung Thông tư 21 của Liên minh HTX Việt Nam gửi Bộ Tư pháp ngày 4/10/2023 cũng đề xuất không nên quy định hạn mức tiền gửi tối đa hoặc theo quy định riêng của từng quỹ TDND thì mới khuyến khích và tăng được vốn huy động tiền gửi đối với quỹ TDND.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 1.200 quỹ TDND tại 56/63 tỉnh, thành phố và thu hút gần 2,1 triệu thành viên là các hộ gia đình chủ yếu ở khu vực nông nghiệp - nông thôn. Nhưng từ những vướng mắc của các quỹ TDND khi áp dụng Thông tư 21 có thể thấy, khung khổ pháp lý liên quan đến nguyên tắc hoạt động của quỹ TDND hiện chưa đáp ứng theo nguyên tắc thị trường nên chưa đảm bảo được tính an toàn, lành mạnh, ổn định của hệ thống quỹ TDND.
Ts Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết một trong những khó khăn của các quỹ TDND hiện nay đó chính là môi trường pháp lý chưa đầy đủ, bất cập, chồng chéo, chưa có tính thống nhất giữa các văn bản pháp luật liên quan. Nhiều quy định trong Thông tư 21 đang chưa thực sự theo đúng bản chất của mô hình quỹ TDND nên chưa tạo cơ sở vững chắc cho mô hình này hoạt động bền vững. Những bất cập trong Thông tư 21 sẽ tạo ra rủi ro pháp lý cho quỹ TDND, có thể làm gia tăng nợ xấu và giảm hiệu quả hoạt động của quỹ TDND.
Lịch sử phát triển mô hình quỹ TDND đã cho thấy quỹ TDND là loại hình ra đời sớm nhất và cũng là nơi trực tiếp thực hiện các hoạt động tiền tệ để hỗ trợ các thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của riêng họ. 
Địa bàn hoạt động của các quỹ TDND hầu hết là ở nông thôn, khách hàng của quỹ chủ yếu là vay vốn phục vụ nông nghiệp mà sản xuất nông nghiệp thường xuyên gặp những rủi ro do thiên tai dịch bệnh. Chính vì vậy, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho quỹ TDND theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo an toàn, lành mạnh, tăng tính cạnh tranh, phù hợp với quy định của pháp luật là điều cần thiết. Đặc biệt trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Các tổ chức tín dụng cần đảm bảo không chồng chéo với Luật HTX và tinh thần của Nghị quyết 20-NQ/TW, từ đó mới giúp quỹ TDND phát huy hết vai trò trong phát triển kinh tế, xã hội.
Theo VN Business