Kinh tế HTX vươn lên làm nền tảng hoàn thành mục tiêu Nông thôn mới
Những năm gần đây, từ các mô hình hợp tác xã (HTX) đã thúc đẩy việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân Hà Giang. Nhờ đó, cuộc sống của các thành viên ngày càng ổn định, góp phần xây dựng chương trình Nông thôn mới (NTM).
Hiện nay, tỉnh Hà Giang có trên 370 HTX, với hơn 8.900 thành viên. Trong đó, huyện Quang Bình có 27 HTX sản xuất, dịch vụ nông nghiệp. Từ sự hoạt động hiệu quả của các HTX đã thúc đẩy, hỗ trợ người làm ra nhiều sản phẩm nông nghiệp mang tính hàng hóa chất lượng cao; Đồng thời, đưa các sản phẩm nông nghiệp đến tay người tiêu dùng nhiều hơn.
Diện mạo mới vùng quê Vĩ Thượng
Năm 2015, xã Vĩ Thượng (Quang Bình) vinh dự đón nhận Quyết định đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM). Đến nay, sau hơn 7 năm được công nhận, xã Vĩ Thượng đã khoác lên mình một diện mạo mới, một bức tranh về xây dựng NTM ngày càng rõ nét.
Mô hình HTX kiểu mới ở Quang Bình (Hà Giang) đang mang lại hiệu quả cao cho địa phương. |
Hiện nay xã Vĩ Thượng tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các tiêu chí đã đạt được; tiêu chí khó nhất là thu nhập thì cơ bản xã đã chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tốt. Theo đó, thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng/hộ năm 2015 lên 45 triệu đồng năm 2021.
Cán bộ Địa chính, nông nghiệp xã Vĩ Thượng, chị Ngọc Diệp cho biết: Kinh tế HTX đang vươn lên làm nền tảng để Vĩ Thượng tổ chức lại sản xuất, kinh doanh. Thu nhập bình quân tại các HTX năm 2021 đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Cá biệt có những HTX có mức thu nhập bình quân năm 2021 trên 400 triệu đồng.
Hiện, Vĩ Thượng đang có 9 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Các HTX đã tạo việc làm, thu nhập khá ổn định cho hàng trăm lao động; hoạt động đa dạng trên tất cả các loại hình kinh tế từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Chính quyền cơ sở đã tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, cơ chế, tiền vốn vay để các HTX phát triển.
Trong số các HTX tiêu biểu phải kể đến HTX nông nghiệp Thanh Thủy. Được thành lập năm 2017, với 7 thành viên, được UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ vay vốn không lãi suất gần 1 tỷ đồng. Ông Vũ Tiến Thành, Phó Giám đốc HTX cho biết: Con đường phát triển duy nhất của các hộ nông dân là phải nắm chặt tay gắn kết với nhau cùng làm. Khi nhà nông hợp sức nhau lại có thể làm được rất nhiều việc từ tổ chức sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ trên nhiều góc độ khác nhau để đa dạng nguồn thu. Cũng chính nhờ sự tương tác giữa các thành viên nên thu nhập của các thành viên HTX ngày càng tăng.
Năm 2019 doanh thu của HTX đạt gần 3 tỷ đồng, doanh thu năm 2021 của HTX đạt trên 4,2 tỷ đồng. “Trước kia sản phẩm bà con phụ thuộc vào thương lái nhỏ, lúc cần thì không bán được. Nay thì bà con bán lúc nào bán cho HTX cũng được, giá cả bao giờ cũng được ưu tiên nhất”, ông Thành nói.
Xây dựng nhiều cách làm mới, mô hình mới
Chủ tịch UBND xã Vĩ Thượng, Nguyễn Văn Tám chia sẻ: Vĩ Thượng là xã có số HTX hoạt động đông nhất và hiệu quả nhất tại Quang Bình. Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid - 19 nhưng các HTX vẫn duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.
Cùng khối kinh tế HTX là các tổ hợp tác, nhóm sở thích đã tập hợp sức mạnh tập thể xây dựng nhiều cách làm mới, mô hình mới. Hiện tại, Vĩ Thượng đã dần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất như: Vùng canh tác rau, củ quả; sản xuất lúa chất lượng cao hàng hoá; sản xuất ngành nghề thủ công. Kèm theo đó là 14 mô hình kinh tế theo hình thức trang trại, gia trại...
Nhờ đó, lực lượng lao động được sắp xếp, bố trí lại. Các ngành, nghề mới được đào tạo, hỗ trợ vay vốn. Năm 2021, Vĩ Thượng tạo điều kiện thuận lợi cho 800 lao động có việc làm mới, thu nhập ổn định. Cả xã có 4.332 lao động trong độ tuổi có công ăn, việc làm, đạt trên 98% số lao động. Sự năng động của chính quyền, các HTX và 123 cơ sở sản xuất, các mô hình tổ hợp tác, nhóm sở thích, cùng 20 cơ sở kinh doanh... đã tạo cho Vĩ Thượng vững vàng, phát triển ổn định.
Cũng nhờ kinh tế phát triển, Vĩ Thượng đã từng bước huy động nguồn lực trong dân, trong xã hội, sự hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng hạ tầng cơ sở ngày một khang trang, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Từ thực tế cho thấy, hiện nay, các HTX ở Hà Giang ngày càng được mở rộng và đi vào hoạt động hiệu quả. Bằng các hoạt động tăng cường liên kết với các thành viên, các HTX đã phát triển nhiều sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, như: Mật ong bạc hà, cam sành, rượu ngô men lá, thực phẩm qua chế biến. Tiêu biểu có các HTX: Tuấn Dũng (Mèo Vạc), Thiên Hương (Đồng Văn), Hải Khang (Bắc Quang)…
Bên cạnh đó, nhiều HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn sản xuất an toàn, ký kết tiêu thụ sản phẩm dài hạn với tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, có HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn (xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê) được thành lập năm 2016. HTX này không chỉ là “điểm sáng” trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản địa phương mà còn tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển bền vững.
Có thể nói, xây dựng mô hình HTX là hướng đi bền vững nhằm xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đóng góp thiết thực vào mục tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, giúp các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM.
Theo VN Business