Xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]
Năm nay, với mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi từ khâu trồng trọt, chăn nuôi đến sơ chế, chế biến và tiêu thụ, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh tiếp tục nhân rộng các chuỗi thực phẩm an toàn của nhiều sản phẩm nông sản.

Thêm diện tích VietGAP

Ông Hồ Tấn Cường - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Táo Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) cho biết, những năm gần đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, quy trình sản xuất an toàn nên quả táo của HTX được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Điều kiện tiên quyết để sản phẩm được thị trường chấp nhận là quy trình trồng trọt phải đảm bảo an toàn. Do đó, năm 2023, HTX đã quyết định mở rộng diện tích táo được trồng và chăm sóc đạt tiêu chuẩn VietGAP từ gần 2ha lên 18ha. “Trong quá trình triển khai, chúng tôi đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ các cấp chính quyền, đặc biệt là Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh. Ngoài việc được trang bị các kiến thức, quy trình sản xuất, thu hoạch đạt tiêu chí an toàn, các thành viên còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân thuốc an toàn. Chi cục cũng tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước, mẫu sản phẩm để gửi cơ quan chuyên môn phân tích, thẩm định; hỗ trợ HTX xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, hỗ trợ các công đoạn đánh giá, chứng nhận” - ông Cường cho biết.

\"Bưởi
Bưởi da xanh VietGAP Khánh Vĩnh tham gia Phiên chợ nông sản thực phẩm an toàn năm 2023 do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh tổ chức.

Tương tự, nhiều diện tích sầu riêng ở Khánh Sơn cũng thực hiện mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái cây an toàn mà chi cục đang triển khai. Cụ thể, năm nay, có 109ha sầu riêng của 3 tổ hợp tác và 1 HTX tại Khánh Sơn gồm: Tổ hợp tác sầu riêng Dốc Gạo; Tổ hợp tác sầu riêng Hồng Phát; Tổ hợp tác sầu riêng hữu cơ Khánh Sơn; HTX sầu riêng hữu cơ xã Sơn Trung đã áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để được chứng nhận VietGAP. Sầu riêng VietGAP cùng với các yếu tố khác như: Chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng… là những tấm vé thông hành để sầu riêng có thể xuất khẩu chính ngạch ra thị trường nước ngoài.

Ông Chu Đức Hùng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, năm nay, việc nhân rộng, phát triển mô hình chuỗi cung cấp trái cây an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh được các tổ hợp tác, HTX trái cây tham gia hiệu quả. Các hộ tham gia được đào tạo, tập huấn kiến thức đảm bảo ATTP; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến trong sơ chế, chế biến như: GMP, SSOP, HACCP... Đồng thời, chi cục tiến hành lấy mẫu giám sát về vệ sinh ATTP tại tất cả các mắt xích tham gia trong chuỗi để đảm bảo việc kiểm soát chất lượng, ATTP của các sản phẩm.

Quan tâm đầu ra

Theo ông Chu Đức Hùng, năm 2023, ngoài 109ha sầu riêng ở Khánh Sơn và 18ha táo ở Cam Thành Nam xây dựng theo chuẩn VietGAP, chi cục cũng hỗ trợ các tổ chức, cá nhân chứng nhận lại VietGAP đối với 283ha sầu riêng ở Khánh Sơn (giấy chứng nhận VietGAP có hiệu lực tối đa 2 năm, sau đó các chủ thể thực hiện thủ tục cấp lại). Việc trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Như vậy, toàn tỉnh đã xây dựng được 9 chuỗi ATTP nông lâm thủy sản.

Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh, việc nhân rộng các  mô hình chuỗi an toàn theo VietGAP có ý nghĩa phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản. Các mô hình thành công giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, bước đầu đem lại thuận lợi cho HTX, tổ hợp tác trong việc tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng điều kiện ATTP, góp phần xây dựng quy trình sản xuất, tiêu thụ nông sản chủ lực tại địa phương theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, để sản xuất nông sản theo chuẩn VietGAP nông dân đầu tư chi phí cao hơn, song sản phẩm lại bán với giá ngang bằng sản phẩm thông thường, bởi bán với giá cao hơn lại khó tiêu thụ. Do vậy, trong thời gian tới, việc xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản cần quan tâm đến đầu ra của sản phẩm. “Ngoài việc sản xuất an toàn, trong thời gian tới, hoạt động xây dựng chuỗi tập trung hỗ trợ người dân trong khâu sơ chế, bao gói, bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, phải tập trung hỗ trợ các vùng sản xuất, các doanh nghiệp trong việc cấp mã số vùng trồng, mã số chứng nhận vùng nuôi thủy sản an toàn... để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu” - ông Chu Đức Hùng cho biết.

Những năm qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp triển khai xây dựng được 9 chuỗi ATTP nông lâm thủy sản trên toàn tỉnh. Trong đó, có các sản phẩm: Rau tươi, tỏi, thịt heo, thịt gia cầm, tôm hùm, ốc hương, tôm thẻ, xoài, sầu riêng, bưởi da xanh, chanh không hạt của các địa phương: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Nha Trang, Ninh Hòa và Vạn Ninh.

Theo Báo Khánh Hòa điện tử