Chuyển đổi số giúp HTX chuyển mình phát triển nông nghiệp thông minh
Nếu chuyển đổi số trong khu vực HTX hiệu quả sẽ giúp phát triển nông nghiệp thông minh và là lực đẩy để thực hiện chuyển đổi số trên cả nước.
Hiện nay, nhiều HTX, liên hiệp HTX đã thực hiện chuyển đổi số, từ đó làm thay đổi phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX.
Chuyển đổi số chưa đồng bộ
Đặc biệt, nhiều thành viên HTX đã có những tiến bộ nhận thức về chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thiết bị hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin đầu vào, đầu ra, giảm thời gian tìm kiếm thông tin trên nền tảng số, tiết kiệm không gian lưu trữ và chi phí quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc.
Theo khảo sát của Liên minh HTX các tỉnh, thành phố, đến đầu tháng 7/2022 đã có 83,5% số HTX được khảo sát cho rằng, việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% HTX đã có kế hoạch chuyển đổi số, 68% HTX sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán hàng trực tuyến.
Nhiều HTX nông nghiệp, công nghiệp, thương mại ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu (Facebook, Zalo, Fanpage, Sendo, Tiki, Postmart,...).
Đặc biệt, 2 năm qua, công nghệ số đã góp phần thúc đẩy các HTX trong sản xuất kinh doanh, thiết kế lại chương trình sản xuất để thích ứng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, nhất là thúc đẩy HTX xuất khẩu.
Chuyển đổi số trong HTX sẽ thúc đẩy nông nghiệp thông minh trên cả nước. |
Theo các chuyên gia, trong thời đại 4.0, các HTX không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số. Và trên thực tế cũng cho thấy, chuyển đổi số là yếu tố then chốt để các HTX theo kịp xu hướng của xã hội, bắt nhịp thị trường.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng không chỉ doanh nghiệp mà ngay các HTX sản xuất thực phẩm theo bất kỳ một tiêu chuẩn nào cũng cần phải có được các bằng chứng chứng minh quá trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng của HTX là hợp quy và được áp dụng đúng trong thực tế.
Trước đây, để chứng minh điều này, cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước yêu cầu HTX phải ghi chép và lưu trữ hàng tập hồ sơ giấy tờ nên rất khó tìm kiếm khi có các yêu cầu kiểm tra.
Ngày nay, nhờ các phần mềm kỹ thuật số, HTX có thể được ghi lại toàn bộ quy trình sản xuất trên hệ thống phần mềm được truy xuất dễ dàng bằng máy tính, điện thoại. Cách thức này còn giúp HTX, cơ quan quản lý, nhà nhập khẩu có thể thực hiện và kiểm tra ở mọi nơi, mọi lúc khi có mạng internet.
“Công nghệ số đã giúp cho HTX thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm trên toàn chuỗi cung ứng, từ trang trại đến tay người tiêu dùng”, ông Phú nói.
Thế nhưng, trên thực tế, dù đã có nhiều HTX chủ động đầu tư cho công cuộc chuyển đổi số, quá trình chuyển đổi số của các HTX diễn ra vẫn còn chậm, nhỏ lẻ.
Khảo sát của Liên minh HTX Việt Nam cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành tại các HTX vẫn còn thấp. Trong đó, sử dụng phần phầm thiết bị để bảo vệ dữ liệu đã số hóa mới đạt 1,98/5. Đặc biệt, khâu quản lý kho, thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ cao còn thấp. Các HTX chủ yếu thực hiện quản lý xuất nhập, tồn kho hiện trên sổ giấy, hoặc ứng dụng tin học văn phòng Excel. Có rất ít HTX sử dụng phần mềm quản lý kho.
Trước trình trạng nhiều HTX vẫn đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số, các chuyên gia cho rằng hiện nay, cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn HTX ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số. Nhiều HTX chưa có trụ sở làm việc, cán bộ quản trị và nhân lực của HTX hiểu và thực hành kỹ năng số còn hạn chế.
Hầu hết cán bộ quản lý HTX hiện nay chưa có kỹ năng xây dựng cơ sở dữ liệu, kỹ năng sử dụng thiết bị số, kỹ năng tìm kiếm, đánh giá và quản trị thông tin trên thiết bị số, kỹ năng sử dụng phần mềm trong quá trình sản xuất, kỹ năng truyền thông số (thông qua website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội), kỹ năng thương mại điện tử; kỹ năng thanh toán điện tử… Nếu không tháo gỡ được những tồn tại hạn chế này, nhiều HTX sẽ khó quản lý được các nguồn lực và làm lỡ mất thời cơ để thích ứng thị trường.
Không để HTX lỡ thời cơ
Trước những khó khăn của các HTX đang gặp phải, ông Nguyễn Khắc Lịch (Cục trưởng Cục chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, dù có nhiều trở ngại nhưng khó khăn lớn nhất làm chậm quá trình chuyển đổi số của các HTX hiện nay đó chính là nguồn kinh phí.
Dù chuyển đổi số ở khâu nào, ứng dụng công nghệ nào đi chăng nữa thì câu hỏi đặt ra là chuyển đổi số có tốn nhiều tiền không. Theo ông Lịch, chuyển đổi số ban đầu chắc chắn là cần nguồn vốn nhất định. Chẳng hạn, mỗi HTX xây dựng một công cụ chuyển đổi số như đầu tư về máy tính, truyền hình, ứng dụng quản lý… sẽ hết khoảng 50 triệu thì với số lượng trung bình khoảng 27.000 HTX, sẽ hết khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu các HTX cùng thực hiện chuyển đổi số trong cùng một nền tảng thì sẽ tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, tại Sơn La, Yên Bái, Hà Giang đã có những HTX chuyển đổi số giúp sản phẩm không chỉ tiếp cận với khách hàng nội tỉnh mà còn tiếp cận được với các tỉnh, thành trên cả nước, thậm chí là xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc mở các cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp các HTX cắt giảm các khâu trung gian khi đưa nông sản tiếp cận người tiêu dùng.
Chính vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số trong HTX, cần đẩy mạnh về tuyên truyền để các HTX có những sức bật vượt trội trong ứng dụng công nghệ, đồng thời cần có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý để các HTX có thể ứng dụng đồng bộ, tạo hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh.
“Nếu tất cả các HTX cùng thực chuyển đổi số, cả nước sẽ có những HTX thông minh và khi đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX sẽ trở thành lực lượng sản xuất chính của đất nước. Khi HTX thông minh phát triển cũng là động lực để thực hiện chuyển đổi số Việt Nam”, ông Lịch nói.
Trước thực tế ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất hiện nay, ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt cho hay, ngoài hỗ trợ HTX về đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức quản lý điều hành, quản lý sản xuất, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng chuyển đổi số cho cán bộ quản lý các HTX, cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại các HTX.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ HTX tham gia các sàn giao dịch điện tử sẵn có hoặc tạo lập các sàn mới phù hợp với các HTX trên cơ sở liên kết mạng lưới và dịch vụ chuyển phát của ngành bưu chính với các sàn thương mại điện tử để tăng cường phạm vi, hiệu quả và uy tín trong giao dịch cho HTX.
Theo VN Business