Rộng cửa xuất ngoại, nông sản hết rớt giá?

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 21/11/2024 ]

Mở cửa đã khó nhưng phát triển thị phần ở một thị trường sẽ còn khó khăn hơn rất nhiều, đó là bài toán sống còn để nông sản Việt Nam thoát tình cảnh rớt giá, nhưng đó cũng là “sân chơi” cho những doanh nghiệp, người sản xuất chân chính.

Sau hơn 2 năm hoạt động đàm phát mở cửa thị trường bị ngưng trệ, thời gian gần đây, nhiều thị trường lớn đã mở cửa cho một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Đơn cử chanh leo, sầu riêng được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bưởi tươi được phép xuất khẩu sang Mỹ, hay sắp tới là khoai lang tím chuẩn bị được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. 

Nhiều tin vui về mở cửa thị trường

Chia sẻ với VnBusiness, một đại diện từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết dự kiến trong tuần này, phía Hải quan Trung Quốc sẽ có lịch khảo sát trực tuyến vùng trồng khoai lang, cơ sở đóng gói của Việt Nam. Nếu đạt kết quả theo yêu cầu, khoai lang tím chuẩn bị là mặt hàng tiếp theo được phía Trung Quốc xem xét cho mở cửa xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này.

Quả bưởi tươi được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ. 

Tuy nhiên, phía Cục Bảo vệ thực vật cho biết quá trình đàm phán vẫn đang diễn ra, kết quả còn phụ thuộc việc kiểm tra. Do vậy, đến giờ chưa thể khẳng định thời điểm nào phía Trung Quốc chính thức cho phép nhập khẩu chính ngạch khoai lang tím của Việt Nam.

Mặc dù vậy, với người trồng khoai lang – thông tin này rất có ý nghĩa. Ông Sơn Văn Luận, Giám đốc HTX khoai lang Thanh Ngọc ở xã Thành Trung (Bình Tân, Vĩnh Long), chia sẻ 3 năm qua, người trồng khoai lang ở đây luôn trong tình cảnh rớt giá, thua lỗ, 1kg khoai chỉ bán được 1.000 đồng. Trong khi đó, người dân phải bán được 12.000 đồng/kg thì mới có lãi. Do vậy, người nông dân nơi đây không còn mặn mà với cây trồng này.

“Ước tính 1 công đất thì người dân phải bỏ chi phí mười mấy triệu đồng. Do vậy, người dân đang mong chờ khi được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc sẽ có các doanh nghiệp đến bao tiêu đầu ra, giá sản phẩm. Có như vậy thì chúng tôi mới dám làm”, ông Luận chia sẻ.

Có thể thấy việc mở cửa thị trường có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo đầu ra bền vững cho nông sản. Gần đây, câu chuyện quả bưởi tươi được xuất khẩu sang Mỹ hay trái sầu riêng, chanh leo được xuất chính ngạch qua thị trường Trung Quốc…. đang mở ra nhiều triển vọng cho ngành nông sản. 

Ông Trần Văn Chiến, thành viên HTX Nông nghiệp xanh Krông Pắc (Đắk Lắk) đã vui mừng khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Những năm qua, người nông dân luôn nơm nớp lo lắng về đầu ra cũng như giá sầu riêng mỗi khi vào vụ thu hoạch. Từ khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết và HTX được cấp mã vùng trồng với diện tích 30ha, sản lượng khoảng 450 tấn thì đầu ra đã được các doanh nghiệp thu mua ổn định với giá khá cao (trên dưới 70.000 đồng/kg).

“Khi những lô hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch từ Đắk Lắk lên đường, nông dân ở đây phấn khởi lắm và đặt kỳ vọng nhiều vào thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn này. Nếu các khâu đều làm tốt thì chắc chắn giá sẽ ổn định, thu nhập người nông dân sẽ tăng cao”, ông Chiến nói thêm.

Thực tế, quả bưởi tươi Việt Nam phải mất 5 năm đàm phán mới vào được thị trường Mỹ, ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), cho biết sau khi được cấp phép từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ có khoảng 2.000 – 3.000 tấn quả bưởi tươi được phép vào Hoa Kỳ, năm 2023 sẽ có khoảng 7.000 tấn. Tuy nhiên, thị trường Mỹ rất khắt khe về các điều kiện cơ sở vùng trồng, đóng gói, quy trình xử lý kiểm dịch. Vùng trồng theo quy định Mỹ phải đáp ứng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt, đảm bảo vệ sinh sản xuất tốt thì mới đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của họ, cũng như hiện chỉ 2 nhà máy chiếu xạ ở Việt Nam được Mỹ cấp phép…

Giữ chữ tín sẽ giữ được ‘chén cơm’

Tuy thị trường rất tiềm năng nhưng ông Hòa cũng bày tỏ lo ngại về việc định vị thương hiệu Việt ra thị trường nước ngoài. Hiện nay, trái cây của Việt Nam vẫn chủ yếu bán vào các siêu thị, cửa hàng của người châu Á, xây dựng thương hiệu còn hạn chế.

Mặt khác, để có chứng nhận đảm bảo xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Trung Quốc… thì yêu cầu tiên quyết đầu tiên là vùng trồng phải đáp ứng được quy định thực hành nông nghiệp tốt, giám sát sâu bệnh, quản lý dịch hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Đây đang là những khó khăn với nông sản Việt Nam. Vừa rồi, vùng trồng sầu riêng có mã số xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt chưa đến 10%, tương tự các vùng mã số xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ cũng vậy. Đây là điều phải thay đổi”, ông Hòa lưu ý.

Trên thực tế, mỗi lần trái cây nói riêng hay nông sản nói chung được xuất khẩu tới một thị trường, chúng ta đã nói nhiều tới việc giữ thị trường, cũng như cảnh báo về gian lận mã số, chất lượng sản phẩm có thể “giết chết” một ngành hàng, bài học từ quả vú sữa Lò Rèn là ví dụ. Sau khi vươn ra khỏi thị trường nội địa, xuất khẩu thành công sang Nga, năm 2017, vú sữa Lò Rèn lại được xuất sang thị trường Mỹ. 2 tấn vú sữa lên đường đến thị trường Mỹ thời điểm đó đã mở ra cho nông dân những hy vọng.

Tuy nhiên, đến giờ sau 5 năm, diện tích vú sữa Lò Rèn đã bị thu hẹp. Lý do một phần cũng bởi cách thức lựa chọn trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu quá kỹ. Bình quân khoảng 200kg vú sữa tại vườn chỉ lấy được 1/4. Nhiều nông dân xin chấm dứt hợp đồng với công ty thu mua vú sữa xuất khẩu, chỉ bán cho thương lái địa phương. Giá không cao nhưng bù lại thương lái địa phương ít kén chọn trái.

Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, việc mở cửa thị trường là cả một quá trình và hết sức khó khăn cho cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT cũng như sự nỗ lực của chính các địa phương trong việc phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, việc giữ được thị trường này đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn. Muốn vậy cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định, cũng như ý thức của doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn, chủ sở hữu các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Theo đó, các chủ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần luôn luôn ghi nhớ đây là mã số vùng trồng của mình, cơ sở đóng gói của mình, quyền sở hữu của mình và cần có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

“Làm sao để duy trì được mã số vùng trồng đó, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật theo Nghị định thư mà chúng ta đã ký kết. Không phải chỉ một mùa vụ mà nhiều mùa vụ. Có như vậy chúng ta mới có thể duy trì được thị trường và mở rộng được thị phần tại thị trường xuất khẩu”, ông Trung chia sẻ.

Theo VNBusiness