Liên kết sản xuất tăng nội lực xây dựng nông thôn mới Diên Khánh

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 25/11/2024 ]

Việc phát triển kinh tế nông thôn thông qua các mô hình HTX kiểu mới đang là hướng đi đúng đắn nâng cao kinh tế - xã hội của huyện Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa). Đây là tiền đề giúp các xã nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước góp phần đưa huyện Diên Khánh cán “đích” huyện NTM.

Theo Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, trên địa bàn huyện hiện có hàng chục HTX chủ động đổi mới, xây dựng được mối liên kết với doanh nghiệp và tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa bền vững thông qua mối liên kết “4 nhà”, từ đó giúp huyện hình thành được những cánh đồng lúa lớn với diện tích 700 - 1.000ha lúa giống/vụ và hơn 500ha lúa thương phẩm/vụ.

Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác

Trong sự liên kết này, doanh nghiệp đứng ra đầu tư giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất, các HTX chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất theo hướng khoa học, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi cung ứng cho doanh nghiệp. Nhờ đó, tư duy sản xuất của người dân đã thay đổi, năng suất và chất lượng sản phẩm gia tăng.

Nhiều HTX chủ động xây dựng được mối liên kết với doanh nghiệp và tạo thành chuỗi giá trị hàng hóa bền vững (Ảnh: Int) 

Điển hình như HTX Nông nghiệp Diên Lộc (xã Bình Lộc). Giám đốc Lê Văn Hùng cho biết, những năm qua, HTX ký hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa đối với 3 doanh nghiệp là CTCP Giống cây trồng Đông Nam, CTCP Giống cây trồng Nha Hố (tỉnh Ninh Thuận) và Công ty TNHH Nông Việt Phát (tỉnh Đắk Lắk). Các công ty này bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường và giá bảo hiểm (tối thiểu) là 6.000 đồng/kg lúa. Nhờ liên kết được với các doanh nghiệp, HTX đã cố gắng vận động và hỗ trợ cho thành viên bằng nhiều hình thức nên diện tích ngày càng tăng, mức độ liên kết ngày càng chặt chẽ.

Theo ông Hùng, thời gian gần đây, chi phí sản xuất lúa đã tăng lên chóng mặt, nhất là giá phân bón đã tăng gần 3 lần so với cách đây 2 vụ lúa. Vì vậy, Ban giám đốc HTX đến từng công ty thu mua lúa để trao đổi, đàm phán nâng giá sàn mua lúa lên nhằm giảm bớt khó khăn cho các thành viên.

Hiện, toàn HTX Nông nghiệp Diên Lộc có 287ha lúa. Kế hoạch năm 2022, HTX tiêu thụ 3.000 tấn lúa giống xác nhận 1 cho thành viên. Qua tính toán, các hộ tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống tăng thu nhập gấp 1,4 lần so với các hộ không liên kết. Cụ thể, 1 ha lúa liên kết sản xuất lúa giống, giúp cho thành viên HTX tăng thu nhập so với 1 ha không liên kết hơn 6,1 triệu đồng.

Cũng là mô hình kinh tế hợp tác tiêu biểu trên địa bàn huyện Diên Khánh, HTX Nông nghiệp Diên Hòa (xã Diên Hòa) không chỉ chú trọng phát triển mô hình sản xuất, mà còn chú trọng cùng địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Đến nay, những con đường bê tông nội đồng rộng rãi, hệ thống thủy lợi được cứng hóa đến từng chân ruộng đã tạo điều kiện tốt nhất cho người dân sử dụng máy móc, giảm thời gian, chi phí trong quá trình sản xuất nông nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất từ 30 - 40% so với trước.

Hay như HTX nông nghiệp Suối Hiệp 1 (xã Suối Hiệp) đã tổ chức, hướng dẫn người dân sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, HTX đã xây dựng được chuỗi giá trị nông sản lúa gạo nhờ liên kết với doanh nghiệp sản xuất lúa giống trên diện tích hàng chục héc ta. Mô hình sản xuất của HTX không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy xây dựng NTM. HTX đang cùng địa phương đẩy mạnh đào tạo nghề và đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất và từng bước mở rộng quy mô hoạt động.

Theo Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, toàn huyện hiện có hơn 20 HTX nông nghiệp, hầu hết các HTX đều phát triển theo Luật HTX 2012 khi chú trọng đầu tư sản xuất theo hướng bền vững.

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, chương trình xây dựng NTM ở huyện Diên Khánh đã làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn cũng như nâng cao nhận thức của nhân dân. Nếu năm 2011, toàn huyện chỉ có 6/17 xã đạt từ 10 đến 13 tiêu chí thì đến năm 2021 đã xây dựng thành công 13/16 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã còn lại đạt từ 12 đến 14 tiêu chí; đặc biệt có 8 xã đạt từ 8 - 12/12 tiêu chí của xã NTM nâng cao.

Huyện Diên Khánh phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM (Anh: TL)

Trong đó, nổi bật là kinh tế nông nghiệp có chuyển biến tích cực theo hướng cơ cấu lại sản xuất từng bước hình thành khá rõ nét và khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Điều kiện sống cả về vật chất lẫn tinh thần của phần lớn cư dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, tăng 2,16 lần so với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm xuống còn 0,87%, khoảng cách chênh lệch về mọi mặt giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp đáng kể.

Đạt được thành quả trên là do các địa phương luôn nhận thức rõ xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Theo đó, huyện đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của hệ thống chính trị, giữa các ngành, địa phương, gắn với việc phân công cụ thể và điều hành thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; đặc biệt là được sự đồng thuận của nhân dân nên đã tập trung được các nguồn lực và tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, phát huy nội lực trong dân, huyện đã huy động các nguồn lực trên trên 647 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn do nhân dân và doanh nghiệp đóng góp hơn 150 tỷ đồng. Nhờ vào nguồn vốn đầu tư, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, các thiết chế văn hóa… được xây dựng kiên cố, phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả: Mô hình trồng lúa giống của các HTX, trồng nấm xã ở Bình Lộc, tổ liên kết trồng cây ăn trái sạch ở xã Diên Thọ… từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Huyện Diên Khánh phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt NTM kiểu mẫu và đạt huyện NTM trước năm 2025. Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn NTM tiếp tục duy trì và có kế hoạch nâng cao các tiêu chí; tập trung nguồn lực để xây dựng xã NTM nâng cao. Tổng nguồn vốn dự kiến huy động cho chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 99,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện sẽ đầu tư hơn 40,6 tỷ đồng.

Cụ thể, trong thời gian tới, huyện Diên Khánh tập trung một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và sự chung tay đóng góp xây dựng NTM; Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư, nâng cấp hạ tầng về giao thông, nước sạch nông thôn, cơ sở vật chất giáo dục, cơ sở vật chất văn hóa, thể dục thể thao; Chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm; tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng hiệu quả kinh tế; gắn nông nghiệp với phát triển du lịch; triển khai 5 xã thực hiện sâu rộng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo hướng gia tăng giá trị; Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, tạo nhiều việc làm mới, đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tăng cường công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; huy động các nguồn lực xã hội và cân đối đủ nguồn vốn theo từng năm để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Phấn đấu đến năm 2023,  xã Diên Tân, Diên Đồng và Diên Xuân sẽ đạt NTM; năm 2024, huyện có 8 xã đạt NTM nâng cao gồm: Diên Điền, Diên An, Diên Phước, Diên Lạc, Diên Sơn, Diên Phú, Diên Hòa và Diên Thọ, trong đó có 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Diên Điền, Diên An và Diên Phước; đồng thời xây dựng huyện Diên Khánh đạt chuẩn NTM nâng cao trước năm 2025.

Theo VN Business