Tăng khả năng hấp thụ chính sách cho các HTX

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều thách thức, kinh tế tập thể, HTX sẽ không tránh khỏi những khó khăn. Việc Nhà nước quan tâm ban hành và hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ được coi là động lực quan trọng giúp các HTX vững vàng trước sóng gió.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư với các thị trường rộng lớn, nhưng yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm cũng ngày càng cao và khắt khe hơn. Trong bối cảnh đó, mô hình HTX giúp những người sản xuất nhỏ giải quyết hiệu quả các vấn đề về sản xuất kinh doanh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Động lực phát triển HTX

Trước vai trò của mô hình kinh tế tập thể, HTX, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển mô hình này cũng như các chính sách phục hồi kinh tế trong đó có đối tượng thụ hưởng là HTX được thông qua. Trong đó, Nghị quyết số 20-NQ/TW được coi là tiền đề, cơ sở để phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới. Nhiều bộ, ngành cũng đã coi đây là kim chỉ nam để ban hành các chính sách hỗ trợ các HTX ở các lĩnh vực cụ thể.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Nghị quyết số 20-NQ/TW đã đề ra giải pháp về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế tập thể…, từ đây nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung theo tinh thần ưu đãi, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể theo hướng xác định các tổ chức kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân.

\"-9482-1706669320.jpg\"

Nghị quyết 20-NQ/TW được coi là nền tảng để các bộ ngành, địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX một cách phù hợp.

Theo thống kê, từ năm 2013-2021 đã có hơn 362.093 lượt cán bộ, thành viên HTX được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng. Năm 2022, Bộ KH&ĐT tổ chức 11 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, thành viên HTX và các đối tượng khác liên quan với khoảng 700 học viên. Cũng trong giai đoạn 2013-2021, đã có 2.617 HTX nông nghiệp được hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đánh giá, số lượng các HTX đã phát triển lên đến gần 31.000 HTX và trong giai đoạn 2021-2023 có đến 71,3% các HTX thành lập mới có các sáng lập viên trẻ (độ tuổi 27-40), nhiệt huyết, có kiến thức, trình độ về các lĩnh vực khởi nghiệp cũng nhờ một phần vào việc các chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, Luật HTX năm 2023 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thể chế hóa 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, là tiền đề cơ sở để phát triển khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.

Khảo sát của Liên minh HTX cấp tỉnh đến cuối năm 2022 cho thấy, hơn 104.000 lao động trong khu vực HTX được hỗ trợ 76 tỷ đồng tiền thuê nhà; 81,7% tổng số HTX và người lao động trong HTX được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; 74,2% tổng số HTX vận tải được giảm thuế bảo vệ môi trƣờng đối với xăng dầu; một số ít HTX nông nghiệp, vận tải, du lịch vay vốn tại ngân hàng thương mại được giảm lãi suất 2%; 401.000 lao động trong các HTX, liên hiệp HTX (có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm) được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp…

Điều này cho thấy, việc hấp thụ các chính sách hỗ trợ đang thấm dần vào các HTX và giúp mô hình kinh tế HTX ngày càng phát triển, khẳng định vai trò trong tái cơ cấu nông nghiệp. Chỉ tính trong năm 2022, đã có khoảng 2.600 HTX được thành lập mới ở 6/6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước. Điều này giúp tỷ trọng sản xuất các mặt hàng nông sản tại khu vực kinh tế tập thể ngày càng gia tăng. Riêng tỷ trọng lúa, gạo, hồ tiêu và rau quả do các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác và các thành viên sản xuất đã chiếm khoảng 70% tổng sản lượng của cả nước.

Hướng đến mục tiêu 22.000 HTX nông nghiệp

Hiện nay, các HTX đã ngày càng chú trọng vào việc mở rộng quy mô, phát triển thành viên để tăng sức liên kết và cạnh tranh trên thị trường. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, bình quân số thành viên trong HTX đang là 195 người/HTX. Trước nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển chuỗi giá trị hàng hóa, dự kiến trong những năm tiếp theo, mỗi năm cả nước tăng khoảng gần 1.000 HTX nông nghiệp để đến hết năm 2025 có khoảng 22.000 HTX nông nghiệp đảm bảo cả về chất và lượng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, khu vực kinh tế hợp tác, HTX cũng đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, từ áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong nền kinh tế thị trường hay tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn. Đi liền với đó là biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra với tốc độ rất nhanh...

Trong khi đó, việc tiếp cận một số chính sách hỗ trợ của HTX vẫn còn chưa sâu, rộng. Cụ thể như việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các HTX hiện nay vẫn còn khá hạn chế. Quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX còn vướng mắc do một số quy định về thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Luật Đất đai 2013 còn thiếu linh hoạt.

Bên cạnh đó, trước điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, bảo hiểm nông nghiệp được coi là phao cứu sinh cho các HTX nhưng chính sách bảo hiểm nông nghiệp đến nay vẫn chưa đầy đủ, chậm triển khai, hạn chế về đối tượng cây trồng, vật nuôi nên chưa thực sự giúp các HTX giảm thiểu rủi ro thiệt hại, phát huy hiệu quả của mô hình liên kết hợp tác.

Trước những biến động mạnh của thị trường giá cả đòi hỏi các HTX không chỉ tự phát triển sản xuất mà còn cần tăng cường liên kết phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết với các HTX, tổ hợp tác, liên hiệp HTX, doanh nghiệp để phát triển các chuỗi giá trị theo quy mô vùng, miền để tổ chức sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm ổn định và bền vững, đạt tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng việc phát triển kinh tế tập thể, HTX đóng vai trò quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững. Do đó, cần phải hỗ trợ để HTX nông nghiệp thực sự trở thành một thể chế kinh tế xã hội quan trọng ở nông thôn.

Vì vậy, sau khi Luật HTX năm 2023 và Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18/7/2023 được ban hành, việc hoàn thiện giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới cần thống nhất về mô hình và phương thức hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển HTX có quy mô lớn, đông thành viên, những HTX quan tâm đến lợi ích cả về kinh tế, xã hội, môi trường và phúc lợi cho người dân nông thôn. Chính sách hỗ trợ chỉ nên giới hạn hoạt động của HTX theo lợi thế vùng nguyên liệu, không giới hạn địa giới hành chính để tạo động lực cho HTX liên kết, phát triển sản xuất, kinh doanh.

“Đặc biệt, chính sách hỗ trợ phát triển HTX cần từ đơn chức năng sang đa chức năng, tích hợp đa giá trị. Từ chú trọng đầu vào sang kết hợp chú trọng đầu ra; từ chuỗi cung ứng sang chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Cùng với các thành phần kinh tế khác, kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, nòng cốt là HTX có vai trò và đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tạo việc làm cho người lao động, hiện thực hóa chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng bên cạnh những chính sách đã phát huy hiệu quả, vẫn còn một số chính sách chưa được triển khai thực hiện, chưa phát huy được tác dụng để hỗ trợ HTX. Do đó, cần xem xét giữ lại những cơ chế, chính sách mang lại hiệu quả cho hoạt động HTX và loại bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung những chính sách chưa thật sự hiệu quả và chưa phù hợp với những quy định của pháp luật hiện hành.

Ngay như với Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 – 2025 cũng cần rà soát, sửa đổi để phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Cụ thể là chính sách hỗ trợ đưa nội dung phát triển kinh tế tập thể, HTX vào giảng dạy tại các trường chính trị, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân cần thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW. Tức là mức chi hỗ trợ được quy định tại Quyết định 1804 là “ít nhất bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng/ khoá đào tạo” là chưa phù hợp với thời gian, nhu cầu tham gia các khóa đào tạo của thành viên HTX (có khi kéo dài đến 45 ngày).

Còn tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT và Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT cũng chưa có sự thống nhất, gây khó khăn cho các địa phương, cơ quan quản lý trong việc phân loại HTX.

Bên cạnh đó, cần bổ sung đối tượng HTX tham gia các chương trình, đề án, nhiệm vụ trọng điểm, chương trình quốc gia như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg; Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam theo Quyết định số 687/QĐ-TTg… Vì HTX là một chủ thể quan trọng trong các chuỗi giá trị hàng hóa, lại hoạt động đa lĩnh vực, ngành nghề, từ đó góp phần không nhỏ giải quyết và thúc đẩy các vấn đề kinh tế, xã hội.

Dự kiến, Diễn đàn Kinh tế hợp tác 2023: “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới” sẽ được tổ chức ngày vào 2/2/2024 tại Hà Nội.

Diễn đàn được tổ chức nhằm đánh giá một cách căn bản, khách quan, toàn diện những thuận lợi, khó khăn và chỉ ra nguyên nhân, cũng như đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới nhằm giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX có những bước chuyển mình mạnh mẽ, phát triển bền vững và hoàn thành các mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 20-NQ/TW.

Theo VN Business