Thêm lực đẩy cho HTX du lịch
Sự phát triển của các HTX du lịch đang cho thấy sức hấp dẫn của ngành kinh tế mũi nhọn này trong khai thác được những tiềm năng ở các vùng nông thôn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để thúc đẩy các mô hình HTX du lịch phát triển hiệu quả và bền vững.
Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới, mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch nông thôn tăng từ 10-30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%. Lượng khách tham gia các loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm.
"Tự bơi" là chính
Điều này cho thấy, tiềm năng cho các HTX làm du lịch trải nghiệm theo mô hình homestay, farmstay, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… là không hề nhỏ. Điểm lợi thế nhất của các HTX làm loại hình du lịch này là sự độc đáo, có bản sắc riêng, tận dụng được điều kiện tự nhiên, nguồn hàng hóa dồi dào, đặc sản ở địa phương. Dù không so sánh được bằng chất lượng của khách sạn có sao, nhưng các HTX cũng đầu tư đáng kể vào cơ sở vật chất như nhà nghỉ, phòng ốc, thiết bị điện, wifi, trang trại…
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy ở các mô hình này đó là quy mô nhỏ, điều kiện đầu tư chưa lớn nên chưa đồng bộ, chưa mang lại trải nghiệm hoàn hảo cho du khách. Chẳng hạn như HTX Đặc sản Tây Bắc (Sơn La) đã phát triển mô hình trải nghiệm vườn cam và thu hút khá nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Thế nhưng, đến nay, HTX chưa đầu tư được cơ sở lưu trú vì đòi hỏi nguồn vốn lớn. Chính vì vậy mà khách chỉ đến trải nghiệm trong thời gian ngắn hoặc phải di chuyển xa để tìm nơi nghỉ ngơi, rất dễ làm nản lòng du khách.
Không chỉ chưa đồng bộ về cơ sở hạ tầng, có những HTX còn khó khăn trong việc quảng bá, tiếp cận khách hàng. Ví dụ như HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê (Nghệ An) đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Lô Thị Hoa, khách hàng biết đến mô hình của HTX còn rất ít.
Khai thác được nhiều nét đặc sắc trong mô hình du lịch nông nghiệp nhưng nhiều HTX đang khó khăn trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiếp cận du khách.
|
Điều này một phần do HTX mới thành lập nhưng cũng do thành viên HTX chủ yếu là phụ nữ trung niên nên việc quảng bá chỉ dừng ở mức độ liên kết với các công ty du lịch, đăng giới thiệu mô hình trên Zalo. Hiện, HTX cũng chưa có trang web và chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền trong quảng bá mô hình du lịch.
Có lẽ vì yếu về nội lực nên việc đầu tư, quảng bá, tiếp cận du khách của các HTX du lịch còn khá khó khăn. Theo các chuyên gia, hiện nay tuy đã có HTX tiếp cận được với các doanh nghiệp du lịch hình thành các tour ngắn ngày, nhưng đó phần lớn là những HTX được các tổ chức, chính quyền địa phương hỗ trợ về cơ sở vật chất, có định hướng rõ ràng và nằm ở vị trí địa lý thuận lợi. Còn lại những HTX nhỏ, xa trung tâm hiện nay đều "tự bơi" là chính.
Cần sự đồng hành
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch, trong đó có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Mặt khác, cả nước có khoảng 18.000 HTX nông nghiệp, đây là tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề, du lịch nghỉ dưỡng… Khi phát triển các mô hình HTX du lịch không chỉ khai thác được lợi thế của các địa phương, mà còn tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, giải quyết được bài toán người dân làm việc theo mùa vụ, thu nhập bấp bênh.
Dù đang có chiều hướng đi lên nhưng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm vẫn còn mới đối với nhiều HTX và người dân, nên cần sự quan tâm đúng mức từ các cơ quan quản lý.
Giám đốc HTX Bánh gai xứ Dừa Tường Sơn (Nghệ An) Bùi Thị Lan cho biết, du khách đến địa phương tham quan trải nghiệm nhiều cũng là lực đẩy để HTX phát triển. Tuy nhiên, điều khiến các thành viên HTX băn khoăn là nguyên liệu làm bánh gai còn bấp bênh bởi vỏ bọc bánh là lá chuối rừng tự khô trên cây ngày càng khan hiếm, nhất là khi thời tiết nắng hoặc mưa bão. Bên cạnh đó, bánh không bảo quản được nhiều ngày do không dùng chất bảo quản nên không có khả năng tiêu thụ đi các tỉnh xa hoặc xuất khẩu.
Chính vì vậy, thành viên HTX mong muốn được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất lâu dài để trồng lá gai, chủ động nguồn nguyên liệu. Điều này vừa phát triển được nghề truyền thống của địa phương, vừa thu hút khách du lịch.
Hay như HTX Thiên An (Bắc Kạn) đang tận dụng mô hình sản xuất sạch, thuốc tắm người Dao để phát triển du lịch. Tuy nhiên, lượng khách đến với HTX chưa đều. Chính vì vậy, các thành viên đều rất muốn được tham gia liên kết với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để có kế hoạch cụ thể trong việc thu hút và phục vụ khách du lịch.
Theo các chuyên gia, tiềm năng và đóng góp của các mô hình du lịch nông nghiệp là không hề nhỏ, do vậy không nên coi điểm du lịch homestay, farmstay với 2, 3 giường ngủ là chuyện vặt của người dân bản địa và các HTX, mà đó chính là góp phần xây dựng thương hiệu du lịch của đất nước.
Do vậy, cần có liên kết 3 bên giữa các khách sạn, nhà xe và các HTX làm du lịch. Các bên cần chia sẻ về thông tin, nguồn lực và cả về lợi ích. Khi thông tin của các HTX được xuất hiện trên các trang web, trên máy bay, ở sân bay và trên bàn tiếp tân của các khách sạn thì sẽ tăng cơ hội tiếp cận khách hàng.
Khi đó, nếu khách có yêu cầu đến điểm nào đó mà không đủ lượng khách, các khách sạn lập tức thông báo cho nhau để gom khách và báo cho nhà xe vận chuyển, đồng thời các HTX chủ động đón khách.
Tuy nhiên, để đón khách được chu đáo, các cơ quan quản lý cần quan sát các mô hình du lịch thành công ở các địa phương khác để hỗ trợ các HTX. Và điều đầu tiên chính là hỗ trợ các HTX hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bởi những HTX ở vùng sâu, vùng xa tuy có lợi thế về văn hóa, khí hậu nhưng nội lực còn nhỏ, khó có thể tự đầu tư theo hướng chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, cần thay đổi nhận thức về vai trò, tiềm năng của các mô hình HTX làm du lịch, vì du lịch ở các vùng quê đang được nhận định là sẽ trở thành dòng sản phẩm du lịch chủ đạo trong một chiến lược dài hơi. Chính các điểm du lịch nhỏ của các HTX, hộ dân sẽ góp phần làm thay đổi bức tranh du lịch Việt Nam. Trong khi từ trước đến nay, các mô hình này vốn bị đánh giá là đơn điệu, nhàm chán, chất lượng chưa cao.
Khi việc tìm thông tin các HTX làm du lịch trên mạng chưa được dễ dàng, nhất là với khách nước ngoài vì không biết bắt đầu từ đâu, và nếu có cũng rất sơ sài thì việc Nhà nước hoàn thiện bản đồ du lịch Việt Nam là rất cần thiết, nhằm giúp các HTX thuận tiện trong tiếp cận du khách trong và ngoài nước.
Theo VN Business