Mô hình Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản - du lịch vân phong, hướng đến ứng dụng nuôi biển công nghệ cao, bền vững, thân thiện với môi trường
Khánh Hòa có tiềm năng và thế mạnh lớn về phát triển nuôi biển thuộc nhóm dẫn đầu các tỉnh ven biển cả nước vì có 385 kilomet đường bờ biển; hơn 200 đảo lớn nhỏ, 3 vịnh, 2 đầm phá tương đối kín gió và sự phát triển của các Trung tâm nghiên cứu nuôi trồng thủy sản đóng chân trên địa bàn tỉnh như: Viện Nghiên cứu Thủy sản III Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang…, Toàn tỉnh hiện toàn tỉnh có 05 vùng nuôi chính gồm các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh với khoảng 64.500 ô lồng tôm hùm, sản lượng thu được trên 1.300 tấn/năm. Ngoài ra, nhóm cá biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vay vàng với khoảng 9.740 lồng với tổng sản lượng 8.000 tấn/năm. Trong đó, Vạn Ninh là huyện có quy mô sản xuất lớn với 524 hecta ao đìa nuôi trồng thủy sản các loại cá mú, cá bốp, cá chim, ốc hương, tôm thẻ chân trắng, có 32.600 lồng nuôi tôm hùm với hơn 1.330 hộ nuôi trên biển.
Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ ra, nuôi trồng thủy sản của tỉnh sẽ phát triển theo hướng nuôi biển công nghệ cao. Trên cơ sở đó với mục tiêu nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả lợi thế, tiềm năng, điều kiện tự nhiên để phát triển khai thác, nuôi trồng, chế biến và cơ sở hạ tầng, du lịch hậu cần nghề cá góp phần ổn định kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên vùng biển, đảo của Tổ quốc, gắn kết chặt chẽ giữa mục tiêu phát triển với bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. HTX nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong chính thức được ra đời với 30 thành viên, có nguồn vốn đầu tư ban đầu hơn 200 tỷ, với 3.000 lồng bè nuôi hải sản trên diên tích mặt biển 20.000 m2. HTX được Phòng Tài chính – Kế hoạch huyện Vạn Ninh cấp giấy phép hoạt động ngành nghề chính là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản biển, tại Tổ dân phố số 09, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh.
Trong xu thế phát triển nuôi trồng thủy sản phải thích ứng với biến đổi khí hậu, bền vững, HTX đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn đến cần tập trung chuyển đổi từ nuôi lồng bè truyền thống sang nuôi công nghệ cao và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ, áp dụng công nghệ lồng nhựa HDPE để an toàn hơn trong mùa bão lớn. HTX cũng đề xuất các ban, ngành, chính quyền các cấp có cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân đầu tư trên lĩnh vực này, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân tham gia mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP, OCOP để sản phẩm thủy sản đạt chất lượng, an toàn và truy xuất được nguồn gốc; hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản áp dụng nghiêm các giải pháp an toàn sinh học, tổ chức giám sát dịch bệnh chủ động tại cơ sở. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm các hộ nuôi là người ngoài tỉnh vào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện không đáp ứng các quy định của Luật Thủy Sản năm 2017.
Tại buổi ra mắt HTX, Ông Nguyễn Trung Dũng – Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa đã thông tin thêm một số chính sách hỗ trợ phát triển HTX theo Quyết định số 4325/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa về phê duyệt Đề án đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao đối với Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản - du lịch Vân Phong, ông cho rằng HTX ra đời đúng với bản chất của HTX kiểu mới theo Luật HTX 2012, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 09/NQ-TW của Bộ Chính trị định hướng phát triển huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp, phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản, nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Ông đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cần sớm xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh, ban hành nội quy hoạt động của HTX; thực hiện được mục tiêu hỗ trợ các thành viên trong sản xuất và nuôi trồng thủy sản cũng như cung cấp kỹ thuật, dịch vụ đầu vào và đầu ra; xây dựng thương hiệu, sản phẩm hàng hóa; tìm kiếm thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm; từng bước định hướng phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi gắn với mô hình du lịch biển, tranh thủ sự quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các phòng, ban của huyện; của Cấp ủy và chính quyền địa phương. Toàn thể thành viên HTX phải thực sự tâm huyết, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, nhất trí để chung sức xây dựng HTX phát triển ổn định và tiến đến bền vững hơn. Liên minh HTX tỉnh với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ cùng đồng hành với HTX trong công tác tư vấn, hỗ trợ, cung cấp dịch vụ về pháp lý, khoa học công nghệ, thông tin, tài chính, tín dụng, thị trường, bồi dưỡng nghiệp vụ, hướng dẫn HTX hoạt động theo Luật HTX 2012; phối hợp thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khuyến khích kinh tế tập thể, HTX trong tỉnh ngày càng phát triển bền vững./.
Một số hình ảnh trong buổi ra mắt:
Thực hiện: Ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa.