Vai trò của KTTT, HTX lâm nghiệp trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu
Riêng các HTX lâm nghiệp, trồng trọt và kinh doanh tổng hợp có liên quan quan lâm nghiệp thì bình quân 176 thành viên/HTX, trong đó 90% là hộ gia đình có liên quan đến rừng, tương ứng với khoảng 2,6 triệu hộ gia đình có liên quan đến rừng và hoạt động lâm nghiệp. Bình quân 1 hộ gia đình có khoảng 1ha rừng trồng và các HTX lâm nghiệp, dịch vụ lâm nghiệp quản lý 2,6 triệu ha rừng trồng/tổng số khoảng 4,6 triệu ha rừng trồng cả nước và THT lâm nghiệp được giao quản lý, khai thác các loại rừng khác nhau (bình quân 15ha/1 đơn vị). Tính chung trong khu vực kinh tế tập thể, HTX đang tham gia quản lý, khai thác khoảng trên 3,5 triệu ha rừng tự nhiên/tổng số 10,2 triệu ha rừng tự nhiên của cả nước và được trải khắp các vùng, miền của đất nước.
Theo Nghị quyết đại hội VI của Liên minh HTX Việt Nam, chú trọng phát triển bền vững đối với lĩnh vực HTX nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực vùng, miền, khai thác thế mạnh địa phương (khí hậu, địa hình, nguồn nguyên liệu, nhân lực, …), trong đó có loại hình các HTX lâm nghiệp. Đây là loại hình có nhiều tiềm năng trong phát triển trong giai đoạn tới.
Theo tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW: “có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ”.
Trong giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050 trước bối cảnh trong nước và thế giới có những thách thức to lớn đòi hỏi phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung trong lâm nghiệp nói riêng phải đảm bảo tính bền vững, lựa chọn được mô hình hợp tác xã phù hợp, quy mô lớn, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, hiện đại gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, nêu \" Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước\".
Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đồng bộ từ quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng hợp lý tài nguyên, từ trồng rừng, cải tạo rừng và làm giàu rừng đến khai thác chế biến lâm sản, dịch vụ môi trường, du lịch sinh thái…góp phần phát triển ngành lâm nghiệp để đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Mục tiêu của dự án đề ra đến năm 2030: phấn đấu phát triển khoảng 1.000 tổ hợp tác lâm nghiệp, 150-200 hợp tác xã lâm nghiệp và 5 liên hiệp hợp tác xã lâm nghiệp. Cùng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của 7.500 hợp tác xã kinh doanh nông nghiệp có hoạt động lâm nghiệp; phấn đấu có 30% hợp tác xã lâm nghiệp và 2 liên hiệp hợp tác xã lâm nghiệp được cấp chứng chỉ rừng Việt Nam và Quốc tế để nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng và phát triển rừng bền vững là nền tảng cho phát triển lâm nghiệp; phấn đấu đến hết năm 2030, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã lâm nghiệp có ít nhất 70% cán bộ quản lý, điều hành tổ hợp tác, hợp tác xã được đào tạo, bồi dưỡng; 50% lao động làm việc thường xuyên trong các hợp tác xã lâm nghiệp được tham gia các khóa bồi dưỡng nâng cao tay nghề; nâng cao thu nhập của tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp và thành viên của hộ tăng 10-15% so với năm 2020 góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân trồng rừng, quản lý rừng và kinh doanh lâm nghiệp, đặc biệt là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, một số giải pháp để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được nêu như: Nhóm giải pháp về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh tế tập thể và phát triển lâm nghiệp; Nhóm giải pháp về củng cố, nâng cao hiệu quả các hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp hoạt động chưa hiệu quả; Nhóm giải pháp về vận động thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lâm nghiệp mới; Nhóm giải pháp về đào tạo đội ngũ cán bộ tư vấn phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lâm nghiệp; Nhóm giải pháp về đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý và điều hành tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lâm nghiệp và dạy nghề, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động làm nghề lâm nghiệp trong tổ hợp tác, hợp tác xã; Nhóm giải pháp về tư vấn, hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lâm nghiệp tham gia chương trình quản lý rừng bền vững, chương trình khí hậu quốc gia và chứng chỉ rừng của Việt Nam và quốc tế; Nhóm giải pháp về tham gia với Đảng, Nhà nước trong việc ban hành khung khổ pháp luật và chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực lâm nghiệp; Nhóm giải pháp về hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã lâm nghiệp hoạt động hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng
Dựa trên tình hình thực tế, một số đề xuất, kiến nghị được đưa ra như: Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã 2012 với các quy định phù hợp với Luật chuyên ngành, tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong thành lập, tổ chức và hoạt động hiệu quả (nhất là các THT, HTX trong lĩnh vực lâm nghiệp) thích ứng với biến đổi khí hậu; Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND các cấp quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai các hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với kinh tế tập thể, HTX theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội Nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong tình hình mới; Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX 10 năm 2021-2030 cùng với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khác của đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và đến năm 2050, Quyết định 1804/QĐ-TTg, … Tổ chức Lương thực và Lâm nghiệp Phần Lan (FFD), Liên minh các tổ chức nông nghiệp (AgriCord), Liên minh châu Âu (EU), Quxy Quốc tế phát triển nông nghiệp (IFAD) và các tổ chức quốc tế khác quan tâm, tăng cường hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể, HTX Việt Nam nói chung, trong lâm nghiệp nói riêng nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu trong những năm tới, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2020-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ\"./.