Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Chính sách hỗ trợ HTX cần dễ tiếp cận, tránh chồng chéo

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 25/11/2024 ]

Hiện nay, mối quan tâm lớn của các đại biểu Quốc hội là những nội dung liên quan đến các chính sách để phát triển khu vực kinh tế tập thể, với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực này phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội ngày 10/11, đại biểu Khang Thị Mào (đoàn Yên Bái) cho rằng cần rà soát chính sách hỗ trợ hợp tác xã, trong đó có chính sách ứng dụng công nghệ thông tin trong canh tác, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, cần tạo điều kiện về đất đai và các hình thức khác để hợp tác xã phát triển.
Tỷ lệ HTX tiếp cận được chính sách hỗ trợ thấp
Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân đã tích cực triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012, các văn bản hướng dẫn, thi hành Luật và các quyết định của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020, giai đoạn 2021-2026; ban hành và tổ chức nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến nhiều hợp tác xã chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, chưa chú trọng liên kết theo chuỗi giá trị đầu tư ứng dụng công nghệ cao, còn lúng túng trong tiêu thụ sản phẩm.
\"Nhiều hợp tác xã sản xuất tự phát quy mô nhỏ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường, thiếu nhân lực quản trị, thiếu lao động được đào tạo nghề, thiếu vốn sản xuất kinh doanh nên hoạt động khó hiệu quả\", đại biểu Khang Thị Mào cho biết.

Khu vực kinh tế tập thể ít tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước khiến các HTX đánh mất nhiều cơ hội trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, theo vị đại biểu này, tỷ lệ hợp tác xã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn ở mức thấp do nhiều địa phương khó khăn trong bố trí nguồn lực. Bên cạnh đó, điều kiện và thủ tục hỗ trợ các HTX tiếp cận chính sách còn khá phức tạp, chưa tạo thuận tiện cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Một số chính sách hỗ trợ chưa hấp dẫn, chưa bao phủ vốn đến các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Nhiều đại biểu cho rằng, việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các tổ chức kinh tế tập thể (từ điều 16 đến Điều 21) tuy nhiều nhưng còn tính dàn trải, thiếu tập trung và thiếu tính trọng tâm, chưa đặc trưng, chưa thực chất với những mong mỏi từ thực tế của khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Về vấn đề này đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) cho rằng Điều 19 trong Dự thảo Luật Hợp tác xã tập trung vào vấn đề thuế, phí và là hỗ trợ chuyển đổi từ Tổ hợp tác lên Hợp tác xã.
Tuy nhiên, Điều này trong Dự thảo thể hiện chưa rõ ràng giữa các ưu đãi của Nhà nước: một là nhiệm vụ chính sách mà cơ quan quản lý nhà nước phải làm; hai là quyền của tổ chức kinh tế tập thể. Nội dung này tạo nên sự khó hiểu rắc rối không cần thiết.
Cụ thể là tại điểm đ khoản 1 về xây dựng và triển khai các Chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức, kiến thức quản trị và sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế tập thể; điểm e khoản 1 quy định người dân, các tổ chức kinh tế tập thể được hỗ trợ thông tin, tư vấn về pháp lý, thủ tục thành lập mới, chuyển đổi từ Tổ hợp tác sang hợp tác xã nhưng không rõ dịch vụ hỗ trợ miễn phí hay hỗ trợ với giá dịch vụ ưu đãi.
Còn tại Điểm a khoản 2 quy định, việc tính thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, miễn giảm tiền thuê đất... lại theo quy định của pháp luật về đất đai. Nhưng trong dự thảo của Luật Đất đai (sửa đổi) đang trình Quốc hội thì việc này quy định tại Điều 162 và giao cho Chính phủ quy định, tra dự thảo Nghị định của Chính phủ kèm theo thì duy nhất Điều 140 quy định về hỗ trợ để thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp có nhắc đến Hợp tác xã ở khoản 2 Điều này.
“Ở Điều này có lẽ chỉ có khoản 3 và khoản 9 là rõ nhất về ưu đãi liên quan đến thuế, phí, lệ phí và ưu đãi khi chuyển đổi từ tổ hợp tác thành hợp tác xã. Do đó, cần sắp xếp lại để có thể tách điều này thành 02 điều cụ thể. Theo đó, 1 điều quy định về những chính sách lớn mà Nhà nước phải làm để thúc đẩy phát triển hợp tác xã và kinh tế tập thể và 1 điều quy định về các ưu đãi cụ thể, rõ ràng mà hợp tác xã được hưởng thì mới khả thi và hợp tác xã mới có thể được thụ hưởng”, đại biểu kiến nghị.
Góp ý kiến về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng từng cho biết các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và còn ít hợp tác xã tiếp cận, thụ hưởng chính sách.
Cụ thể là tại Điều 6 Luật Hợp tác xã năm 2012 chỉ quy định nội dung về hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước cho hợp tác xã, chưa đưa ra nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ cụ thể, dẫn tới việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, chưa tập trung hỗ trợ hợp tác xã thu hút nhiều thành viên, bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã.
Chưa quy định các chính sách hỗ trợ, phương thức hỗ trợ cụ thể, đặc thù cho Hợp tác xã (như miễn, giảm thuế đối với giao dịch nội bộ trong hợp tác xã, hỗ trợ theo hình thức phi dự thảo,...), thiếu cơ chế đánh giá, kiểm tra trước khi hợp tác xã được hỗ trợ (thông qua công cụ kiểm toán hợp tác xã). Thiếu các quy định, chính sách mang tính định hướng cho tổ hợp tác phát triển, trở thành hợp tác xã.
Để Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thực sự là chỗ dựa cho HTX
Liên quan đến quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, mặc dù đây là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, tín dụng giúp cho các hợp tác xã, song bà Trần Thị Hiền cảm thấy phân vân vì hồ sơ dự thảo Luật không có bất kỳ một đánh giá nào về hoạt động của Quỹ này.
Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã đã được thành lập từ năm 2009 và đang được điều chỉnh hoạt động theo Nghị định số 45 của Chính phủ.
Đại biểu, đề nghị Ban soạn thảo, cân nhắc thêm việc quy định cho phù hợp về nguyên tắc cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư vì ngay cả Nghị định 45 hiện nay cũng chỉ quy định: “Lãi suất cho vay của Quỹ hợp tác xã phải phù hợp với chính sách ưu đãi, kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã của Chính phủ và từng địa phương. Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc trang trải đủ chi phí hoạt động của Quỹ hợp tác xã và phù hợp với quy định của pháp luật về lãi suất cho vay”.
Nghị định này cũng quy định rõ Quỹ hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc là tổ chức tài chính hoạt động theo mô hình hợp tác xã, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong huy động vốn và sử dụng vốn nhằm thực hiện chức năng cho vay cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, thành viên của tổ hợp tác và hợp tác xã.
“Theo tôi dự thảo Luật cũng phải quy định khái quát việc này để Chính phủ có căn cứ quy định. Chứ không thể giao chung chung cho Chính phủ quy định do đây là Quỹ có hoạt động tín dụng, ủy thác chứ không phải như các Quỹ ngoài ngân sách khác”, đại biểu Trần Thị Hiền yêu cầu.
Trong báo cáo giải trình của cơ quan soạn thảo, nội dung này cũng được đề cập, với cam kết sẽ rà soát quy định của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp với vai trò, chức năng của Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Trong các kỳ họp trước đó, Liên minh HTX Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng, cần Quy định Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tại Chương X về Chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể: \"Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Việt Nam giao cho Liên minh HTX Việt Nam quản lý, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cấp tỉnh giao cho Liên minh HTX cấp tỉnh quản lý\":
Bởi tại Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, có chủ trương: “Nâng cao và phát huy vai trò của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX trong việc hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và bảo lãnh tín dụng đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, không để thất thoát”.
Điều 56 Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/03/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX quy định: \"1. Liên minh HTX cùng cấp thực hiện quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ HTX theo quy định tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn liên quan. 2. Liên minh HTX cùng cấp thực hiện đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại Quỹ HTX hàng năm theo quy định tại Nghị định và các văn bản hướng dẫn liên quan\".
Theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2003 và Luật Hợp tác xã năm 2012, đến nay đã có 51 Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cấp tỉnh được thành lập và hoạt động, trực thuộc Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, tổng vốn điều lệ 990 tỷ đồng; Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.
Báo cáo tình hình hoạt động của các Quỹ này đến 30/6/2022 cho thấy đây là một kênh tín dụng chính sách của Nhà nước hỗ trợ tích cực cho HTX, tổ hợp tác và thành viên vay vốn đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, tăng số lượng và chất lượng dịch vụ cung ứng cho thành viên.
Hầu hết các HTX vay vốn đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và có lãi. HTX vay vốn qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX còn giúp tăng cường sự liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các thành viên của HTX.
Gỡ vướng chính sách về đất đai
Một trong những điều đáng quan tâm hiện nay đó chính là những quy định về hỗ trợ đất đai cho hợp tác xã trong Luật Hợp tác xã năm 2012 vẫn còn vướng mắc, chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Góp ý kiến vào dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với phát triển các tổ chức kinh tế tập thể.
Chính vì vậy, vị đại biểu này đề nghị, cần tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn.
Bên cạnh đó, cần bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để bảo đảm sử dụng đất đai có hiệu quả.
Làm rõ vấn đề này, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng chỉ ra rằng, Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp được hưởng chính sách “Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai”.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 không quy định giao đất cho tổ chức kinh tế (bao gồm hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã) sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, chỉ quy định cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuê đất. Chính vì vậy, cần sửa chữa các văn bản pháp luật hiện hành một cách cụ thể để tránh sự chồng chéo, gây khó cho hợp tác xã trong tiếp cận chính sách đất đai.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, về các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, Bộ trưởng đồng ý cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn, cụ thể, rõ ràng hơn.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng cần tập trung làm rõ tính đặc thù, chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ.
Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu hỗ trợ phát triển của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và còn ít hợp tác xã tiếp cận, thụ hưởng chính sách. Điều 6 Luật Hợp tác xã năm 2012 chỉ quy định nội dung về hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước cho hợp tác xã, chưa đưa ra nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ cụ thể, dẫn tới việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, chưa tập trung hỗ trợ hợp tác xã thu hút nhiều thành viên, bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hợp tác xã.
Bên cạnh đó cũng chưa quy định các chính sách hỗ trợ, phương thức hỗ trợ cụ thể, đặc thù cho hợp tác xã (như miễn, giảm thuế đối với giao dịch nội bộ trong hợp tác xã, hỗ trợ theo hình thức phi dự thảo,...), thiếu cơ chế đánh giá, kiểm tra trước khi hợp tác xã được hỗ trợ (thông qua công cụ kiểm toán hợp tác xã). Thiếu các quy định, chính sách mang tính định hướng cho tổ hợp tác phát triển, trở thành hợp tác xã.
Nên giữ nguyên tên Luật Hợp tác xã
Liên quan đến tên gọi của Luật, có đại biểu cho rằng nên đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác nhưng cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng nên giữ nguyên tên gọi là “Luật Hợp tác xã”.
Đại biểu Trần Thị Hiền, Đoàn Hà Nam bày tỏ quan điểm nhất trí với việc giữ tên gọi như hiện hành là Luật Hợp tác xã (sửa đổi) như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã nêu rõ lý do. Bởi tên gọi rất quan trọng, nhưng không phải quyết định tất cả mà quan trọng nhất vẫn phải là nội dung làm sao đảm bảo các quy định phải tạo được động lực để hợp tác xã phát triển chứ không phải chỉ vì tên gọi đơn thuần mà hợp tác xã sẽ khác hơn.

Việc giữ tên Luật Hợp tác xã được nhiều đại biểu cho là phù hợp hơn.

Vị đại biểu này cũng dẫn chứng, trong phần báo cáo tiếp thu giải trình bước đầu các ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, có 6 lý do cho phương án đổi tên, trong đó có lý do quan trọng là tên Luật phải phù hợp tinh thần chỉ đạo của Đảng, đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 20- NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương xác định: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao”. Dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh rộng với nhiều đối tượng không chỉ HTX mà còn có các tổ chức kinh tế khác như: tổ hợp tác, liên hiệp hợp tác xã, liên đoàn hợp tác xã...
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, thực chất trong dự thảo luật cũng chủ yếu quy định về hợp tác xã còn các thực thể khác cũng chỉ chủ yếu quy định để xác lập tên gọi chứ không có nội dung chi tiết mang tính đặc thù gì nhiều.
Góp ý về tên của dự án luật, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cũng cho rằng, tên gọi Luật Hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ luật hiện hành, đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người Việt.
Việc đổi tên cũng không làm thay đổi nội hàm của luật nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải thay đổi tên luật.
\"Đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tên gọi của dự án luật để thể hiện rõ quan điểm trong xây dựng luật. Đồng thời đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động và hệ lụy của việc thay đổi tên để các đại biểu Quốc hội có cơ sở quyết định\", đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị.
Theo VN Business