Phát triển mô hình HTX thông minh, chuyển đổi số thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam
Chuyển đổi số là một xu thế đang diễn ra nhanh chóng trên thế giới và có ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. Ngành nông nghiệp cũng đang chứng kiến xu thế này, từ nghiên cứu phát triển, đến sản xuất và thương mại đều cung ứng công nghệ số ngày càng rộng rãi. Rất nhiều giải pháp nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cần có ứng dụng công nghệ số mới có thể triển khai và đạt được hiệu quả. Dịch Covid-19 càng thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, việc làm và tương tác xã hội thông qua nền tảng số.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Trong bối cảnh đó, các Hợp tác xã nông nghiệp đối mặt với áp lực phải chuyển đổi số nhanh chóng để hoà nhịp với sự phát triển chung của ngành nông nghiệp và nền kinh tế hội nhập quốc tế. Rất nhiều vấn đề đặt ra đối với các HTX nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, bao gồm thiết bị, nhân sự, hệ thống quản lý, vốn đầu tư, cách thức phát triển thị trường đều cần thay đổi để vận hành hiệu quả nền tảng số.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, phát triển kinh tế tập thể, HTX đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế… Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo
Đánh giá cao việc chuyển đổi số có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy sản xuất hàng hoá có chất lượng và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững của các doanh nghiệp, HTX. Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, Tổ chức Oxfam đã, đang và sẽ làm việc với các bên liên quan nhằm tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin trong các hoạt động hỗ trợ người dân và các cộng đồng yếu thế tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, qua đó góp phần xây dựng một nền kinh tế Nhân văn, lấy con người làm trung tâm và không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo số liệu thống kê, tính riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, năm 2020 cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp và 68 liên hiệp HTX. Tỷ lệ HTX hoạt động hiệu quả khoảng 70%. Trong 1.718 HTX ứng dụng công nghệ cao, chỉ có 240 HTX sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh, chiếm 1,5%. Trong đó, các HTX này chỉ tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dám tem truy xuất nguồn gốc. Còn ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý HTX, kinh doanh sản phẩm chưa thực sự được chú trọng…
Ông Lê Văn Nghị, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam điều hành Hội thảo
Điều này khiến các HTX nông nghiệp rơi vào tình trạng không quản lý hiệu quả các nguồn lực và hạn chế sự tương tác giữa các tác nhân liên quan đến hệ sinh thái. Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là rào cản trong phát triển các HTX nông nghiệp. Để tháo gỡ những rào cản này, bên cạnh đầu tư công nghệ chế biến, chú trọng phát triển thị trường thì chuyển đổi số và áp dụng CNTT được xem là giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp Việt Nam nói chung và các HTX nông nghiệp nói riêng trong giai đoạn hiện nay.
Qua khảo sát, đánh giá tình hình chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong các HTX nông nghiệp tại Hoà Bình, Quảng Trị và Sóc Trăng, ông Trần Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin tuyên truyền Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý và điều hành chỉ ở mức cơ bản, tỷ lệ HTX nông nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng CNTT còn thấp, chủ yếu là ứng dụng các công nghệ tự động hoá, hoạt động Xúc tiến thương mại thông qua các ứng dụng CNTT chưa đa dạng, chủ yếu là sử dụng các trang mạng xã hội (đơn giản, chi phí thấp).
Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong khu vực HTX để thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam, bà Nguyễn Thành Thực, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam nhấn mạnh việc liên kết các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ theo ngành nghề thành khối kinh tế hợp tác (THT/HTX) hình thành các HTX trên cơ sở số hoá, minh bạch thông tin, giám sát thuận tiện, mục tiêu “Cùng mua – Cùng làm – Cùng bán”, sẽ tiết giảm các chi phí sản xuất, kết nối thị trường, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, các Hộ nông dân sẽ kết nối với nhau trên nền tảng số, giám sát trực tiếp, minh bạch thông tin. Đặc biệt, sẽ đảm bảo tránh việc giả mạo sản phẩm của những cơ sở có chứng chỉ chất lượng cao, đặc biệt là việc giả mạo mã vùng trồng, mã xưởng khi xuất khẩu.
PGS. TS Phạm Quang Hà, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, HTX nông nghiệp số Việt Nam gợi ý việc xây dựng HTX thông minh hình thành tính chuyên nghiệp của các hoạt động hiện trường, trên đồng ruộng dựa trên công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp chính xác, bên cạnh đó xây dựng chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống bán buôn và bán lẻ, xây dựng sản phẩm thương hiệu riêng.
Hội thảo cũng đã đề xuất được nhiều giải pháp khả thi và thiết thực cho các cơ quan quản lý nhà nước, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các tỉnh, thành phố, các viện nghiên cứu trong áp dụng giải pháp chuyển đổi số, CNTT cho khu vực HTX.
Ông Trần Tuấn Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin - Tuyên truyền, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo
Phát biểu kết luận, Hội thảo đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận thực trạng và đề xuất giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong khu vực HTX để thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; Xu hướng và giải pháp thực tiễn của Việt Nam trong HTX nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; một số mô hình thành công về HTX chuyển đổi số tại địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, thông qua Hội nghị, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ban Tổ chức chúng tôi xin tiếp thu các kết quả và ý kiến đóng góp của Quý vị đại biểu. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tổng hợp báo cáo các cơ quan chức năng để tham mưu các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các HTX nông nghiệp trong áp dụng chuyển đổi số và CNTT; đồng thời đề nghị tổ chức Oxfam đồng hành với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và các đơn vị liên quan trong các công việc cụ thể trong thời gian tới như:
Hỗ trợ nâng cao chất lượng nhân lực tại các HTX nông nghiệp, hạ tầng thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong các HTX nông nghiệp tại một số tỉnh của dự án
Hỗ trợ HTX sử dụng một số nền tảng ứng dụng chuyển đổi số và thành lập HTX cung ứng dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đề nghị Oxfam cùng VCA và các đơn vị thiết kế xây dựng Đề án chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong khu vực HTX Việt Nam để huy động tài chính từ các rổ chức và quỹ quốc tế tổ chức triển khai thực hiện đề án này.
Theo Liên minh HTX Việt Nam