Hàng chất lượng nhưng HTX vẫn khó cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Bán hàng online, đầu tư trên các sàn thương mại điện tử là hướng đi hợp xu thế của các HTX. Tuy nhiên, cần nhận diện rõ việc tăng trưởng của thị trường này, cũng như xu hướng mua sắm online của khách hàng để có sự đầu tư đúng đắn.

Mẫu mã bắt mắt, giá rẻ, tiếp cận người mua nhanh thông qua các livestream…là những gì các HTX đang nhận thấy từ việc bán hàng qua các mạng xã hội, sàn-nền tảng thương mại điện tử. Nhưng song song với đó là làm sao có thể trụ vững được trên các sàn, có thể cạnh tranh được với các mặt hàng khác cùng loại cùng bán online là điều khiến không ít HTX băn khoăn, lo lắng.

Cạnh tranh khi bán online

Bà Phạm Thị Dung, Chủ tịch HĐQT HTX bồn bồn Minh Duy (Cà Mau), cho biết dù có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương nhưng đầu ra cho sản phẩm vẫn còn hạn chế, việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử cũng gặp không ít khó khăn vì bao bì thô sơ, chưa được bắt mắt.

Nếu bồn bồn muối lên men tự nhiên thì cách bảo quản vẫn còn gặp những hạn chế. Bởi khi muối thì 3 ngày sau mới ăn được và sản phẩm phải bảo quản trong ngăn mát ở nhiệt độ đúng 6 độ C mới đạt tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian bảo quản cũng lên đến 90 ngày. Nhưng nếu đơn vị giao hàng chỉ bảo quản trong ngăn mát bình thường, không đúng 6 độ C thì sản phẩm chỉ giữ được 3 ngày. Bên cạnh đó, bồn bồn tươi hút chân không hiện giữ nguyên độ dài của ngó bồn bồn nên khó vận chuyển.

“Những điều này khiến sản phẩm của HTX khó cạnh tranh khi bán online, đưa lên sàn thương mại điện tử. Trong khi để tiếp cận được với nhiều khách hàng, HTX không còn cách nào khác là chú trọng đến bảo đảm chất lượng”, bà Phạm Thị Dung cho biết.

Theo các HTX, khi đưa sản phẩm lên các sàn-nền tảng thương mại điện tử, việc cạnh tranh rất khốc liệt. Bởi để các doanh nghiệp, đối tác lựa chọn mình là nhà cung cấp, HTX phải cân đối, bảo đảm nhiều yếu tố từ quy trình sản xuất, bao bì, mẫu mã, chất lượng, chi phí… Nếu trong quá trình báo giá với các sàn thương mại, khách hàng, giá sản phẩm chỉ cần chênh nhau một chút thì chưa chắc cơ hội đã thuộc về HTX.

Đặc biệt, nhiều HTX đang kinh doanh trên các sàn-nền tảng thương mại điện tử trong thời gian gần đây đã chú trọng bán hàng trên Tik Tok bởi ở đây có số lượng người làm sáng tạo nội dung lớn nhất. HTX muốn đẩy mạnh quảng bá, kinh doanh sản phẩm chọn kênh bán hàng này bằng cách sáng tạo nội dung hoặc tiếp thị liên kết, tức là kết hợp với người có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để quảng bá, bán sản phẩm. Tiêu biểu như HTX nhà vườn Đà Lạt (Lâm Đồng), HTX ba khía Đầm Dơi (Cà Mau), HTX miến Việt Cường (Thái Nguyên)…

\"-8838-1705396588.jpg\"

HTX cần tỉnh táo trước các chiến dịch sale sập sàn của các sàn-nền tảng thương mại điện tử để mang về lợi ích bền vững cho mình và cả khách hàng.

Tuy nhiên, có một hiện tượng là do sự cạnh tranh mạnh mẽ khi bán hàng online, trên các sàn thương mại điện tử nên vẫn có tình trạng nhiều đơn vị cùng đăng bán, hoặc bán qua livestream sản phẩm tương tự như HTX đang sản xuất nhưng giá thấp hơn nhiều lần, và khi gửi hàng, người tiêu dùng nhận được sản phẩm không phải hàng loại 1 mà là hàng loại 2, thậm chí loại 3.

Ông A Thú, Chủ tịch HĐQT HTX Ngọc Linh H80 (Tu Ma Rông), cho biết hoạt động bán hàng online ngày càng phát triển, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng. Tuy nhiên hình thức này chưa được quản lý chặt chẽ nên ngay sản phẩm có tên sâm Ngọc Linh nhưng chưa chắc bảo đảm chất lượng cũng được bán trên mạng, qua các livestream với các mức giá khác nhau, gây hiểu nhầm và hiểu không đúng về sản phẩm.

“Ngay như sản phẩm lá sâm phơi khô đóng gói của HTX hiện có giá khoảng 4 triệu đồng/kg nhưng nhiều phiên livestream bán với giá trên trời nhưng cũng có người bán với giá rất thấp”, ông A Thú chia sẻ.

Tỉnh táo với các chương trình sale, xả lỗ

Theo các chuyên gia, với xu hướng hiện nay, việc lựa chọn bán hàng online là điều bắt buộc với các HTX. Tuy nhiên, việc HTX lựa chọn sàn-nền tảng thương mại điện tử, nào để bán hàng cần được cân nhắc và tính toán một cách phù hợp. Bởi các sàn thương mại đang cạnh tranh rất khốc liệt. Đặc biệt hình thức livestream cũng được các sàn \'đốt tiền\' để đầu tư.

Đáng chú ý trên các livestream, có những người mua trăm đơn nhưng chưa chắc đã là người mua thực, mà là một đơn vị bán hàng nào đó, hoặc một cửa hàng tạp hóa đang lên các livestream để thực hiện hình thức mua đi bán lại. Bởi nhiều sàn-nền tảng thương mại điện tử đang đẩy mạnh tổ chức các cuộc sale, bán lỗ với giá rẻ hơn giá nhập từ nhà cung cấp để thu hút người mua.

Ths Đỗ Quang Huy, chuyên gia thương mại điện tử, cho biết điều này sẽ dẫn tới tình trạng nhiều người tiêu dùng sẽ ỷ lại, chỉ chờ các đơn vị bán hàng khi nào có khuyến mãi, hạ giá mới chịu mua hàng khiến các HTX, nhất là những HTX với những sản phẩm chưa được nổi bật rất khó bán hàng. Khi không thực hiện khuyến mãi, hạ giá thì sẽ rơi vào tình trạng ế.

Đi liền với đó là tình trạng rác làm ảnh hưởng đến môi trường. Vì muốn giảm nhiều, các đơn vị sale sẵn sàng tách lẻ đơn hàng. Chẳng hạn một hộp khẩu trang cũng tách một nửa ra bán nên rác, nilon, keo dính từ hoạt động đóng gói, vận chuyển lẻ tẻ như vậy gây một lượng rác thải lớn. Chưa kể, nhiều sản phẩm bán với giá rẻ kiểu này, người mua thấy rẻ quá nên mua, nhưng khi mua về chưa chắc đã dùng hoặc hàng không bảo đảm chất lượng nên có muốn cũng không dùng được càng gây lượng rác thải lớn hơn. Việc giảm giá nhiều lần cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu của các nhà cung cấp.

Chính vì vậy, việc thực hiện các chiến dịch khuyến mãi, sale khi bán hàng online là cần thiết nhưng với những đơn vị có hạn về tiềm lực, nguồn vốn như các HTX cần có phương pháp bán hàng online một cách phù hợp, tránh lao theo hình thức tăng trưởng nhờ bù lỗ từ các cuộc giảm giá sập sàn. Bởi nhiều sàn-nền tảng thương mại có các hình thức, chương trình khuyến mãi, sale nhưng chưa chắc nhà cung cấp, đơn vị bán hàng như các HTX và ngay cả người tiêu dùng cũng có lợi về mặt lâu dài.

Theo VN Business