Liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp cái “bắt tay” mở cửa cho Nông sản với thị trường
Hiện nay, liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, Hợp tác xã nông nghiệp không chỉ thực hiện sự chuyên môn hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản, góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, hiện đại, công nghệ cao mà còn là “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội để nông sản Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường thế giới, tăng cường năng lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Liên kết người nông dân và Doanh nghiệp (Vạn Ninh – Khánh Hòa)
Những lợi ích mang lại của việc liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp
+ Thứ nhất, thực hiện sự phân công lao động, chuyên môn hóa trong sản xuất, kinh doanh hàng nông sản. Mỗi chủ thể khi tham gia liên kết kinh tế sẽ đảm nhiệm một lĩnh vực hoặc một khâu mà mình có thế mạnh. Chẳng hạn, các hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp có thể chuyên môn hóa trong canh tác, sản xuất, chăm bón…; đổi lại các doanh nghiệp chuyên môn hóa trong chuyển giao kỹ thuật sản xuất công nghệ cao trong chế biến, tiêu thụ hàng nông sản. Đặc biệt, đối với lĩnh vực chế biến sâu hàng nông sản vai trò của doanh nghiệp là rất lớn. Nhóm hàng nông sản rau, củ, quả sẽ bị lãng phí nếu chỉ dừng lại ở tiêu thụ sản phẩm sơ chế. Trong khi đó, nếu được chế biến sâu, giá trị nông sản có thể tăng từ 10 đến 20 lần, từ đó gia tăng lợi nhuận. Những nhà máy có công suất lớn do những doanh nghiệp lớn đảm nhiệm, nông sản của hộ nông dân sẽ đảm bảo được tiêu thụ toàn bộ, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.
+ Thứ hai, tạo sự ổn định, sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản. Nếu không có liên kết kinh tế, các chủ thể khó có đủ nguồn lực để ổn định sản xuất (cụ thể như thiếu vốn, công nghệ, lao động, đất đai cũng như thiếu nguồn tiêu thụ, cung ứng hàng nông sản).
Do đó với sự liên kết như vậy sẽ giúp các chủ thể yên tâm sản xuất kinh doanh, góp phần đảm bảo hình thành chuỗi giá trị hàng nông sản có chất lượng cao, giảm chi phí trung gian để tạo sức cạnh tranh trên thị trường, hạn chế tác động tiêu cực từ bên ngoài như khủng hoảng kinh tế, thiên tai và các rủi ro khác.
Hơn nữa, tham gia liên kết kinh tế, với việc tiếp cận dễ dàng hơn các nguồn lực, đặc biệt là vốn và khoa học công nghệ, quy trình sản xuất chặt chẽ theo từng khâu, phải đảm bảo yêu cầu khắt khe theo nhiều tiêu chuẩn như GLOBALGAP (là tiêu chuẩn Quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là một trong những tấm vé thông hành giúp các nhà sản xuất có thể đưa sản phẩm của mình vào các thị trường nhập khẩu nông sản lớn và khó tính trên thế giới như: Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… Sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận GLOBALGAP có giá trị cao, đáp ứng các yêu cầu của hầu hết các nhà nhập khẩu nông sản quốc tế và đang là xu hướng xuất khẩu mới của ngành nông nghiệp Việt Nam; Chứng nhận hữu cơ USDA Organic (Là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nghiêm ngặt nhất của cơ quan USDA. Cơ quan này yêu cầu sản phẩm chứa 95% thành phần hữu cơ mới được sử dụng logo của cơ quan họ); Chứng nhận hữu cơ PGS (hệ thống đảm bảo sự tham gia và đóng góp của các tổ chức và nhà nông vào qui trình sản xuất và cung ứng hữu cơ) sẽ làm cho sản xuất ổn định hơn. Đồng thời, chất lượng và giá trị hàng nông sản được nâng lên, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao thương hiệu hàng nông sản Việt Nam.
+ Thứ ba, Liên kết kinh tế tạo cơ hội và kích thích các chủ thể kinh tế ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, chuyển giao công nghệ cho nhau với chi phí hợp lý, thời gian nhanh chóng. Từ đó, nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, tạo ra khối lượng hàng nông sản lớn hơn và đảm bảo những quy định nghiêm ngặt trong từng khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng nông sản, đồng thời, tạo ra giá trị gia tăng cho hàng nông sản.
+ Thứ tư, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất (bao gồm cơ cấu cây trồng, vật nuôi) theo hướng chuyên môn hóa theo vùng lãnh thổ và mở rộng liên kết vùng. Liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp với vùng nguyên liệu tập trung có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau.
Liên kết kinh tế một mặt quy tụ, tập trung các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, phân tán thành cụm, thành tổ, thành nhóm để thuận lợi cho việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đưa công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa cũng như thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát hay thu mua nông sản; mặt khác, hướng sản xuất vào một loại cây, con thế mạnh nhất định như năng suất, chất lượng cao, giá thành hợp lý, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Từ đó, dần hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh.
Sản phẩm chất lượng cao của liên kết sản xuất kinh tế
+ Thứ năm, Dưới hình thức kết hợp doanh nghiệp và nông dân, hợp tác xã cùng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sử dụng thế mạnh của mình là cung ứng vốn, nguyên vật liệu, đầu tư quy trình khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường. Trong khi đó, hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp sử dụng thế mạnh của mình là cung ứng đất đai, lao động để tiến hành sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, đảm bảo hàng nông sản có chất lượng tốt.
+ Thứ sáu, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của doanh nghiệp và hộ nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Thông qua liên kết kinh tế sẽ làm thay đổi tư duy tiểu nông, sản xuất nhỏ lẻ trong nông nghiệp mà thay vào đó là tư duy sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của nền kinh tế thị trường trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp - nhà nông – hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp được xác định là hướng đi đúng đắn, có chiều sâu và giúp nâng cao hiệu quả sản xuất củng như giá trị cho nông sản của mỗi địa phương cả nước.
Thực hiện: Thanh Sơn