Tháo gỡ 'điểm nghẽn' trong triển khai chính sách hỗ trợ HTX
Các HTX ngày càng phát huy vai trò là “hạt nhân”, “lực lượng cốt lõi” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Do đó, các chính sách hỗ trợ nếu được sửa chữa, bổ sung, ban hành kịp thời sẽ giúp cơ quan quản lý địa phương và HTX “gặp được nhau”, từ đó giúp các HTX thuận lợi trong tiếp cận các nguồn hỗ trợ.
Tại Nghị quyết số 20-NQ/TW đã nêu quan điểm: “Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Nhiều HTX chưa nhận được hỗ trợ
Thực tế trong những năm vừa qua, nhiều địa phương đã tích cực hỗ trợ HTX tiếp cận các chính sách hoặc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp các HTX thuận lợi trong sản xuất kinh doanh. Đơn cử như tại TP HCM, UBND TP đã ban hành Quyết định 6080/QĐ-UBND nhằm thực hiện đề án đầu tư xe buýt. Theo đó, có 1 Liên hiệp HTX và 8 HTX đã đầu tư, thay mới 740 xe buýt. Ngoài ra, Thành phố cũng có Quỹ bảo vệ môi trường nhằm hỗ trợ HTX vệ sinh môi trường tiếp cận vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn vay tối đa 7 năm và hạn mức vay không quá 70% tổng mức dự án để chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Tuy nhiên theo đại diện không ít địa phương, vẫn còn tình trạng HTX chưa được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ vì chủ trương chính sách hỗ trợ khu vực này vẫn còn chưa thống nhất, gây khó khăn cho các địa phương trong triển khai, hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất, đầu tư kinh doanh.
Là địa phương đang tích cực hỗ trợ HTX phát triển theo chuỗi giá trị, cánh đồng lớn nhưng tại Cần Thơ, nhiều HTX vẫn còn gặp những lực cản trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Thống kê của UBND TP Cần Thơ cho thấy, đối với chính sách hỗ trợ giao đất, cho thuê đất phục vụ hoạt động HTX, hiện nay trên địa bàn chỉ có 1 HTX nông nghiệp lĩnh vực thủy sản được thuê đất hoặc giao đất theo Điều 19, 20 của Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thuê đất, thuê mặt nước. Một số HTX còn gặp khó khăn trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại do phần kinh phí hỗ trợ còn hạn chế khiến nhiều HTX chưa tích cực tham gia hoạt động này.
Còn tại Bến Tre, năm 2022, thực hiện Công văn số 53/PTHTX-QLHTX ngày 16/9/2022 của Cục Phát triển HTX về việc đề xuất danh sách HTX thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, UBND tỉnh đề xuất tổng cộng 9 HTX nhưng chưa nhận được hỗ trợ.
Nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc triển khai chính sách hỗ trợ HTX. |
Theo lãnh đạo các địa phương, việc chưa hoặc khó tiếp cận chính sách hỗ trợ một phần do nội lực của HTX chưa mạnh nhưng một phần cũng do các quy định, điều kiện từ các chính sách hỗ trợ còn chồng chéo, rườm rà, chưa phù hợp thực tiễn với điều kiện của các HTX.
Ngay trong Quyết định số 1804/QĐ-TTg, các chính sách hỗ trợ thuộc kinh phí sự nghiệp thì HTX ở các địa phương dễ tiếp cận và đủ điều kiện nhận để hỗ trợ (chính sách về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ thành lập mới; chính sách về xúc tiến thương mại) hơn là chính sách hỗ trợ về xây dựng kết cấu hạ tầng cho HTX có sử dụng vốn đầu tư phát triển. Bởi muốn được hưởng chính sách hỗ trợ về xây dựng kết cấu hạ tầng này, HTX phải thực hiện đúng theo quy trình của dự án trong Luật Đầu tư công nên có sự phức tạp về thủ tục, hồ sơ và điều kiện để triển khai.
Chia sẻ trước thềm Diễn đàn kinh tế hợp tác 2024: “Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022- Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX trong giai đoạn mới\", ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết chính sách hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại các HTX chưa hiệu quả vì cụm từ “lao động trẻ” chưa có định nghĩa, hướng dẫn rõ ràng.
Theo Công văn số 3250/BKHĐT-KTHT, “lao động trẻ” trong thực hiện Quyết định số 1804/QĐ-TTg và Thông tư số 124/2021/TT-BTC thì Bộ đề nghị “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào lĩnh vực, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tình hình phát triển của các tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, chủ động xác định “lao động trẻ” bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy định liên quan hiện hành”.
Ông Huỳnh Đức Quang cho rằng, hướng dẫn này rất khó khăn cho địa phương trong việc xác định độ tuổi được xem là lao động trẻ vì Bộ Luật lao động năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan không có quy định về lao động trẻ.
Có thể thấy, những quy định chung chung, chưa cụ thể, thậm chí chồng chéo trong một số văn bản pháp luật là nguyên nhân khiến các địa phương gặp khó khăn trong triển khai các chính sách hỗ trợ đối với khu vực kinh tế tập thể, HTX và cũng khiến chính các HTX khó khăn trong hưởng thụ chính sách hỗ trợ.
Chính sách cần cụ thể
Trong khi, một trong năm nhóm nhiệm vụ và giải pháp đề ra của Nghị quyết 20 là: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể”. Như vậy, khi các chính sách ưu đãi hợp lý của Nhà nước được triển khai phù hợp, kịp thời sẽ là động lực khuyến khích, thúc đẩy các HTX phát triển và phát huy tối đa đặc điểm, lợi thế của loại hình tổ chức kinh tế này.
Ông Liễu Xuân Du, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn là một tỉnh miền núi nên các chính sách hỗ trợ cũng cần xem xét phù hợp với điều kiện của địa phương. Chẳng hạn như các chính sách tại Quyết định số 1804/QĐ-TTg cơ bản phù hợp với nhu cầu hỗ trợ cho KTTT, HTX. Tuy nhiên, nguồn lực bố trí cho phát triển KTTT, HTX chưa tương ứng với mục tiêu đề ra và chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Hiện, nguồn vốn thực hiện hỗ trợ các HTX ở Lạng Sơn chủ yếu sử dụng ngân sách địa phương và lồng ghép với các nguồn vốn khác nên rất khó thực hiện và khó đáp ứng được nhu cầu của HTX. Ông Du mong muốn Trung ương bố trí nguồn vốn riêng cho thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT, HTX.
\"Tại điểm b khoản 5 mục III của Quyết định số 1804/QĐ-TTg, đề nghị bộ KH&ĐT hướng dẫn đánh giá thế nào là “HTX có đủ năng lực” để cơ quan có thẩm quyền địa phương thực hiện xem xét giao cho HTX tự thực hiện dự án, mua sắm với tổng mức vốn dưới 3 tỷ đồng\", ông Du nói.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Chu Tiến Quang cho rằng hiện nay, nhiều chính sách trong Luật HTX 2023 đã thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 20. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những nội dung, quy định tại Luật HTX 2023 chưa được cụ thể, nếu không bổ sung kịp thời có thể tiếp tục gây khó khăn trong triển khai thực hiện Luật về sau tại các địa phương.
Cụ thể như Điều 23 Luật HTX năm 2023 đã đề cập các nội dung cơ bản của chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 20/TW, nhưng chưa đề cập nội dung hướng dẫn thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ tại các tổ chức KTTT có đủ điều kiện theo tinh thần của NQ 20/TW. “Điều này rất dễ tạo ra khoảng trống về pháp luật đối với hoạt động tín dụng nội bộ HTX hiện nay và gây khó cho các địa phương trong thực hiện”, PGS TS Chu Tiến Quang cho biết.
ThS. Nguyễn Phi Hiệp, Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ như thuế thu nhập, chuyển đổi số, đất đai… vẫn yêu cầu hồ sơ thủ tục còn rườm rà, mức hỗ trợ không nhiều do đó HTX hầu như không có đề xuất hỗ trợ.
Chẳng hạn như chính sách tín dụng cần thường xuyên nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng; rà soát, cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng phù hợp với yêu cầu và thực tiễn hoạt động của HTX để từng bước mở rộng và tăng cường hỗ trợ vốn cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho các loại hình kinh tế tập thể.
\"Các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể cần được đơn giản hơn nữa, mức hỗ trợ cần phù hợp thực tế, tránh chồng chéo để cơ quan quản lý ở địa phương dễ triển khai, tạo điều kiện cho các HTX được tiếp cận thuận lợi\", ThS. Nguyễn Phi Hiệp nói.
Theo VN Business