Gập ghềnh chuyển đổi đất, HTX khó làm giàu
Nhiều nguyên nhân khiến các HTX khó phát triển kinh tế, nhiều thành viên chưa thực sự sống được bằng ngành nghề, sản phẩm mình làm ra bởi những khó khăn về chính sách đất đai.
Nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, liên kết với HTX cũng như xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn để nâng cao giá trị gia tăng thì tái cơ cấu nông nghiệp đang là một trong những mục tiêu xuyên suốt của ngành nông nghiệp.
Khắt khe trong chuyển đổi
Trong đó, đa dạng hóa cây trồng, chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng những cây con mới phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nông dân, thành viên HTX được xem là một trong những mục tiêu được nhiều địa phương thực hiện trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Tiêu biểu như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An (Ninh Thuận) đã chuyển 60ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô sinh khối. Mô hình của HTX thu hút 3 doanh nghiệp để hình thành chuỗi. Với năng suất đạt bình quân 7 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mỗi ha đạt từ 45-47 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô của HTX Phước An không mấy khó khăn vì phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương cũng như các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, không ít HTX hiện nay lại không thuận lợi như vậy bởi các văn bản pháp luật, quy định về đất đai còn khắt khe trong chuyển đổi từ đất nông nghiệp, đất trồng lúa sang mục đích khác.
Ngay như trong Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 5/9/2022 Chính phủ cũng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất… trong phạm vi tối đa 300.000 ha đất trồng lúa nhưng phải đảm bảo không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết.
Thực tế cây lúa không mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều người dân, HTX. |
Đặc biệt, Nghị quyết số 115 cũng hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.
Hay nội dung của khoản 1 điều 134 Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước có chính sách bảo vệ đất trồng lúa nên việc chuyển đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp của người dân, HTX cũng sẽ bị hạn chế.
Ông Huỳnh Văn Đức, Giám đốc HTX nông nghiệp Dân Tiến (Trà Vinh) cho biết, do quy định chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng lúa sang mục đích khác phải không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa nên rất khó cho HTX mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản.
Hiện, HTX chỉ dám đào ao quanh ruộng nhưng độ sâu không quá 1,2 m, tỷ lệ không quá 20% diện tích có sẵn để bảo đảm yêu cầu về pháp luật (thông tư 19/2016/TT-BNNPTNT). Chẳng hạn như ruộng 1 ha, HTX chỉ đào 0,3ha. Trong khi nuôi trồng thủy sản mang về giá trị cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Chính sách phải đến được với nông dân
Theo các chuyên gia, quy định chặt chẽ trong việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp, đất trồng lúa sang mục đích khác của Nhà nước là nhằm bảo đảm diện tích cho phát triển cây lúa, một cây trồng chủ lực của cả nước.
Tuy nhiên, trên thực tế cần nhìn nhận rằng làm sao để vừa phát triển cây lúa để an ninh lương thực, thúc đẩy xuất khẩu vừa giúp đời sống người nông dân, thành viên HTX ổn định và giàu là điều không hề dễ dàng.
Bởi để nâng cao đời sống của người dân, giảm bớt khó khăn cho thành viên HTX bằng việc tăng giá lúa là điều rất khó bởi Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo, không thể tùy tiện nâng giá bán vì sẽ ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh. Nhưng nếu, giá lúa mãi thấp, sản xuất lúa không hiệu quả bởi ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, giống lúa kém chất lượng… thì đời sống người dân, thành viên HTX không thể khá lên được, chứ chưa nói đến làm giàu. Đó là chưa kể, dù sản lượng lúa tăng, mức xuất khẩu cũng tăng, nhưng lợi nhuận không đến được với người dân, HTX vì logistics đắt đỏ, phân bón tăng cao.
Vì thế, để cải thiện điều này, một trong những vấn đề cần quan tâm đó là cần xem xét lại vấn đề chuyển đổi đất lúa. Kinh nghiệm thực tế từ nhiều địa phương cho thấy, khi chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và kết hợp chuỗi ngành lớn thì HTX làm ăn rất hiệu quả, thu nhập của thành viên HTX có thể tăng lên.
Chẳng hạn như ở Hà Nội hay An Giang, có nhiều vùng đất xấu không thể trồng lúa đã được địa phương khuyến khích người dân, HTX chuyển sang nuôi cá, trồng cây ăn quả, xây dựng chuồng trại chăn nuôi kết hợp chế biến. Và các mô hình này đều đang đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế địa phương.
Chính vì vậy, cần xem xét lại các quy định về chuyển đổi mục đích đất trồng lúa để vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước nhưng cũng bảo đảm được hiệu quả kinh tế, đặc biệt là thu nhập cho người dân, thành viên HTX ở các địa phương.
Khi sửa đổi thế chế, đặc biệt về tỷ lệ chuyển đổi đất nông nghiệp hiệu quả thì sẽ có hàng triệu hộ dân, thành viên HTX có thêm tiền, thêm vốn để đầu tư cho nông nghiệp. Giá đất nông nghiệp tăng là cơ hội tăng giá trị tài sản, tăng thu nhập cho người nông dân, cũng là cơ hội tái cấu trúc ngành nông nghiệp.
Bởi thực tế hiện nay, tỷ lệ đất phi nông nghiệp của cả nước còn thấp, còn tỷ lệ đất nông nghiệp nhiều nhưng giá trị loại đất này không cao. Điều này lại gây khó khăn cho người dân, HTX vì không bảo đảm tài sản thế chấp ngân hàng, từ đó không có cơ hội để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống thành viên.
Theo VN Business