Với định hướng nông nghiệp sạch và xây dựng vùng trồng để xuất khẩu trái sầu riêng, nhiều hộ nông dân huyện miền núi Khánh Sơn đã thu từ 700 triệu đến khoảng 1 tỷ đồng/ha sầu riêng.
Sức bật huyện miền núi
Khánh Sơn là một huyện miền núi phía Tây Nam tỉnh Khánh Hòa, có độ cao khoảng 1.000 mét so với mực nước biển và cách TP Nha Trang khoảng 90 km.
Huyện miền núi này có diện tích hơn 330 km2 nhưng chỉ có khoảng 27.000 dân (gần 2/3 dân số là người đồng bào dân tộc thiểu). Nhiều năm trước, đời sống người dân trong huyện hết sức khó khăn vì phụ thuộc vào nương rẫy với các loại cây trồng chống đói, giá trị thấp.
Với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua Khánh Sơn đã tập trung phát triển nhiều loại cây ăn quả chất lượng cao, nhằm phát triển kinh tế xã hội và nâng cao đời sống người.
Cây sầu riêng đang giúp người dân huyện miền núi Khánh Sơn thoát nghèo làm giàu trên mảnh đất của mình.
Trong đó, cây sầu riêng được xem là cây chủ lực và đang được nông dân đầu tư theo hướng nông nghiệp sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ để từng bước hình thành chuỗi liên kết nông sản từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Thông qua chuyển đổi các vườn tạp, diện tích cây sầu riêng ở Khánh Sơn tăng nhanh. Hiện Khánh Sơn có hơn 2.500 ha với khoảng 1.200 ha sầu riêng cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 15.000 tấn, mang lại cả nghìn tỷ đồng cho người dân.
Đặc biệt, nhiều hộ dân đã chuyển sang mô hình canh tác hữu cơ. Hiện Khánh Sớn có khoảng 450 ha sầu riêng VietGap và đã có 4 mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép. Ngoài ra còn 22 mã vùng trồng sầu riêng đã đăng ký. Trong đó, 6 mã vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phối hợp Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Khánh Hòa kiểm tra trực tuyến.
Nhiều vườn trồng sầu riêng tại Khánh Sơn đang chuyển sang mô hình hữu cơ.
Ông Lương Văn Quyết - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn cho biết, vụ sầu riêng năm nay, thương lái mua tại vườn từ 70.000 đồng - 95.000 đồng/kg, tăng gấp đôi đến gấp rưỡi so với các vụ mùa trước. Năng suất từ 10-15 tấn/ha, nhiều hộ dân đã thu trung bình khoảng 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng/ha. Sầu riêng được mùa, được giá khiến đời sống bà con huyện miền núi Khánh Sơn đã thay đổi rõ rệt.
Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam
Theo bà con nông dân ở huyện Khánh Sơn, mùa sầu riêng nơi đây bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 8 nên không bị cạnh tranh, xung đột về thị trường tiêu thụ. Nghĩa là sầu riêng Khánh Sơn thu hoạch muộn hơn sầu riêng miền Tây và Đông Nam bộ khoảng 1-2 tháng và sớm hơn Tây Nguyên 1 tháng.
Do đó, khi đến mùa thu hoạch, thương lái các vùng miền đổ về thu mua sầu riêng, đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Đặc biệt, sầu riêng VietGap được các thương lái mua giá cao.
Cây sầu riêng góp phần giúp kinh tế xã hội huyện miền núi Khánh Sơn tăng trưởng.
Ông Đinh Văn Dũng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, trước năm 2000, Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ giống cây sầu riêng cho các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đến năm 2006, bắt đầu xây dựng đề án phát triển cây sầu riêng huyện Khánh Sơn.
Năm 2019, sầu riêng Khánh Sơn được Tổng Hội NN&PTNT bình chọn là “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Chủ trương của huyện là phát triển 500 ha sầu riêng với phương án đồng bào thiểu số được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đến năm 2011, huyện bắt đầu vụ thu hoạch những vụ đầu tiên. Lúc đó, địa phương như đón luồng sinh khí mới đến với vùng đất nghèo nhất tỉnh.
Từ năm 2012, sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ - chủ sở hữu là UBND huyện Khánh Sơn. Năm 2019, sầu riêng tiếp tục được Tổng Hội NN&PTNT bình chọn là “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”.
“Để hỗ trợ người dân trong việc thoát nghèo và tạo thu nhập ổn định, huyện tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia đang triển khai trên địa bàn… Địa phương cũng hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng chế biến và xuất khẩu… góp phần hoàn thành các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng thời thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình chuyển đổi cây trồng từ cây kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện tập trung thoát nghèo từ lợi thế sẵn có và cây sầu riêng được xem là cây trồng chủ lực để thoát nghèo” - ông Đinh Văn Dũng chia sẻ.
Đẩy mạnh thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn
Theo phòng NN&PTNT huyện Khánh Sơn, với đặc thù đất đỏ bazan trộn lẫn đất phù sa, độ pH từ 5-6, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm cao nên Khánh Sơn đã cho ra đời những trái sầu riêng có chất lượng rất đặc sắc.
Các giống sầu riêng như Monthong, Ri 6, Chín Hóa khi trồng ở đây đều cho quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, vị ngọt thanh, mùi thơm dễ chịu… nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sầu riêng Khánh Sơn quả to, vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, vị ngọt thanh, mùi thơm dễ chịu.
Dù đã có thương hiệu từ lâu, nhưng vụ sầu riêng Khánh Sơn năm nay thắng lớn bởi nhiều doanh nghiệp và nông dân đã được cấp mã vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và diện tích sầu riêng VietGap đang tăng mạnh.
Để nâng cao chất lượng sầu riêng nhiều nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… điều này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thị trường mạnh hiện nay.
Đặc biệt, thông qua các chương trình khuyến nông của huyện nhiều nông dân đang thay đổi thói quen canh tác để đi theo hướng nông nghiệp sạch – organic - sản phẩm hữu cơ, sản phẩm nông sản được trồng mà không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, bùn thải, sinh vật biến đổi gen, hoặc bức xạ ion.
Ông Mai Văn Khang - một trong những nông dân được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Mai Văn Khang - xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn cho biết, gia đình ông có khoảng 10 ha sầu riêng và được cấp mã vùng trồng để suất khẩu sang Trung Quốc nên việc sử dụng phân thuốc rất nghiêm ngặt.
Theo ông Khang, việc trồng sầu riêng theo hướng nông nghiệp sạch để xuất khẩu đang được các hộ nông dân ở Khánh Sơn áp dụng nhằm hướng đến liên kết vùng trồng, suất khẩu giúp nông dân làm giàu trên mảnh đất của mình.
Còn theo ông Nguyễn Quốc Huy - Kỹ thuật trưởng Sakura Farm đang trồng 5 ha sầu riêng organic tại Khánh Sơn, nhằm hướng đến nông nghiệp sạch trang trại hoàn toàn không sử dụng hóa chất nhằm để bảo tồn hệ vi sinh vật dưới đất, các loại côn trùng, thiên địch của rầy hại. Bên cạnh đó, bảo vệ người nông dân tránh tác hại khi phun thuốc hóa học.
“Để chuyển qua organic, nhà vườn cần thời gian dài hơn, đầu tư nhiều hơn so với hóa học. Tuy nhiên, khi cây đã phát triển tốt thì chi phí sẽ giảm nhưng hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn. Khi sầu riêng ra trái thì năng suất lớn và chất lượng cao. Đơn cử là vườn sầu riêng mà Sakura Farm hỗ trợ kỹ thuật ở xã Sơn Bình năng suất đạt đến 20 tấn/ha” - ông Huy cho biết.
Nguyễn Quốc Huy giới thiệu mô hình trồng sầu riêng đạt Tiêu chuẩn hữu cơ USDA để xuất sang Mỹ.
Theo ông Huy, Sakura Farm đang có đơn hàng để xuất sang Mỹ nên bắt buộc là phải đạt Tiêu chuẩn hữu cơ USDA – Chương trình hữu cơ quốc gia của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ.
“Chúng tôi hiện đã đưa mẫu để kiểm tra, đánh giá. Nếu đạt chuẩn USDA, sầu riêng Khánh Sơn sẽ làm tăng giá trị sản phẩm lên rất nhiều. Các đối tác Mỹ sẽ đưa giá cố định chứ không phải lên xuống theo thị trường. Đặc biệt sầu riêng trồng theo phương pháp organic sẽ tăng chỉ số chống oxy hóa, giữ được vị nguyên bản của sầu riêng thơm, ngọt, béo khi không có các hóa chất”- ông Huy khẳng định.
Việc đi theo hướng nông nghiệp sạch hiện đang được nhiều đồng bào dân tộc áp dụng. Ông Bo Bo Vĩnh Thành (người dân tộc Raglai) ở xã Sơn Trung cho biết, gia đình ông trồng 4 ha sầu riêng theo hướng nông nghiệp sạch.
“Thông qua các chương trình khuyến nông của huyện, chúng tôi được tiếp cận nhiều phương pháp mới. Khi đầu tư vườn sầu riêng 4 ha này tôi quyết định theo hướng hưu cơ – organic. Năm nay, vườn tôi đáng lý có trái bói nhưng tôi quyết định dưỡng cây thêm một năm nữa mới thu hoạch để cây sầu riêng khỏe mạnh nhất” - ông Vĩnh Thành chia sẻ.
Nhiều hộ dân đang hướng đến trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP và organic.
Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Đinh Văn Dũng cho biết, địa phương đang tập trung chuyển đổi cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, hình thành vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng, thực hiện liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng chế biến và xuất khẩu.
“Phát triển cây sầu riêng theo hướng nông nghiệp sạch đang là hướng đi đúng, góp phần đưa Khánh Sơn sớm thoát khỏi huyện nghèo. Để duy trì các mã số vùng trồng, thời gian qua huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đã đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch sầu riêng theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ người dân sản xuất sầu riêng theo hướng VietGAP, cũng như vận động các hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất, đồng bộ quy trình sản xuất. Từ đó, dần đáp ứng các tiêu chí cấp mã số vùng trồng như diện tích, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm…”- ông Đinh Văn Dũng chia sẻ.
Tháng 8/2023, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và xây dựng vùng huyện Khánh Sơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Khánh Sơn được quy hoạch phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng.
Cụ thể, huyện Khánh Sơn được quy hoạch toàn huyện với tổng diện tích khoảng 33.853 ha. Về tứ cận, huyện Khánh Sơn có phía Đông giáp TP Cam Ranh và huyện Cam Lâm; phía Bắc giáp huyện Khánh Vĩnh; phía Tây và Nam giáp huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Tính chất và chức năng lập quy hoạch huyện Khánh Sơn là phát triển kinh tế đi đôi với ổn định chính trị, củng cố an ninh quốc phòng, đảm bảo công bằng xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, hướng đến việc thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, đảm bảo các nhu cầu về dân sinh, nâng cao đời sống nhân dân, giảm nghèo bền vững.
Quy hoạch cũng hướng đến việc phát triển hệ thống đô thị theo mô hình tiểu vùng sinh thái rừng. Hình thành các đô thị có mật độ cây xanh, sinh thái cao, thân thiện với thiên nhiên, giảm tỷ lệ giao thông cơ giới trong đô thị, gia tăng hệ thống đường xe đạp, đi bộ, giao thông công cộng. Kiến tạo các vành đai xanh, áp dụng thiết kế vườn trên mái, hạ tầng xanh, nhằm từng bước trở thành một điểm đến độc đáo của Khánh Hòa.
Đặc biệt, Khánh Sơn được quy hoạch là trung tâm du lịch vùng núi đặt trọng tâm khai thác khía cạnh văn hóa di sản. Trong đó, bảo vật văn hóa “Đàn đá Khánh Sơn” và “Văn hoá Cồng Chiêng" là những di sản có tầm quan trọng trong nền văn hóa cổ Việt Nam. Do đó, quy hoạch hướng đến việc đẩy mạnh quảng bá, bảo tồn, nhằm phát huy các giá trị di sản này.
Theo quy hoạch đến năm 2030, quy mô dân số khoảng 48.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 21,9%. Đến năm 2050, dân số khoảng 90.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 34%. Quy mô đất đai dự báo đất xây dựng đến năm 2030 khoảng 1.000-3.000 ha và đến năm 2050 khoảng 5.000-7.000 ha.
Theo Báo Kinh tế và Đô thị