DU LỊCH SINH THÁI CỘNG ĐỒNG GẮN VỚI NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN CẦN MỘT CÁCH LÀM HIỆU QUẢ TỪ BƯỚC ĐẦU TRIỂN KHAI

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 25/11/2024 ]
  1. Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp và nông thôn

Du lịch sinh thái gắn nông nghiệp, nông thôn được hiểu là loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phục vụ du khách được dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia, đặc biệt là lợi ích của cộng đồng trực tiếp tham gia cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp; khách du lịch được trải nghiệm, khám phá cuộc sống tại các vùng nông thôn và cảm thấy hài lòng; làm gia tăng các giá trị và thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm nông nghiệp thông qua du lịch.

                         Biển Dốc Lết địa điểm du lịch sinh thái tại Nha Trang 

 

Để khai thác phát triển hoạt động du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp  và nông thôn cần phải bảo đảm được các yếu tố sau:

Không gian hoạt động du lịch nông nghiệp (điểm đến): Cụ thể thuộc về các tổ chức lãnh thổ nông nghiệp như trang trại, đồng ruộng, rừng trồng; làng quê, thôn bản, làng chài, miệt vườn... Nơi đây luôn chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống, các lễ hội, làng nghề truyền thống, nền ẩm thực và các sản vật địa phương gắn với các yếu tố môi trường khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng... Ngoài giá trị đặc trưng, các yếu tố cảnh quan, môi trường, điện, cấp thoát nước và kết nối giao thông thuận lợi với các trung tâm, các điểm du lịch khác để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn…

Văn hóa lễ hội tháp bà Ponaga Khánh Hòa điểm đến của du khách trãi nghiệm

Người cung ứng hoạt động du lịch nông nghiệp: cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đây chính người dân, cộng đồng địa phương gắn với môi trường văn hóa, quy trình sản xuất, phương thức tập quán kỹ thuật canh tác, trồng trọt, chăn nuôi. Người dân địa phương sẽ là chủ thể gìn giữ và chia sẻ các giá trị văn hóa nông nghiệp với du khách đến từ mọi miền đất nước và du khách nước ngoài

 

Du lịch trãi nghiệm làm nông cho du khách nước ngoài

Các hoạt động của du lịch nông nghiệp cho du khách: Bao gồm giao lưu, trải nghiệm, khám phá của du khách với cộng đồng như hoạt động giải trí ngoài trời (câu cá, săn bắt, tìm hiểu cuộc sống hoang dã, cấy lúa, làm nông...); trải nghiệm học tập (tham quan nhà máy, xưởng sản xuất sản phẩm đặc trưng của địa phương, lớp học nấu ăn, nghiên cứu cấy ghép, sản xuất cây trồng, vật nuôi...); hoạt động thư giãn (lễ hội, các màn trình diễn truyền thống); trải nghiệm cuộc sống người bản địa (homestay, các chương trình được hướng dẫn bởi người dân bản địa, trang phục truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương; mua sản phẩm được sản xuất trực tiếp tại điểm du lịch…). Những hoạt động này đòi hỏi sự sáng tạo, đầu tư chọn lọc và làm nên sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp.

Làng nghề Soi trầm tại Hợp tác xã Trầm Hương Vạn Thắng, Vạn Ninh

Chia sẻ lợi ích giữa các bên tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp: Lợi ích kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường phải đảm bảo hài hòa giữa người dân bản địa, công ty du lịch và các bên liên quan. Trong đó, điểm quan trọng nhất mà du lịch nông nghiệp phải mang lại thu nhập trực tiếp và sinh kế cho người dân thông qua cung cấp dịch vụ cho khách du lịch (homestay, hướng dẫn, trình diễn, cung cấp dịch vụ, hàng hóa, nông sản được sản xuất tại địa phương phục vụ tiêu thụ tại chỗ...).

Chinh phục ngọc Hải Đăng – Hòn Lớn

Vai trò cầu nối của các Công ty lữ hành: Các Công ty lữ hành đóng vai trò là cầu nối đưa khách du lịch đến với điểm đến, định hướng thiết kế sản phẩm du lịch nông nghiệp phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp chỉ được khai thác hiệu quả khi được nằm trong kế hoạch Marketing sản phẩm từ khảo sát, xây dựng, quảng bá, bán, tổ chức thực hiện của các công ty lữ hành.

Các thương hiệu lữ hành nổi tiếng

- Hoạt động xúc tiến quảng bá, truyền thông điểm đến: việc xây dựng thương hiệu cho địa danh, sản phẩm nông nghiệp gắn với địa danh sản xuất sẽ góp phần rất lớn trong việc phát triển du lịch nông nghiệp.

  1. 2. Một số vấn đề đặt ra đối với du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và nông thôn

- Vai trò phối hợp giữa các ngành nông nghiệp, du lịch, công thương để có sản phẩm du lịch chất lượng và bền vững

Ngành du lịch, ngành nông nghiệp và công thương cần phối hợp và triển khai xây dựng Chương trình chung về phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó chú trọng đến một số hoạt động như chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn, công nghệ, đầu tư hạ tầng, bồi dưỡng tập huấn nhân lực cho một số điểm du lịch nông nghiệp; xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, xếp hạng, gắn sao cho các sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao; xây dựng kế hoạch truyền thông thương hiệu cho sản phẩm du lịch nông nghiệp; chọn lọc đưa sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại địa phương, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, có tem nhãn bao bì mẫu mã riêng phục vụ khách du lịch...

- Phát triển sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn

Để phục vụ cho hoạt động đầu tư sản phẩm du lịch và thu hút đầu tư, ngành du lịch và ngành nông nghiệp các địa phương cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp trong đó cần chỉ ra các khu vực như làng văn hóa sinh thái nông nghiệp nào có khả năng cung ứng thành sản phẩm du lịch: chọn lựa các giá trị tài nguyên, giá trị văn hóa cốt lõi, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để phát triển. Bên cạnh đó, cần đánh giá, rà soát các hoạt động du lịch nông nghiệp đã được triển khai hiện có để có thể mở rộng, nâng cấp thành dự án nhà ở homestay chất lượng cao; Quy hoạch khu vực có thể đầu tư trở thành các dự án khu du lịch thuần túy nông nghiệp, có không gian và cảnh quan thuận lợi cho thu hút đầu tư của các doanh nghiệp có quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa

Việc rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp là hết sức cần thiết, đặc biệt trong phạm vi của vùng  và tại từng địa phương, đảm bảo sự hài hòa và không tiêu diệt cảnh quan môi trường tự nhiên. Ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần phối hợp điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa phương, vùng, miền để có đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng. Không phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát và đầu tư thiếu khoa học, bài bản dẫn đến rập khuôn và nhàm chán với chính du khách đến và trãi nghiệm...

Để tránh các sản phẩm du lịch đơn điệu trùng lắp, việc xác định các sản phẩm chủ đạo, khai thác yếu tố đặc trưng, có tính khác biệt, điểm nhấn của mỗi địa phương là điều hết sức quan trọng. Đối với Việt Nam, với quy mô nông nghiệp nhỏ, do đó việc định hướng đầu tư khai thác du lịch nông nghiệp trong thời gian tới sẽ phải chú trọng gắn hoạt động nông nghiệp chủ đạo với khai thác các yếu tố văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc với các dịch vụ quy mô nhỏ gọn nhưng tinh tế, chuyên nghiệp, thân thiện (homestay). Trong đó, chú trọng bảo tồn không gian văn hóa, di tích lịch sử, sinh thái (đồi chè, vườn dược liệu, khu vực canh tác truyền thống, phục dựng cảnh quan, không gian chợ quê, làng nghề truyền thống...).

 

Hội hoa xuân Khánh Hòa, điểm đến của du khách

 

Sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp phải đáp ứng nhu cầu thị trường và phải hướng tới sự hài lòng của du khách; phải hướng tới những tiêu chí tiết kiệm đầu tư qua việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường, sử dụng sản phẩm và nhân lực tại chỗ. Các sản phẩm bổ trợ cho du lịch nông nghiệp nên hướng tới bổ sung các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng có khả năng chữa bệnh, mỹ phẩm tự nhiên, chăm sóc da, spa thư giãn...

- Vai trò cầu nối của các Công ty lữ hành và phát huy tính liên kết trong phát triển du lịch nông nghiệp đối với các ngành

Tăng cường kết nối giữa chủ thể là đơn vị cung ứng với các công ty lữ hành để tăng khả năng thu hút khách du lịch. Mặt khác cần sự hỗ trợ tích cực của các công ty lữ hành trong việc định hướng tiêu dùng, hoàn thiện sản phẩm đáp ứng yêu cầu của du khách

Bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng khách, mục tiêu tăng chi tiêu của khách đối với các sản phẩm nông nghiệp được sản xuất tại chỗ củng cần được chú trọng. Trong đó, chi tiêu cho mua sắm hàng hóa là các sản phẩm nông nghiệp của địa phương đã được thương mại hóa là một trong những thước đo đánh giá hiệu quả của hoạt động du lịch nông nghiệp. Để làm được điều này cần sự liên kết chặt chẽ của ngành nông nghiệp, công thương, công nghiệp chế biến và du lịch.

- Về chính sách phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn

Cần có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp: nguồn vốn vay ngân hàng, nguồn vốn từ các quỹ đầu tư, quỹ vốn vay từ các hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Liên minh HTXVN...)

Đối tượng đầu tư cho dịch vụ: Phần lớn, người dân địa phương là chủ đầu tư cho các sản phẩm dịch vụ, hoạt động homestay. Do đó, người dân địa phương phải là đối tượng đầu tiên tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng, quỹ đầu tư...

Chính sách đầu tư hạ tầng: hạ tầng tại điểm đến cần được đầu tư hoàn chỉnh: hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn, trưng bày cung cấp thông tin du lịch, bảng giới thiệu, bản đồ hướng dẫn, điểm dừng chân...

- Các vấn đề tại địa điểm phát triển du lịch (Quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ, không gian tổ chức các hoạt động phục vụ du khách...)

Điểm đến tham quan của du khách là yếu tố đầu tiên quyết định sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch tại mỗi địa phương. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa nông nghiệp các làng quê Việt Nam, môi trường, cảnh quan, văn minh lịch sự tại các điểm du lịch nông nghiệp là điều đặc biệt quan trọng và là vấn đề cốt lõi cần lưu ý trong hoạt động dịch vụ du lịch

Việc quản lý điểm đến phải đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia, trong đó có lợi ích của người dân, đặc biệt những người trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động du lịch nông nghiệp. Cần có Ban quản lý mỗi điểm và phải có đại diện là cộng đồng dân cư. Quy chế quản lý, quản lý chất lượng dịch vụ cần phải được ban hành và giám sát thực hiện. Trong đó, yêu cầu về đảm bảo chất lượng dịch vụ, giá cả và sự cam kết thỏa thuận thực hiện giữa các bên liên quan.

Công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp và du lịch cộng đồng phải đồng hành với bà con nông dân từ quá trình khảo sát, tư vấn, xây dựng sản phẩm, tiếp thị và bán hàng cùng với chất lượng phục vụ

- Vấn đề đào tạo guồn nhân lực đáp ứng hoạt động du lịch nông nghiệp

Bà con nông dân là người trực tiếp hoạt động du lịch, kiến thức về du lịch và nhận thức còn nhiều hạn chế, do đó để khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp thì việc tập huấn, bồi dưỡng cho bà con về kỹ năng, thái độ phục vụ khách phải đặt lên hàng đầu.

Việc đào tạo được đội ngũ nhân viên phục vụ là người dân địa phương một cách chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện sẽ tạo được sản phẩm hấp dẫn để phục vụ khách, đồng thời tạo được nét thân thiện và thân quen của vùng miền khiến du khách quyết định cho việc đến những lần tiếp theo để trãi nghiệm

- Vấn đề truyền thông quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp

Việc xây dựng thương hiệu cho du lịch nông nghiệp cần được đầu tư bài bản trên cơ sở đặc trưng vùng miền, theo mùa của nghề làm nông, các sản vật địa phương (mỗi địa phương một sản phẩm). Bên cạnh đó, cần xây dựng bản đồ du lịch nông nghiệp, tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông hiện đại hiệu quả để quảng bá du lịch nông nghiệp. Đưa các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với các địa danh để quảng bá cho du lịch nông nghiệp tại các hội chợ, diễn đàn, hoạt động xúc tiến thương mại và các mô hình khác nhau để tạo sự phong phú, đa dạng đến với du khách.

Việc đầu tiên phải xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh cho quảng bá cho du lịch nông nghiệp của từng địa phương trên cơ sở giá trị cốt lõi của sản phẩm nông nghiệp và nhu cầu thị trường, nhu cầu khách hàng…

Tóm lại, để phát triển được các mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn hiệu quả và bền vững cần nhất cách làm hay và sự đồng hành của cả các cơ quan du lịch, nông nghiệp các cấp, cộng đồng địa phương và các tổ chức, cá nhân đầu tư khai thác. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải được hình thành trên cơ sở từ cam kết đồng hành cùng cộng đồng từ bước khảo sát, xây dựng cho đến việc tiếp thị và bán ra thị trường. Sản phẩm du lịch nông nghiệp phải là các sản phẩm có hiệu quả kinh tế, sử dụng đầu tư vốn ít, sử dụng nguyên vật liệu tại chỗ, sản phẩm du lịch phải được thực hiện trên cơ sở cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, được quản lý tốt. Bà con nông dân có được thu nhập tốt, sản phẩm du lịch được quảng bá rộng rãi và được du khách quan tâm...

Thực hiện: Thanh Sơn