Thêm động lực để HTX có 'cuộc cách mạng' sản xuất tuần hoàn
Hiện vẫn còn một lượng lớn phế phẩm, phụ phẩm bị thải loại một cách lãng phí vì các HTX dù đã chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn nhưng chưa diễn ra đồng bộ.
Tại Hội thảo về thách thức và cơ hội phát triển kinh tế tuần hoàn tổ chức ngày 23/9, bà Sharon Madel Artzy, Giám đốc điều hành Nền tảng Kinh tế tuần hoàn Israel cho biết, hiện nay, 40% tro than từ các nhà máy nhiệt điện ở nước này được dùng để sản xuất xi măng, 53% tro than được sử dụng để sản xuất bê tông; sợi mía và gạo có thể sản xuất bao bì phân hủy sinh học…
Mới ở giai đoạn đầu
Hiện, Israel đã dịch chuyển từ một đất nước khởi nghiệp sang nền kinh tế tuần hoàn với rất nhiều hệ sinh thái tuần hoàn như nông nghiệp thông minh, xử lý nước, xử lý rác, vật liệu phân hủy sinh học, tái chế, phụ gia hiệu suất cao…
Tại Việt Nam, đã có HTX thực hiện sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn như mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bò của HTX Hiệp Thư, xử lý chất thải từ chăn nuôi lợn của HTX Hoàng Long (Hà Nội) hay nhiều HTX đang tham gia sản xuất lúa phát thải thấp tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…
Tuy nhiên, nhìn chung việc tận dụng phế phụ phẩm, thực hiện nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn diễn ra lẻ tẻ, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực mới chỉ có một vài HTX, Liên hiệp HTX, doanh nghiệp tham gia.
Theo Bộ NN&PTNT, sản xuất lúa trên cả nước mỗi năm tạo ra khoảng gần 50 triệu tấn rơm rạ nhưng mới chỉ có khoảng 30% được thu gom, tái xử lý. Trong khi phụ phẩm như rơm/trấu có thể cung cấp tới gần 29 triệu tấn chất hữu cơ trong đất.
Ngành nông nghiệp được đánh giá là có nhiều dư địa để áp dụng kinh tế tuần hoàn. |
Ông Nguyễn Thế Thông, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam hiện đã có nhiều cơ chế để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể là bước đột phá khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đi vào thực tiễn. Luật này cũng đã có các quy định để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn như phân loại rác thải tại nguồn có hiệu lực từ đầu năm 2024, quy định hạn chế sử dụng đồ nhựa, đồ nhựa sử dụng một lần…
Vậy nhưng, việc phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện mới ở giai đoạn sơ khai, chưa thu hút được người dân, HTX, doanh nghiệp tham gia đồng bộ. Đặc biệt là có sự khác biệt với một số nước trong quá trình thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Bà Sharon Madel Artzy cho rằng, nếu như Israel đi từ thực tiễn đến hoàn thiện cơ chế chính sách thì Việt Nam lại ngược lại, đang tập trung vào khâu hoàn thiện cơ chế chính sách để làm nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn.
Bà Trần Thị Nguyệt (Đại Sứ quán Đức) cũng đánh giá, tại Việt Nam, theo các định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, cơ quan quản lý đang xác định, bước đầu tiên là tập trung đầu tư về khung chính sách, nguồn lực về con người để làm khung cho kinh tế tuần hoàn. Sau đó, bước thứ hai mới là đầu tư về cơ sở vật chất làm nền tảng để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Như vậy, tính đến nay, Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu là hoàn thiện cơ chế chính sách.
Chính vì vậy, dù xác định được các lĩnh vực, ngành nghề chính tập trung đầu tư phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp nhưng đến nay, mới có ít HTX, doanh nghiệp ở lĩnh vực này mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất tuần hoàn. Trong khi nông nghiệp là ngành có dư địa lớn để sản xuất tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Thế Thông, vì Việt Nam mới ở giai đoạn đầu là hoàn thiện chính sách nên cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện.
Đa phần các HTX, doanh nghiệp có thực hiện sản xuất tuần hoàn nhưng tập trung vào tuần hoàn tài nguyên, hạn chế chất thải. Trong khi đối với HTX, doanh nghiệp, mục tiêu chính trong sản xuất kinh doanh chính là yếu tố kinh tế.
Cần sự vào cuộc của tất cả các bên
Mục tiêu sản xuất tuần hoàn không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp tái chế, tận dụng chất thải thông qua hoàn thiện các khâu của quy trình sản xuất. Điều này, theo các chuyên gia, nghe thì có vẻ rất đẹp, rất tốt, rất dễ làm nhưng thực hiện không hề đơn giản. Vì muốn sản xuất được tuần hoàn cần sự thay đổi mang tính hệ thống, cần sự tham gia, liên kết chặt chẽ của nhiều bên liên quan.
Tiêu biểu như các HTX sản xuất lúa gạo giảm phát thải ở ĐBSCL, ngoài sự thay đổi trong tư duy của thành viên, cần có việc tuân thủ quy trình sản xuất và thu gom, tái chế rác thải; sự đầu tư về vốn, sự hỗ trợ về chính sách vốn, kỹ thuật, đầu ra… Điều này cần có sự vào cuộc của cả người dân, HTX, doanh nghiệp, cơ quan quản lý từ địa phương đến trung ương.
Chính vì vậy, cần có sự kết nối giữa các bên liên quan trong chuỗi sản xuất kinh tế tuần hoàn. Bởi chỉ có Nhà nước trong hoàn thiện chính sách, đưa ra cơ chế là chưa đủ. Và nếu chỉ có nông dân, HTX đơn phương thực hiện thì sẽ không tạo ra động lực để phát triển các chuỗi kinh tế tuần hoàn bền vững. Thêm vào đó, cần sự tham gia, hỗ trợ từ các tổ chức, các quốc gia.
Bà Sharon Madel Artzy cho biết, kinh tế tuần hoàn với việc ứng dụng hàng loạt công nghệ cao trong nông nghiệp của Israel có một đặc trưng đó là phụ thuộc vào các tập đoàn đa quốc gia, từ đó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của ngành với rất nhiều hệ sinh thái tuần hoàn như nông nghiệp thông minh, xử lý nước, xử lý rác, vật liệu phân hủy sinh học, tái chế, phụ gia hiệu suất cao…
Son song đó, cần có khoản hỗ trợ, tài trợ không hoàn lại để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Hiện, Israel đang có các khoản tài trợ, hỗ trợ không hoàn lại dựa trên các quy định về thuế chôn lấp. Ngoài ra, thuế carbon được bắt đầu áp dụng từ năm 2023, và được đầu tư ngược lại cho các ngành cũng sẽ giúp thúc đẩy các đơn vị giảm rác thải.
Một điều quan trọng hơn, theo bà Sharon Madel Artzy đó là cần trao quyền cho HTX, doanh nghiệp đi liền với thúc đẩy trao đổi, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ HTX và doanh nghiệp xây dựng và củng cố hệ sinh thái tuần hoàn trong thực tiễn.
Đại sứ Israel tại Việt Nam, ông Yaron Mayer cho rằng, việc nghiên cứu công nghệ chế biến, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp hay những ý tưởng khởi nghiệp trong nông nghiệp có thể gắn kết với mô hình kinh tế tuần hoàn.
Và muốn làm được điều này cần nâng cao năng lực, phát huy vai trò của các HTX, kết nối nông dân để thu hút sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp lớn, tiến tới xây dựng các chương trình hợp tác, phát triển kinh tế tuần hoàn với các địa phương.
Còn các HTX, doanh nghiệp nên bắt đầu phát triển kinh tế tuần hoàn từ những sáng kiến, ý tưởng, sản xuất ra sản phẩm mẫu, phối hợp với các đơn vị để được tư vấn hỗ trợ… Điều này có nghĩa là muốn sản xuất tuần hoàn, HTX cần có lộ trình cụ thể cho chính mình để vừa tận dụng được các cơ chế, chính sách về nguồn nhân lực đi liền với cơ sở vật chất, huy động tài chính...
Theo Vn Business