Các giải pháp thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
Nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH, ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1055/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giúp sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, tránh sự chồng chéo, trùng lặp, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Việt Nam nằm ở khu vực Đông Nam Á, có bờ biển dài khoảng 3.260 km và vùng biển rộng khoảng 01 triệu km2. Do có lãnh thổ trải dài theo nhiều vĩ tuyến và địa hình đa dạng nên sự khác nhau về khí hậu giữa các vùng của nước ta là khá lớn và rõ nét. Miền khí hậu phía Bắc với đặc điểm chính là cán cân bức xạ thấp, nắng ít, nền nhiệt độ thấp và mùa đông lạnh; được phân chia thành 4 vùng khí hậu là Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Miền khí hậu phía Nam với đặc điểm chính là cán cân bức xạ cao, nắng nhiều, nền nhiệt độ cao và mùa đông không lạnh; được chia thành 3 vùng khí hậu là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Trong thời kỳ 1958-2018, nhiệt độ trung bình năm, nhiệt độ tối cao trên cả nước có xu thế tăng, với mức tăng trung bình khoảng 0,89°C, nhiều kỷ lục cao của nhiệt độ đã được ghi nhận; lượng mưa năm có xu thế tăng nhẹ 2,1%, trong đó có xu thế giảm ở vùng khí hậu phía Bắc và tăng ở vùng khí hậu phía Nam; số ngày nắng nóng có xu thế tăng trên phạm vi cả nước; số ngày rét đậm, rét hại có xu thế giảm ở các vùng khí hậu phía Bắc; số tháng hạn có xu thế tăng ở khu vực phía Bắc, giảm ở Trung Bộ và phía Nam lãnh thổ; số cơn bão mạnh có xu thế tăng. Mực nước trung bình toàn Biển Đông tăng 4,1 mm/năm, mực nước trung bình khu vực ven biển Việt Nam tăng 3,6 mm/năm trong giai đoạn 1993-2018.
Theo Báo cáo Đánh giá khí hậu quốc gia, BĐKH tại Việt Nam làm gia tăng các cơn bão mạnh ở khu vực Biển Đông; gia tăng lượng mưa ở hầu hết các tháng trong năm; nguy cơ gia tăng về khô hạn, hoang mạc hóa, xâm nhập mặn, ngập lụt, xói mòn, rửa trôi, sạt lở; làm thay đổi chế độ thủy văn, hải văn, sóng biển và tăng nguy cơ nước biển dâng.
Phân tích tác động của BĐKH đến các vùng của Việt Nam cho thấy, các vùng dễ bị tổn thương do BĐKH là ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung. Vùng núi phía Bắc và vùng núi ở miền Trung sẽ chịu nhiều rủi ro hơn do lũ quét và trượt lở đất; vùng duyên hải Trung Bộ và Nam Trung Bộ, đồng bằng Bắc Bộ, vùng trung du và khu vực Tây Nguyên chịu rủi ro cao hơn và dễ bị tổn thương hơn do hạn hán, thiếu nước và hoang mạc hoá. ĐBSCL cũng chịu tác động của ngập lụt do nước biển dâng và sụt lún đất do lún địa chất và khai thác nước ngầm quá mức. Trong vòng 25 năm qua, khu vực này đã sụt lún trung bình khoảng 18cm. Tốc độ sụt lún đất dao động trong khoảng 1,1-2,5 cm/năm, gấp khoảng 10 lần tốc độ nước biển dâng. Trong mỗi vùng, nhóm người nghèo, dân tộc thiểu số, những người có thu nhập phụ thuộc vào khí hậu, người già, phụ nữ, trẻ em, người bị bệnh tật được xác định là nhóm có mức độ tổn thương cao nhất do BĐKH. Nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số có mức độ tổn thương cao trước tác động bất lợi của BĐKH do họ bị hạn chế hơn về khả năng tiếp cận giáo dục và ít có cơ hội tham gia các công việc phi nông nghiệp.
Các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao do BĐKH là nông nghiệp và an ninh lương thực, các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, nơi cư trú và hạ tầng kỹ thuật do đây là những ngành/lĩnh vực có mức độ phơi bày và độ nhạy cảm cao với thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Trong đó, tác động cụ thể đối với ngành nông nghiệp, các hệ sinh thái, đa dạng sinh học gồm:
Đối với nông nghiệp, BĐKH làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của các loài sinh vật. Nước biển dâng làm mất hoặc thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, tăng nguy cơ đất bị nhiễm mặn, dẫn đến giảm đất canh tác nông nghiệp, ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, an ninh lương thực và an toàn thực phẩm. Kết quả tính toán theo kịch bản BĐKH cho thấy, năng suất lúa và ngô của Việt Nam đến năm 2030 sẽ bị giảm lần lượt là 8,8 và 18,7% và đến năm 2050 sẽ giảm 15,06 và 32,9%.
Đối với các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, BĐKH và nước biển dâng cũng ảnh hưởng đáng kể đến các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các loài, năng suất và mức độ phù hợp của rừng trồng. Theo kịch bản BĐKH, khi mực nước biển dâng 1m, dự tính khoảng 300km² rừng ngập mặn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, tương đương với diện tích khoảng 15,8% tổng diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam.
Dự báo đến năm 2050, nếu mực nước biển dâng từ 18÷38 cm, tổn thất có thể lên tới 2% GDP của Việt Nam. Đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 100 cm, 6,3% diện tích đất của Việt Nam sẽ bị ngập, trong đó khoảng 570 nghìn ha đất lúa khu vực ĐBSCL bị ngập, ước tính sẽ mất hơn 3.177.000 tấn lúa tương ứng với mức thiệt hại khoảng 17.500 tỷ đồng (giá năm 2016).
Ngoài những thiệt hại về kinh tế xác định được, Việt Nam còn có nguy cơ cao chịu thiệt hại phi kinh tế như giảm sức khỏe người dân, cộng đồng hoặc khu kinh tế bị di dời, mất đất do xói lở, mất di sản văn hóa và kiến thức địa phương, mất đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái. Tuy khó định lượng, nhưng những thiệt hại phi kinh tế có khả năng lớn hơn những thiệt hại về kinh tế.
Nhận thức được những tác động, thách thức và cơ hội của BĐKH đối với các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thể hiện nỗ lực và quyết tâm trong thích ứng với BĐKH. Một trong những văn bản quan trọng đó là Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20/7/2020. Kế hoạch đặt ra mục tiêu nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của BĐKH thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.
Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH xác định các nhiệm vụ cho 07 nhóm, lĩnh vực: (i) Tăng cường công tác quản lý nhà nước và nguồn lực; (ii) Nông nghiệp; (iii) Phòng chống thiên tai; (iv) Môi trường và đa dạng sinh học; Tài nguyên nước; (vi) Cơ sở hạ tầng; (vii) Các lĩnh vực khác (sức khoẻ cộng đồng, lao động - xã hội, văn hoá - thể thao - du lịch). Các lĩnh vực nêu trên được lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ tác động của BĐKH và mục tiêu của kế hoạch thích ứng quốc gia; không phân chia nhiệm vụ theo Bộ, ngành để tránh sự trùng lặp, chồng lấn trong các lĩnh vực. Trong mỗi lĩnh vực, các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được xác định; trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của Bộ, ngành và địa phương.
Nhiệm vụ, giải pháp được đề ra phân theo 03 nhóm tương ứng với 03 mục tiêu cụ thể của Kế hoạch, cụ thể:
Nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH thông qua việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH và thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Tập trung rà soát, cập nhật và xây dựng mới các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành trên cơ sở kịch bản BĐKH và đánh giá tác động của BĐKH, đặc biệt đối với các ngành và vùng dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực của BĐKH; Thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với BĐKH vào hệ thống chiến lược và quy hoạch; Tăng cường giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với BĐKH; Thúc đẩy các hành động thích ứng mang lại đồng lợi ích về đảm bảo phòng chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro do BĐKH và hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường; xây dựng các cơ chế, chính sách, huy động và phân bổ nguồn lực về tài chính nhằm khuyến khích và thu hút đầu tư cho thích ứng với BĐKH; Tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện nghĩa vụ của một Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH; Hình thành khung pháp lý quốc gia về BĐKH.
Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Cải thiện hệ thống tự nhiên, cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH của các ngành, lĩnh vực kinh tế; Nâng cao khả năng thích ứng của hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học trước tác động của BĐKH thông qua tăng cường công tác quản lý các hệ sinh thái và đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trước tác động của BĐKH và nước biển dâng; Phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với BĐKH dựa vào hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong giám sát, bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học; Quản lý bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng thông qua các giải pháp tái sinh, phục hồi rừng, làm giàu rừng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác phát triển rừng trồng nhằm cải thiện sinh kế và cơ hội việc làm trong lâm nghiệp; Nâng cao nhận thức, kiến thức về BĐKH và thiên tai của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng; tăng cường năng lực, phát triển nguồn nhân lực nữ, thúc đẩy bình đẳng giới trong thích ứng với BĐKH; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tập trung vào công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong thích ứng với BĐKH.
Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH. Nâng cao năng lực giám sát BĐKH, quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai và khí hậu cực đoan; Đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai; Cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai; thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chú trọng giải pháp quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức địa phương trong phòng tránh thiên tai; Triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, chú trọng các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; Chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đối phó với hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại do tác động của BĐKH.
Theo vca.org.vn