Khánh Sơn: Nhẹ nỗi lo tiêu thụ nông sản
Đã tiêu thụ 90% sản lượng
Đến thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng sầu riêng tại xã Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Hiệp, Sơn Trung… đã hoàn tất việc thu hoạch, tiêu thụ vụ năm nay. Nhiều nhà vườn rất vui mừng với kết quả này. Đầu vụ thu hoạch, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, rất ít thương lái đến Khánh Sơn thu mua sầu riêng, nhưng nhờ địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, triển khai nhiều giải pháp kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản nên các nhà vườn lớn đều không tồn đọng sầu riêng; một số nông sản khác như: chôm chôm, măng cụt cũng được tiêu thụ hết. Năm nay, do dịch bệnh nên giá sầu riêng và một số nông sản thu mua tại vườn giảm khoảng 20% so với mọi năm, nhưng nhờ sản lượng các loại nông sản tăng 10-20% nên sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lãi.
Do dịch bệnh nên giá sầu riêng và một số nông sản thu mua tại vườn giảm khoảng 20% so với mọi năm
|
Được biết, để có được kết quả đó, UBND huyện đã xây dựng phương án, triển khai các giải pháp chủ động hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Trong đó, địa phương xác định kiểm soát chặt, ngăn ngừa dịch Covid-19 xâm nhập vào huyện là giải pháp quan trọng để giúp ổn định tình hình tại địa phương, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Trước khi vào vụ, UBND huyện Khánh Sơn đã tổ chức ngay cuộc đối thoại với các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả, nông dân trên địa bàn để nắm bắt cụ thể sản lượng, những khó khăn vướng mắc, từ đó kiến nghị tỉnh, các sở, ngành hỗ trợ địa phương tìm kiếm đầu ra, lưu thông nông sản. Địa phương còn đăng ký tham gia xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sầu riêng Khánh Sơn với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu với tổng sản lượng tiêu thụ 3.750 tấn sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGap, OCOP… Mặt khác, địa phương chủ động hỗ trợ cho thương lái, lái xe, nhân công từ các tỉnh khác đến huyện thực hiện cách ly y tế, bảo đảm các quy định phòng, chống dịch khi thu hoạch, thu mua nông sản.
Theo ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hoạt động thu mua nông sản bị hạn chế, khó khăn hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, với các phương án đã triển khai thực hiện, huyện cơ bản thành công trong việc tiêu thụ nông sản, không để tồn đọng, ùn ứ các mặt hàng trái cây. Đến thời điểm này, nông dân toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ xong 90% trong tổng số 7.100 tấn nông sản, gồm: 6.240 tấn sầu riêng, 30 tấn măng cụt, 20 tấn mít, 60 tấn bưởi da xanh, 30 tấn chôm chôm, 700 tấn chuối, 10 tấn quýt. Hiện nay, 10% sản lượng trái cây còn lại chủ yếu của các nhà vườn quy mô nhỏ, đang tiếp tục thu hoạch, tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Sẽ khắc phục một số hạn chế
Có thể nói, huyện Khánh Sơn đã cơ bản thực hiện được “mục tiêu kép” trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tổ chức tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, qua mùa vụ năm nay cũng cho thấy một số hạn chế trong thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Đơn cử như nhân công có kinh nghiệm trong thu hoạch sầu riêng tại huyện Khánh Sơn rất thiếu, khi thu hoạch số lượng lớn, doanh nghiệp, cơ sở thu mua phải đưa lực lượng từ tỉnh khác đến. Người dân vẫn có tâm lý chờ giá cao, đợi gần đến ngày thu hoạch mới chốt giá bán, ký kết hợp đồng mua bán… dẫn đến doanh nghiệp thu mua khó chủ động trong khâu tổ chức thu hoạch, vận chuyển số lượng lớn nông sản.
Sầu riêng Khánh Sơn đã được thu hoạch 90% sản lượng |
Ngoài ra, hiện nay, Khánh Sơn đã thành lập được 2 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả ở 8/8 xã, thị trấn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà vườn đứng ngoài các chuỗi liên kết giữa cơ sở, doanh nghiệp thu mua - hợp tác xã, tổ liên kết trồng cây ăn quả. Trong khi thực tế các doanh nghiệp thu mua với số lượng lớn từ vài trăm đến hàng nghìn tấn nông sản, họ không thể tổ chức thu mua đơn lẻ từng hộ nông dân, mà ký kết hợp đồng với những nhà vườn lớn hoặc các hợp tác xã, tổ liên kết trồng cây ăn quả.
Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Qua việc tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh năm nay, địa phương đã nhận thấy một số mặt còn hạn chế trong khâu thu hoạch, tiêu thụ nông sản trên địa bàn. Thời gian tới, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện sẽ chú trọng các nghề gắn với sản xuất, thu hoạch nông sản để chủ động nguồn nhân lực tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện sẽ tuyên truyền, vận động các nhà vườn tham gia vào hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả chất lượng cao để liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…”.
Theo Báo Khánh Hòa Online.