Nông thôn mới thêm sáng nhờ sức lan tỏa của ‘sao’ OCOP
Được đánh giá là một trong những chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phảm (OCOP) tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến phát huy tiềm năng thế mạnh của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn theo quy định…
Theo đó, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu có ít nhất 200 sản phẩm đạt từ 3 sao OCOP cấp tỉnh, có ít nhất 3 sản phẩm đạt 5 sao OCOP quốc gia; xây dựng mới ít nhất 50 sản phẩm từ 3 sao OCOP cấp tỉnh; phát triển mới ít nhất 50 tổ chức kinh tế OCOP.
Sớm bước vào giai đoạn tăng tốc
Năm 2016, khi vào tỉnh Bến Tre để tìm hiểu mô hình sản xuất lúa gạo, Ban lãnh đạo HTX Nông nghiệp Ninh Đông (thị xã Ninh Hòa) đã tiếp cận giống lúa thảo dược có dược tính và hàm lượng dinh dưỡng cao, đưa về gieo trồng ở Ninh Đông. Kết quả, lúa phát triển tốt, cho năng suất khoảng 65 tạ/ha và hạt gạo đạt chất lượng như mong muốn. Hiện nay, hơn 1,5ha lúa thảo dược đạt chuẩn VietGAP đang được sản xuất, là thực phẩm quen thuộc dành cho người ăn chay, ăn kiêng…
HTX chiếm tỷ lệ đáng kể trong số lượng các chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh Khánh Hòa |
Một sản phẩm nổi trội khác của HTX Ninh Đông là nếp quạ - loại gạo được sản xuất lâu đời ở vùng lúa Ninh Hòa, trong đó có xã Ninh Đông. Loại nếp đen bóng này có độ thơm và dẻo vượt trội so với nếp thông thường. Không chỉ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn đóng gói, hút chân không mỗi gói nếp quạ với quy cách 1kg, 2kg, có nhãn mác với đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định. Đến nay, HTX đang sản xuất trên diện tích 2ha nếp quạ, sản lượng hàng năm khoảng 11 tấn, được người tiêu dùng từng bước chấp nhận.
Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, 2 sản phẩm gạo của HTX Ninh Đông đã được khuyến khích tham gia. Sau quá trình hoàn thiện sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí, năm 2020, nếp quạ và gạo thảo dược của HTX đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Năm 2022 này, HTX tiếp tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm rượu nếp quạ Ninh Đông.
Giám đốc Nguyễn Điệt cho biết, thời gian tới, HTX sẽ tập trung chế biến sâu hơn nữa và đa dạng các sản phẩm từ hạt gạo: chưng cất rượu trắng, làm sữa chua nếp cẩm…, nâng cấp các sản phẩm OCOP đáp ứng ngày càng tốt hơn đòi hỏi của thị trường.
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa, những sản phẩm OCOP do HTX Ninh Đông làm ra là thành quả của sự thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân trước yêu cầu, đòi hỏi của nông nghiệp hàng hóa. Điều đáng mừng là trong quá trình triển khai chương trình OCOP, HTX đã nhanh chóng tiếp cận và triển khai có hiệu quả việc nâng cấp sản phẩm của mình, đồng thời trăn trở tìm cách nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm làm ra bằng nhiều phương cách.
HTX Ninh Đông là một trong những điển hình cho thấy Chương trình OCOP của tỉnh Khánh Hòa đã sớm bước vào giai đoạn tăng tốc, chuyển biến cả về chất và lượng nhờ thu hút được sự quan tâm của các chủ thể, đặc biệt là các HTX và tổ hợp tác.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình OCOP tỉnh giai đoạn 2019 - 2021 và triển khai kế hoạch thực hiện năm 2022.
Theo đánh giá, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, HTX về vị trí, vai trò của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới (NTM). Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc…
Trong giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh có 123 sản phẩm của 86 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Qua đánh giá, có 44 sản phẩm của 30 chủ thể (7 doanh nghiệp, 9 HTX, 10 tổ hợp tác, 4 hộ kinh doanh) được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 42 sản phẩm đạt 3 sao.
Các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; tổ chức, phối hợp tổ chức các sự kiện giới thiệu, kết nối, phân phối sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tiếp cận, sử dụng các sản phẩm OCOP của Khánh Hòa…
“Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn có ý nghĩa lớn trong chiến lược chung thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương, tạo sức bật cho kinh tế nông thôn; gắn phát triển nông thôn với đô thị; là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.
Chú trọng chất lượng để tăng sức cạnh tranh
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, các sở, ban, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP tỉnh, tuyệt đối không được làm theo phong trào, không để xảy ra tình trạng “qua loa” trong quá trình thẩm định, đánh giá, công nhận sản phẩm, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu của các sản phẩm OCOP khác.
Tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương để xây dựng sản phẩm OCOP |
Đồng thời, cần tăng cường rà soát, khuyến khích và hướng dẫn người dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình OCOP, đảm bảo sản phẩm OCOP có tính cộng đồng cao và chất lượng tốt; tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương gắn với yếu tố văn hóa, con người ở mỗi khu vực, vùng miền, dân tộc.
Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các chính sách về ưu tiên hỗ trợ vốn, đất đai, ứng dụng khoa học - công nghệ để phát triển sản xuất ở các tổ chức kinh tế OCOP; triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào chế biến, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, sản phẩm OCOP đặc sắc, có giá trị cao; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả, đồng bộ các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia để làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường tiêu thụ quốc tế…
Đặc biệt, các chủ thể có sản phẩm OCOP cũng cần tiếp thu phản hồi của người tiêu dùng để có sự điều chỉnh, nâng cấp chất lượng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường, có tính cạnh tranh cao so với các sản phẩm cùng loại khác.
Đáng chú ý, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, đối với tiêu chí số 13 “Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” có chỉ tiêu “Có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn”.
Do đó, Sở NN&PTNT đã có công văn đề nghị các địa phương có xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022 khẩn trương triển khai thực hiện tiêu chí 13.2 đối với sản phẩm OCOP trên địa bàn xã.
Sở NN&PTNT cho biết, tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 61/92 xã (66,3% số xã) được công nhận đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Năm 2022, tỉnh có 4 xã đăng ký đạt chuẩn NTM (Vạn Long, Ninh An, Ninh Thượng, Diên Đồng); 7 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao (Vạn Phú, Ninh Đông, Ninh Phú, Diên Phước, Diên Lạc, Vĩnh Hiệp, Cam Thịnh Đông).
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Khánh Hòa đặt mục tiêu có 5 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM gồm: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Nha Trang và Vạn Ninh, trong đó Diên Khánh đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, có 75 xã NTM, trong đó có 37 xã NTM nâng cao, 10 xã NTM kiểu mẫu và không có xã dưới 15 tiêu chí.
Trong tiến trình xây dựng NTM, tỉnh Khánh Hòa đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển kinh tế tập thể, HTX, bởi thành công của các HTX hoạt động hiệu quả sẽ đóng vai trò tích cực để hoàn thành các tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, giảm nghèo và tạo việc làm.
Theo Đề án Đổi mới, khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, Khánh Hòa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu: thành lập mới 40 HTX, 1 liên hiệp HTX hoạt động ổn định, hiệu quả; xây dựng 16 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững (mỗi huyện, thị xã, thành phố ít nhất xây dựng 2 mô hình). Có 100% HTX, liên hiệp HTX hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012; 60% HTX hoạt động từ loại khá trở lên; 30% HTX có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức tập thể khác.
Theo Vn Business