Xóa 'rào cản' tiếp cận chính sách để HTX tận dụng cơ hội phát triển

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Có kế hoạch sản xuất kinh doanh, định hướng, mục tiêu rõ ràng đang là thế mạnh giúp không ít HTX tận dụng được các cơ hội, chính sách hỗ trợ từ các dự án, chương trình của địa phương và trung ương, từ đó tạo lực đẩy để phát triển sản xuất kinh doanh.

Trước đây, quá trình lọc bột làm miến của HTX miến Việt Cường (Thái Nguyên) phải cần 5 người nhưng khi tiếp cận với nguồn vốn khuyến công, HTX đã được hỗ trợ máy lọc bột ly tâm, khâu lọc bột đã hoàn toàn tự động. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX đáp ứng được các đơn hàng lớn ở trong và ngoài nước, nhất là vào dịp cuối năm.

Loay hoay tiếp cận hỗ trợ

Tương tự, sau khi tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ dự án VnSAT, HTX Nông nghiệp Phước Trung (Hậu Giang) đã được hỗ trợ từ quy trình sản xuất, đầu tư máy sấy thóc, nhà kho... Theo tính toán, mỗi kg lúa sấy gia công, HTX lãi ít nhất 50 đồng. Khi HTX tư vấn hỗ trợ mở rộng dịch vụ thu mua, bao tiêu, tạm trữ lúa chờ tăng giá, và dịch vụ cho thuê kho hàng vụ đối với các đầu mối mua lúa thì hiệu quả mang lại của nhà kho cũng như hệ thống sấy đều rất cao khi phát huy hết công suất.

Có thể thấy, đã có không ít HTX được tiếp cận với các nguồn vốn, chính sách hỗ trợ khác nhau để phát triển mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả nhất định, tạo thuận lợi cho HTX liên doanh, liết kết, phát triển theo chuỗi giá trị bền vững.

Khảo sát của Liên minh HTX các tỉnh thành cho thấy đến cuối năm 2023, có 61,1% HTX nông nghiệp được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; 71,7% HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023; 22,1% HTX được giảm thuế giá trị gia tăng; 237 HTX, liên hiệp HTX vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX để phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh... Đây được coi là lực đẩy quan trọng giúp các HTX vượt qua được khó khăn, thích ứng với nền kinh tế thị trường.

\"-4517-1706004650.jpg\"

Tiếp cận chính sách hỗ trợ giúp HTX Việt Cường chuẩn hóa quy trình sản xuất.

Tuy nhiên, nhìn nhận thẳng thắn có thể thấy, hiện nay có nhiều chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo nhưng không phải người đứng đầu HTX nào cũng biết và tận dụng được.

Ông Đặng Ngọc Hương, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Đăk Hà (Đắk Nông), cho biết HTX đã liên kết bao tiêu nông sản cho thành viên và các hộ nông dân liên kết sản xuất rau củ. Vậy, HTX có được hỗ trợ xây dựng nhà máy kho bãi không? Và muốn nhận được hỗ trợ, HTX phải đăng ký ở đâu hoặc làm việc với đơn vị nào?

Có thể thấy những mong muốn, băn khoăn khi chưa biết kết nối với các chương trình, đơn vị cụ thể nào để nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ phát triển sản xuất kinh doanh như HTX Đăk Hà là không hề hiếm. Bởi việc tiếp cận thông tin các chương trình hỗ trợ của của các HTX còn có những hạn chế nhất định. Trong khi việc phổ biến các chính sách hỗ trợ của địa phương, Nhà nước đến với người dân ở các xã, huyện nhiều nơi vẫn chưa được quan tâm nên chưa phổ biến, rộng khắp.

Ông Phạm Công Chính, Chủ tịch Liên minh HTX Tp Đà Nẵng cho biết, thực tế lãnh đạo ở địa phương nào quan tâm đến kinh tế tập thể thì HTX ở địa phương đó phát triển. Nhưng hiện nay, chính quyền ở nhiều địa phương vẫn còn chưa quan tâm, xa rời và thậm chí chưa hiểu đúng về mô hình HTX nên các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể chưa đến được với các HTX. Đi liền với đó, do chưa hiểu đúng về mô hình HTX nên cơ quan quản lý tại địa phương chưa đưa ra chính sách phát triển HTX phù hợp, từ đó chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX tiếp cận các thông tin về chính sách hỗ trợ, nhất là những HTX ở vùng sâu, vùng xa.

Chính vì lẽ đó mà tính đến hết năm 2023, cả nước có 31.364 HTX nhưng mới chỉ có 27,7% tổng số HTX nắm được thông tin và tiếp cận chính sách hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2021-2025...

Ngoài ra còn nhiều chính sách, dự án hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, HTX như các dự án khởi nghiệp, chương trình khuyến nông, hỗ trợ xúc tiến thương mại, chuyển đổi số... nhưng nhiều HTX không biết nên không thể tận dụng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Cần sự liên kết chặt chẽ

Ông Đặng Văn Quân, Giám đốc HTX Trà Hoa Vàng Ái Quốc (Lạng Sơn) cho biết, thực tế việc tiếp cận các thông tin về chính sách hỗ trợ đối với các thành viên HTX còn nhiều khó khăn vì người dân chủ yếu tập trung vào công việc sản xuất. Chính vì vậy, ông cũng như các thành viên trong HTX rất mong khâu tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đối với HTX tại địa phương được rộng rãi và với nhiều hình thức để việc tiếp cận được dễ dàng hơn.

Ngay như mong muốn được tiếp cận chính sách hỗ trợ máy móc, thông qua kiến nghị với Liên minh HTX tỉnh, HTX mới nhận được hướng dẫn là cần làm việc trực tiếp với ngành công thương địa phương để tiếp cận chương trình khuyến công. Và qua đó, HTX mới biết hàng năm, Sở Công Thương sẽ có văn bản gửi Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện/thành phố cũng như Liên minh HTX tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh; Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; tỉnh Đoàn để hướng dẫn, đăng ký hỗ trợ kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương trước tháng 6 hằng năm.

Muốn tiếp cận được chính sách hỗ trợ này, HTX cũng phải đăng ký với các đơn vị trên, sau đó ngành công thương tổng hợp và phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện/thành phố để khảo sát thực tế tại các HTX để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp.

Từ thực tế tại HTX Trà Hoa Vàng Ái Quốc có thể thấy, để nhận được nhận được hỗ trợ từ các chương trình, dự án, ngoài việc tiếp cận thông tin, các HTX phải chứng minh được tính khả thi của dự án, mô hình sản xuất kinh doanh mà HTX đang và sắp đầu tư. Bởi thực tế, HTX cũng phải trải qua nhiều bước, nhiều thủ tục phức tạp có thể kéo dài cả năm để các cơ quan quản lý khảo sát cũng như kiểm tra tính hiệu quả của dự án, mô hình HTX đã hoặc sắp triển khai. Nếu dự án đó có tính khả thi thì mới nhận được hỗ trợ.

Theo các chuyên gia, từ lúc làm hồ sơ, khảo sát, đánh giá thực tiễn đến lúc nhận được hỗ trợ là cả một quá trình nên không phải HTX nào cũng có thể kiên nhẫn chờ đợi. Đôi khi HTX phải tiếp tục thực hiện sản xuất kinh doanh bằng các nguồn khác hoặc tự lực.

Chính vì vậy, ngoài chủ động để tiếp cận đa dạng được các nguồn vay, các HTX cần chủ động chứng minh được hiệu quả, giá trị mà mô hình, dự án của mình mang lại. Ngoài ra, các HTX cần liên hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý tại địa phương để có thông tin kịp thời, bởi chính sách, văn bản pháp luật vốn có nhiều thay đổi, thậm chí có sự chồng chéo mà bản thân các HTX không thể tự cập nhật hết được.

Theo VN Business