Về đâu Song Thủy
Khó đè lên khó
Sông Cái Nha Trang những ngày đầu tháng 5, không khí oi bức trùm lên cả khu vực xưởng đóng tàu của HTX Đóng tàu Song Thủy (phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang). Trầm ngâm nhìn ra khu vực đốc tàu, ông Nguyễn Hoàng Thảo - Giám đốc HTX Đóng tàu Song Thủy suy tư: “Chưa bao giờ Song Thủy rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan như bây giờ. Khó khăn dồn dập khó khăn. Nào chuyện tỉnh yêu cầu di dời, chuyện thuế tăng hơn 400% cho đến việc không có đơn hàng do dịch Covid-19. Tình trạng như vậy hoài, số phận của cả cơ sở đóng tàu và mấy chục xã viên sẽ không biết đi về đâu”.
Nhớ lại những ngày tháng khởi nghiệp, ông Thảo kể, HTX được thành lập từ năm 1976 với tiền thân là tổ hợp tác; năm 1977 được nâng cấp lên thành HTX Đóng tàu Song Thủy. Qua 44 năm hoạt động, từ một cơ sở nhỏ đã trở thành HTX thuộc diện có tiếng ở khu vực miền Trung. Thời kỳ hoàng kim, mỗi năm, cơ sở đóng mới hơn 100 con tàu. Khách hàng trải dài từ Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu tới Kiên Giang. Vùng đất rộng gần 1ha khi nào cũng dày ken tàu mới, tàu cũ. Trên bến dưới thuyền luôn tấp nập tàu vào ra, người lên xuống.
Kể đến đây, giọng ông Thảo chợt chùng xuống. Quá khứ huy hoàng dường như không đủ để khỏa lấp hiện thực ảm đạm. Năm 2020, vì ảnh hưởng dịch Covid-19, đơn hàng ít, HTX thu không đủ bù chi. Đã vậy, tiền thuê đất hàng năm từ 106 triệu đồng tăng lên 460 triệu đồng/năm bởi áp dụng chính sách thuế mới. Các xã viên hiện giờ chưa được nhận lương của năm 2020. “Nếu không có những bước cải tổ mạnh mẽ thì chắc chắn HTX sẽ không vượt qua được thời khắc khó khăn. Nhưng phải cải tổ từ đâu, như thế nào lại không hề đơn giản. Có những thứ HTX không thể tự quyết được. Cái khó này đè lên cái khó kia, đan xen nhau làm cho phương hướng phát triển ngày càng trở nên mù mịt”, ông Thảo giãi bày.
Dưới bàn tay của người thợ đã có hàng trăm con tàu vươn khơi. |
Nỗi lo di dời
Trong suy nghĩ của lãnh đạo HTX, khó khăn vì dịch bệnh rồi cũng phải qua, nếu biết đổi mới, một ngày không xa, HTX Đóng tàu Song Thủy lại có cơ hội trở lại như xưa. Nhưng ngày trở lại hẳn sẽ còn xa, bởi vào tháng 5-2020, HTX nhận được Thông báo số 189 của UBND tỉnh đề nghị HTX lên phương án di dời cơ sở đến vị trí mới và bàn giao khu đất hiện hữu trước ngày 31-5-2022 để nhường đất cho dự án công cộng. Kể từ ngày nhận được thông báo phải di dời, các xã viên của HTX như ngồi trên đống lửa. Bà Nguyễn Thị Xuân (xã viên HTX) lo lắng: “Tôi gắn bó với HTX từ năm 1976, mấy chục năm trôi qua với bao thăng trầm nhưng có lẽ chưa bao giờ xã viên lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Nếu di dời, chúng tôi biết đi đâu để tiếp tục hành nghề”.
Nỗi lo lắng của bà Xuân cũng là lo lắng chung của mấy chục xã viên khác. Hầu như trong suốt chiều dài hình thành và phát triển, xã viên HTX đều xem đây là nơi mưu sinh duy nhất của các gia đình làm nghề đóng tàu gỗ. Giờ đây, phải di dời hoặc đóng cửa HTX, nguồn thu nhập để nuôi sống 30 gia đình xã viên HTX sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không những vậy, gần 200 thợ đóng tàu ở các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Phước Hòa… cũng không biết về đâu để hành nghề.
Hợp tác xã Đóng tàu Song Thủy đang gặp muôn vàn khó khăn. |
Ông Võ Tấn Tài - chủ cơ sở đóng tàu Tấn Tài (phường Vĩnh Hòa) cho biết: “Cả thành phố có 2 HTX đóng tàu vỏ gỗ, nhưng chỉ có HTX Song Thủy là có đủ mặt bằng để các tàu lớn vào sửa chữa cũng như đáp ứng được diện tích phục vụ trong mùa cao điểm. Nếu Song Thủy di dời, sau này tàu gỗ Nha Trang sửa chữa ở đâu? Mấy ngàn chiếc tàu gỗ năm nào chẳng phải sửa chữa. Chẳng lẽ tàu Nha Trang mà phải kéo ra Ninh Hòa hay vào Cam Ranh làm nước (cạo hàu, sơn lại tàu). Rồi hàng trăm thợ đóng tàu địa phương sẽ rơi vào những khó khăn tương tự”.
Nhưng di dời về đâu?
Chưa tìm được vị trí di dời Trước khó khăn của HTX Đóng tàu Song Thủy, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng cùng TP. Nha Trang nhanh chóng rà soát quỹ đất để tham mưu UBND tỉnh bố trí cho việc di dời. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay sở đang rà soát, chưa có vị trí đất phù hợp. Bên cạnh HTX Đóng tàu Song Thủy, còn một số cơ sở khác cũng nằm trong diện phải di dời nên vấn đề mặt bằng rất căng thẳng. |
Bắt đầu từ tháng 4, số lượng tàu kéo về bãi đóng của HTX Đóng tàu Song Thủy ngày một nhiều. Dọc các đốc tàu, tàu composite, tàu vỏ gỗ đã lên đà chờ sẵn để được sửa chữa và làm nước. Vậy nhưng, ngồi trong căn phòng làm việc chưa đến chục mét vuông, ông Thảo vẫn đầy lo âu: “HTX Đóng tàu Song Thủy là đơn vị sản xuất tập thể được Nhà nước thành lập, có bề dày 44 năm hoạt động, trở thành một địa chỉ tin cậy, có uy tín. Theo yêu cầu của tỉnh thì chỉ còn 1 năm nữa, HTX buộc phải di dời. Chúng tôi sẵn sàng di dời, nhưng UBND tỉnh cần tìm một nơi đủ điều kiện để chúng tôi chuyển tới”.
Qua tiếp xúc với những người thợ đóng tàu và ngư dân ở khu vực phường Vĩnh Thọ, Vĩnh Phước, đa phần đều mong muốn UBND tỉnh tạo điều kiện cho HTX Đóng tàu Song Thủy được nới giãn thời gian sử dụng đất đến ngày 31-5-2025 thay vì đến ngày 31-5-2022 như thông báo. Còn nếu phải di dời, đề nghị tạo điều kiện cấp cho HTX một mặt bằng khác có diện tích từ 5.000m2 trở lên bên cạnh cửa biển hoặc vùng biển khuất gió để thuận lợi cho việc đóng, sửa chữa tàu thuyền theo ngành nghề của HTX. Bên cạnh đó, các xã viên mong cơ quan thuế xem xét miễn giảm thuế cho HTX, nhất là trong tình hình khó khăn bởi ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. “Với lịch sử hình thành lâu đời từ một bãi đất lau sậy, sình lầy bên bờ sông Cái Nha Trang, HTX tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ mồ hôi, công sức và tiền của của các xã viên. Nếu UBND tỉnh không có những chính sách hỗ trợ, vận mệnh của HTX sẽ trở nên nguy cấp. Hơn lúc nào hết chúng tôi cần một “cánh buồm” giải cứu”, ông Thảo nói đầy khẩn thiết.
Với những gì đang xảy ra, nguy cơ “con tàu” Song Thủy chìm ngay tại bến đã hiển hiện. Nơi từng sản sinh ra hàng ngàn con tàu vươn mình giữa đại dương, nay cũng là nơi chứng kiến mô hình HTX đóng tàu vang bóng một thời chòng chành trước sóng gió thị trường. Nếu không có giải pháp phù hợp, dấu chấm hết cho cơ sở đóng tàu ở chính khu đất mà mình đã gây dựng sợ rằng sẽ không còn xa.
Theo Báo Khánh Hòa