Mô hình trồng rau an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân tại HTX Chúc Sơn
Nhờ đầu tư, phát triển mô hình trồng rau an toàn, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn (tổ Đông Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) không chỉ giúp tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho bà con tại địa phương mà còn đem lại nguồn thu nhập ổn định, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Nằm trên vùng đất bãi sông Đáy, HTX Chúc Sơn đã tận dụng lợi thế của mình vào canh tác nông nghiệp trồng lúa, rau màu và nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, trong những năm gần đây, việc phát triển và đầu tư vào mô hình trồng rau an toàn đang đem đến cho HTX nhiều lợi ích tích cực về mặt kinh tế.
Mang lại giá trị kinh tế ổn định
HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn hiện là HTX với quy mô toàn xã với 7 tổ dân phố chuyên sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất sản xuất là 230 ha, trong đó có 130 ha trồng lúa, 100 ha là đất trồng rau màu và một số loại cây trồng khác, số ít là diện tích nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, thế mạnh chủ lực của HTX là sản xuất rau an toàn với diện tích 65 ha, trong đó 10 ha đã được quy hoạch đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Các sản phẩm thế mạnh hiện nay của HTX là các loại rau ăn lá như cải bắp, cải xanh, mồng tơi,... và các loại củ quả như cà chua, su hào,... có sản lượng đều đặn lên đến hàng tấn mỗi ngày, đem đến cho người nông dân nguồn thu nhập ổn định và cao hơn gấp nhiều lần so với canh tác lúa. Bà Trần Thị Liên - thành viên trồng rau của HTX Chúc Sơn đã chia sẻ: “Việc trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa nên nhiều bà con đang dùng đất trồng lúa để chuyển sang làm rau màu”.
Trao đổi với VnBusiness, ông Đào Xuân Minh - Chủ tịch hội đồng quản trị, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn cho biết, việc trồng rau màu sạch, an toàn, phù hợp với tiêu chuẩn đang là xu hướng và đem lại lợi nhuận kinh tế rất lớn cho người dân.
Ông chia sẻ: “Tôi thường nói với bà con là đối với Chúc Sơn, bà con sản xuất nông nghiệp trong vùng rau là mô hình kinh tế làm giàu bền vững vì rau hiện giờ mang về giá trị kinh tế rất cao. Lúa hàng năm chỉ mang về doanh thu khoảng 90 triệu đồng/ha nhưng rau có thể đem về tới 900 triệu - 1 tỷ đồng/ha, nghĩa là lợi nhuận gấp khoảng hơn 10 lần”.
Sự hiệu quả của mô hình đến từ việc tạo ra những sản phẩm chất lượng. Những sản phẩm rau củ của HTX đều được đảm bảo xanh, sạch và an toàn, sử dụng phân bón hữu cơ được ủ mục từ phế phẩm nông nghiệp, hoàn toàn không sử dụng các loại phân bón hóa học hay thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND thị trấn Chúc Sơn cũng tạo điều kiện để HTX có những cơ sở vật chất, vùng nguyên liệu đầu vào đảm bảo cung cấp đầy đủ phân bón, cây giống,... cho bà con yên tâm sản xuất.
Ngoài việc tạo điều kiện cho sản xuất và kiểm soát chất lượng, HTX cũng chú trọng việc đảm bảo đầu ra cho người dân và các thành viên bằng việc bao tiêu một phần sản phẩm nông nghiệp. HTX đã phối hợp với chính quyền địa phương mở một cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm rau an toàn tại chợ trung tâm thị trấn Chúc Sơn, từ đó liên kết và tạo hợp đồng với nhiều bếp ăn, trường học, bếp ăn công nghiệp,... trên địa bàn huyện cũng như thành phố Hà Nội giúp người dân đảm bảo tiêu thụ.
Điều này đã giúp cho HTX có doanh thu qua năm nay khá hơn các năm trước. Từ khoảng 1 tỷ đồng/năm, tới năm 2022 doanh thu toàn hợp tác xã đã đạt tới trên 2 - 3 tỷ đồng và năm 2023 dự kiến đạt trên 3 tỷ đồng.
Mô hình trồng rau sạch đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân cao hơn nhiều so với trồng lúa. |
Bên cạnh các kênh bán hàng trực tiếp, kênh bán hàng trực tuyến thông qua địa chỉ website: htxnongnghiepchucson.vn gần đây cũng là cầu nối giúp bà con giới thiệu và đưa sản phẩm đi xa hơn tới tay người tiêu dùng cả nước, tạo doanh thu, tiếng vang cho sản phẩm và đem lại nhiều sự phản hồi tích cực.
Tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất
Ông Minh chia sẻ, dù mô hình trồng rau sạch đang đem lại nhiều lợi ích kinh tế, tuy nhiên trong sản xuất nông nghiệp trên thực tế vẫn còn gặp một số những khó khăn, vướng mắc nan giải. Đầu tiên là vấn đề thị trấn Chúc Sơn có diện tích đất nông nghiệp còn manh mún, nhiều diện tích còn bị xen kẹt đất đô thị - nông nghiệp do sự phát triển đồng thời của đô thị hóa bên cạnh đất sản xuất khiến việc sản xuất tập trung gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, việc lợi nhuận tạo ra từ sản xuất lúa thấp khiến nhiều bà con không mặn mà với làm nông nghiệp mà chuyển sang đi làm tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn, dẫn đến nhiều diện tích trồng lúa bị bỏ hoang không có người canh tác. Việc giải quyết để chuyển đổi đất nông nghiệp sang cơ cấu cây trồng khác hay nuôi trồng thủy sản cũng gặp vướng mắc do liên quan đến vấn đề quy hoạch của Thành phố.
Cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm rau an toàn giúp đảm bảo một phần đầu ra cho người dân, HTX. |
Để tháo gỡ khó khăn cho người nông dân và cũng là để tránh lãng phí tài nguyên đất, ông Minh cho biết trong tương lai, HTX lên kế hoạch sẽ đưa ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt. Đề xuất việc rà soát các diện tích đất còn gặp khó khăn, bị bỏ hoang để tạo điều kiện cho nhân dân được chuyển đổi theo hướng phù hợp trên cơ sở tuân thủ các quy định của Thành phố và luật Đất đai để bảo toàn giá trị đất, điều này cũng giúp đảm bảo an sinh trong nông nghiệp.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, ông Minh cho biết, HTX sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con trong sản xuất. Theo đó, hợp tác xã sẽ đầu tư thêm nhiều máy móc, như máy làm đất, máy gặt ... để giúp bà con làm đất, thu hoạch, phục vụ sản xuất, khai thác hết tiềm năng trong đất canh tác và hạn chế đến mức thấp nhất diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
HTX sẽ nỗ lực duy trì bộ máy HTX luôn hoạt động ổn định và tạo thêm việc làm cho bà con tham gia. Bên cạnh đó là tận dụng và thực hiện nông nghiệp triệt để theo những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương để phát triển thế mạnh địa phương.
Đặc biệt, HTX sẽ sản xuất rau an toàn tập trung, đem lại kinh tế cho người dân, từ đó phát triển kinh tế HTX nói riêng và thị trấn Chúc Sơn nói chung, hướng tới mục tiêu duy trì vị trí của thị trấn là trung tâm kinh tế, chính trị của huyện Chương Mỹ.
Theo VN Business