Làm gì để HTX hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ?

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ bảy, 23/11/2024 ]

Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho HTX phát triển. Tuy vậy, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với HTX còn gặp nhiều khó khăn do một số chính sách hiện vẫn có hiệu lực nhưng không có tính khả thi cao...

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế hợp tác: “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022- Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới\" tổ chức ngày 2/2/2024, trao đổi với VnBusiness, ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà (Tuyên Quang) cho biết, thực tế HTX đã được tiếp cận một số chính sách hỗ trợ, giúp hiệu quả sản xuất kinh doanh nâng lên.

Từ chính sách đến thực tiễn vẫn còn khoảng cách

Tiêu biểu như HTX được tiếp cận với nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đó giúp HTX xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng, nhà kho. HTX cũng đang tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn. Khi vay 400 triệu đồng, HTX được hỗ trợ lãi suất 50%. HTX còn được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam để đầu tư xe vận chuyển hàng hóa. Đây là những điều kiện thuận lợi giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo tại địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Phố, dù được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi về lãi suất nhưng HTX không vay được số vốn lớn để đầu tư cho trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất một cách đồng bộ. Vì giá trị tài sản để đảm bảo tiền vay của HTX thấp do địa bàn HTX sản xuất kinh doanh là xã vùng sâu xa dẫn nên ngân hàng chỉ cho vay số vốn nhỏ, tương ứng với tài sản đảm bảo tiền vay.

“Điều này chưa đáp ứng được nhu cầu vay để phục vụ phát triển sản xuất theo hướng khép kín, hiện đại, quy mô lớn phục vụ xuất khẩu của HTX”, Giám đốc Đặng Ngọc Phố chia sẻ.

Ông Nguyễn Phi Đức, Giám đốc HTX Dương Liễu (Hà Nội) cho biết đã có những HTX được vay vốn từ ngân hàng thương mại hoặc Quỹ hỗ trợ phát triển HTX nhưng đều phải dùng tài sản của các thành viên hội đồng quản trị, giám đốc làm tài sản đảm bảo mới được vay vốn. Đi liền với đó, mức vốn cho vay tại các quỹ hỗ trợ còn thấp, hầu như chưa đáp ứng mục tiêu đầu tư phục vụ sản xuất kinh doanh của các HTX.

“Nhà nước nên bổ sung vốn hoạt động cho các Quỹ hỗ trợ phát triển HTX từ trung ương đến các tỉnh để có thể nâng mức cho vay tăng nên khoảng 3 - 5 lần như hiện nay, và mỗi dự án vay có thể đạt mức từ 1 - 3, 4 tỷ đồng trở nên, không bị hạn chế theo dự án mới đáp ứng khả năng nhu cầu vốn cho các HTX”, ông Đức nêu ý kiến.

\"-4971-1706690793.jpg\"

Nhiều chính sách hỗ trợ chưa đúng với tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW nên chưa tạo động lực cho HTX phát triển.

Ngoài khó khăn về tiếp cận nguồn vốn, nhiều HTX cho rằng chuyển đổi số trong HTX là rất quan trọng, nhưng những quy định hiện hành đang khiến các HTX khó đến gần được với các tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ vào thực tiễn.

Điển hình như theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017, HTX được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ nhưng lại phải đáp ứng điều kiện công nghệ đó là công nghệ mới lần đầu tiên được tạo ra hoặc ứng dụng tại Việt Nam hoặc trên thế giới có trình độ cao hơn trình độ công nghệ cùng loại hiện có tại Việt Nam.

Với điều kiện khắt khe này, đại diện các HTX cho rằng rất khó để HTX có thể tiếp cận, đáp ứng. Vì vậy, các HTX kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chuyên môn nghiên cứu điều chỉnh chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ theo hướng thông thoáng, phù hợp với điều kiện phát triển của các HTX hiện nay.

Chính sách cần phù hợp với từng nhóm HTX

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương chính sách để tác động và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX như Nghị quyết số 13-NQ/TW; Kết luận số 56-KL/TW, Quyết định 1804/QĐ-TTg, Nghị quyết số 20-NQ/TW, gần đây là Luật HTX số 17/2023/QH15… Ngoài ra là các nghị định về phát triển kinh tế nông nghiệp như Nghị định 98 về liên kết, Nghị định 57 về thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân…

Các chính sách hỗ trợ HTX được ban hành tương đối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Song, nhìn nhận từ thực tiễn có thể thấy, nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách còn hạn chế. Một số chính sách ban hành nhưng chưa phù hợp với điều kiện thực tế, HTX khó đáp ứng quy định về điều kiện thụ hưởng như: Chính sách về đất đai, chính sách về tín dụng, chính sách về khoa học công nghệ…

“Rất mong Nhà nước, các cấp chính quyền tạo điều kiện để HTX tiếp cận với các nguồn vốn như khuyến công để đầu tư mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị và công nghệ mới. Đồng thời, hỗ trợ HTX xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm”, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Thới Thạnh (Bến Tre) Trần Quốc Ửng bày tỏ.

Trong khi đó, ông Trương Thanh Viện, Chủ tịch HĐQT HTX điều hữu cơ Truecoop Ninh Thuận cũng cho rằng việc tiếp cận chính sách hỗ trợ của HTX còn lúng túng, chậm và chưa thật sự chủ động, là do bản thân HTX không nắm rõ nội dung của từng đề án hỗ trợ, chưa mạnh dạn lấy ý kiến thành viên để đề xuất các chính sách hỗ trợ phù hợp nhất cho HTX.

TS. Hoàng Xuân Trường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển Hệ thống Nông nghiệp, Viện KHNN Việt Nam (Bộ NN&PTNT), cho biết các HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ chưa thật sự thuận lợi. Nhiều địa phương chỉ tập trung, quan tâm, hỗ trợ các HTX điển hình, đã khá mạnh hoặc các HTX nông nghiệp. Hầu hết các tỉnh, thành còn thiếu nghiên cứu, phân tích tổng thể về HTX tại địa phương, từ đó khó phân loại từng nhóm HTX để có giải pháp tác động và hỗ trợ kịp thời, giúp HTX phát triển đúng hướng và ngày càng tốt hơn.

Theo TS. Hoàng Xuân Trường, muốn HTX tiếp cận với chính sách hỗ trợ thuận lợi theo đúng tinh thần Nghị quyết 20, mỗi tỉnh thành cần có nghiên cứu, phân tích, phân loại HTX ra 3 nhóm theo Thông tư số 01/2020 của Bộ KH&ĐT kết hợp với Thông tư số 09/2017 của Bộ NN&PTNT. Để có thể phân tích được các HTX nông nghiệp thì nên kết hợp 2 hướng dẫn này mới đủ để phân tích cả định tính và định lượng về HTX. Từ kết quả nghiên cứu, phân tích, các tỉnh thành cần ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển HTX phù hợp với từng nhóm HTX và giai đoạn phát triển kinh tế xã hội chung của địa phương.

Trong khi đó, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng để tăng nguồn lực đầu tư phát triển cho các HTX, cần đổi mới mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển HTX để tăng khả năng huy động nguồn lực từ thị trường. Các địa phương cần quan tâm cấp bổ sung vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện hỗ trợ HTX vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo quy định. Ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết chặt chẽ hơn việc liên kết giữa doanh nghiệp và HTX theo hợp đồng.

“HTX là một hình thức pháp lý về tổ chức, vì vậy, vấn đề quan trọng và cấp bách hiện nay là phải nhận thức đúng bản chất tổ chức HTX, xác định đúng và cụ thể mô hình tổ chức HTX, định hình chuẩn về khung khổ pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho HTX ra đời và phát triển bền vững, tiến kịp đà đổi mới, đóng góp vào sự phát triển của đất nước”, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy nhấn mạnh.

Theo VN Business