Hoàn thiện lý luận về phát triển tam nông, kinh tế tập thể trong bối cảnh mới

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ tư, 27/11/2024 ]
Ngày 29/3, tại tỉnh Quảng Ninh, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Kỳ họp thứ 3. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì kỳ họp.

Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung thảo luận, góp ý kiến vào 2 Dự thảo báo cáo tư vấn về tam nông và kinh tế tập thể

Kỳ họp thứ 3 của Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung thảo luận, góp ý kiến vào 2 Dự thảo báo cáo tư vấn của Hội đồng, đó là Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Báo cáo tư vấn “Một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, góp phần phục vụ việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những kết quả đạt được đã góp phần giúp nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển, chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân.

Các thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, các chuyên gia tư vấn cấp cao của Hội đồng nhận định: Trước thách thức từ bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại; sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền còn lớn; đời sống văn hóa, chất lượng y tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; giảm nghèo chưa bền vững…

Từ một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nhiều ý kiến tập trung bổ sung các nội dung, quan điểm chỉ đạo, giải pháp chủ yếu để thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Đồng thời kiến nghị về việc cần xây dựng Nghị quyết Trung ương mới thay thế Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn) để cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Với Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, sau 20 năm thực hiện, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã tiếp tục phát triển về số lượng. Việc phát triển đa dạng các loại hình HTX trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã làm tăng niềm tin, giảm bớt những hoài nghi, mặc cảm đối với mô hình HTX kiểu cũ; hình thành một số mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả; góp phần ổn định chính trị, quốc phòng an ninh, xây dựng nếp sống văn hoá…

Nhiều ý kiến sâu sắc đóng góp vào các vấn đề lý luận và thực tiễn, định hướng và giải pháp đột phá để tiếp tục phát triển tam nông, kinh tế tập thể giai đoạn tới

Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX, tuy nhiên, cho đến nay, khu vực kinh tế tập thể vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế; chưa khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém của mô hình hợp tác xã cũ; chưa ngang tầm với vị trí, vai trò “cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Tốc độ phát triển của kinh tế tập thể, HTX còn chậm, bấp bênh (bằng 1/2 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế) và có xu hướng giảm… 

Các ý kiến tại kỳ họp thống nhất cao: Trong bối cảnh mới, cần có những định hướng và giải pháp đột phá để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, HTX.

Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, đổi mới, bổ sung, hoàn thiện Luật Hợp tác xã là rất cần để phù hợp với tình hình mới. Hội đồng Lý luận Trung ương sẽ đề nghị, kiến nghị nghiên cứu sâu về kinh tế tập thể trong điều kiện mới, coi đây là một Đề án giao cho Hội đồng làm. Hiện nay ở Việt Nam có hơn 16 nghìn HTX trong khu vực nông nghiệp trong tổng số hơn 21 nghìn HTX, tức là khoảng 2/3. Do vậy, phải nhìn một cách toàn diện về HTX chứ không phải khu trú HTX trong khu vực nông nghiệp./.

Theo vca.org.vn