Chuyên nghiệp bao bì nông sản, chuyện không dễ với HTX

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ hai, 25/11/2024 ]

Ngày nay, bao bì không chỉ là để chứa đựng sản phẩm một cách đơn thuần mà còn chính là một trong những công cụ giúp các HTX tiếp cận khách hàng. Nhận biết được điều này nhưng không ít HTX vẫn còn gặp khó khăn trong việc cải tiến, nâng cao tính tiện dụng của bao bì sản phẩm.

Tận dụng những lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), những năm qua, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là những sản phẩm đã qua chế biến như trái cây sấy, nước ép, chế phẩm trái cây vào thị trường EU đã và đang có sự khởi sắc.

Bao bì chưa tinh tế

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Chuyên gia Thương mại điện tử B2B, CEO của Easy Export - Trung tâm cung cấp thông tin và dịch vụ xuất - nhập khẩu hàng đầu tại Việt Nam, một điều đáng buồn hiện nay là một số sản phẩm của HTX dù sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng mẫu mã, bao bì lại chưa ổn.

Ngay như sản phẩm trà thảo dược hay trà qua chế biến ở dạng túi lọc nhưng khi mở hộp sản phẩm ra, bên trong lại được đóng gói bằng các bao nilon. “Điều này cho thấy, hình thức bao bì sản phẩm rất kém bắt mắt, không tinh tế nên không đủ hấp dẫn với người tiêu dùng EU”, ông Linh nói.

Từng xuất khẩu nông sản sang nhiều nước, trong đó có thị trường EU, ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX chuối Thanh Bình, cho biết EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… Nếu HTX mang những quy tắc đóng gói, thiết kế bao bì dùng để tiêu thụ sản phẩm trong nước để xuất khẩu sang các thị trường này thì rất khó cạnh tranh, thậm chí còn vi phạm pháp luật.

Việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường để gói rau cũng gây ra những thách thức nhất định cho các HTX và nhà phân phối.

Ngay như sản phẩm sầu riêng của Thái Lan khi xuất khẩu sang Úc đã được tách múi và đóng vào hộp thiếc nhỏ gọn nên thu hút được khách hàng, không phát tán mùi đặc trưng trong không gian siêu thị. Điều này trái ngược với sầu riêng Việt Nam hiện chỉ để quả tươi, hoặc tách múi nhưng để trong hộp nhựa đơn thuần.

Thực tế hiện nay, không chỉ các nước phát triển, ngay cả các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia…, các sản phẩm tiêu dùng, thực phẩm của họ đều được chú trọng đầu tư vào bao bì và chăm chút đến từng chi tiết, chỉ số ghi trên bao bì nên rất hấp dẫn, bắt mắt. Nhờ thế mà sản phẩm của các nước này trở nên đặc sắc đến mức không chỉ người tiêu dùng ngoại quốc muốn mua về làm quà mà đến cả người dân sở tại cũng mua về sử dụng.

Còn về phía các HTX hiện nay dường như đang dồn sức vào nâng cao chất lượng sản phẩm mà chưa thực sự chú ý đến mẫu mã và bao bì sản phẩm, cũng như xây dựng bộ nhận diện thương hiệu.

Ngay cả những logo, thông tin trên bao bì cũng đơn giản, thiếu sáng tạo, chưa thực sự phù hợp. Điều này cũng sẽ khiến cho các sản phẩm của HTX mất dần ưu thế so với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập hoặc các sản phẩm của những doanh nghiệp, tập đoàn lớn.

Chuyên nghiệp hóa không hề đơn giản

Theo thống kê, bao bì chiếm đến 80% thành công của một sản phẩm, là yếu tố dẫn đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, sản phẩm của các HTX hiện nay đang gặp phải nhiều hạn chế như: bao bì đơn giản, trùng lặp; giống nhau về kiểu dáng, chất liệu. Ngay việc ghi nhãn trên bao bì cũng chưa đúng quy định; thiếu thông điệp sản phẩm…

Các chuyên gia cho rằng bao bì không chỉ ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng mà còn là một trong những tiêu chí bắt buộc cần phải đáp ứng đối với mỗi doanh nghiệp, HTX khi thực hiện xuất khẩu.

Thực tế, đã có nhiều lô hàng của Việt Nam bị trả về khi xuất khẩu sang Úc, Nhật.. vì HTX, doanh nghiệp chưa quan tâm đến các quy định đóng gói, làm bao bì cho sản phẩm. Trong khi mỗi thị trường lại có những yêu cầu riêng về đóng gói sản phẩm.

Ngay như trong xuất khẩu sầu riêng, phía Trung Quốc yêu cầu trên mỗi hộp phải dán nhãn bằng tiếng Anh, gồm tên quả, nước xuất khẩu, nơi sản xuất, tên hoặc mã số vùng trồng, tên hoặc mã số cơ sở đóng gói... Đồng thời, trên mỗi hộp và pallet phải ghi dòng chữ \"Exported to the People\'s Republic of China\" hoặc dòng chữ bằng tiếng Trung Quốc nhưng không yêu cầu dịch sang tiếng Việt.

Hay ngay như xuất khẩu trái cây sang Úc phải đáp ứng tiêu chuẩn đóng hàng bằng hộp carton kín, không có lỗ thông hơi để tránh vi khuẩn xâm nhập. Nếu HTX không để ý sẽ không đáp ứng được điều về đóng gói.

Theo bà Trịnh Thu Trang, Giám đốc sáng tạo công ty S-River, thực tế cho thấy, HTX cần tìm hiểu và biết rõ đối tượng khách hàng để định hướng bao bì sản phẩm phù hợp, tránh tốn chi phí cho sản xuất bao bì nhưng lại không bảo đảm được tiêu chuẩn đóng gói, hàng hóa khi xuất khẩu.

Bao bì bên cạnh đẹp, thuận tiện, cần phải đảm bảo giá thành hợp lý và bảo vệ môi trường vì nhiều nước đang hướng đến các tiêu chuẩn xanh. Đặc biệt, việc ghi thông tin trên sản phẩm cần chính xác, tránh tình trạng sử dụng google dịch gây hiểu lầm và không đáp ứng được các tiêu chuẩn về hướng dẫn sử dụng sản phẩm của một số thị trường.

Tuy nhiên, khi thiết kế hoặc thay đổi bao bì sản phẩm cũng cần được nghiên cứu cẩn thận để không trở nên đại trà, hoặc làm mất đi bản sắc vốn có của thương hiệu. Bởi thực tế, đã có nhiều thương hiệu thay đổi sản phẩm nhưng gây tác dụng ngược, làm giảm hiệu quả bán hàng. Chẳng hạn như thương hiệu Tropicana, chuyên sản xuất nước trái cây đã phải trở về bao bì ban đầu để bảo đảm hiệu quả kinh doanh.

Hay ngay như một số HTX sản xuất rau hữu cơ đã hưởng ứng thông điệp nói không với túi nilon và khuyến khích thành viên bao gói bằng lá, bằng giấy, bằng dây cói… nhằm phù hợp với tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Theo bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban điều phối PGS Việt Nam, dù thay đổi bằng cách gói rau bằng lá hay bằng vật liệu tự nhiên nhiều lần cho rau hữu cơ, nhưng những cửa hàng nông sản sạch của các HTX vẫn phải quay lại sử dụng túi nilon.

Nguyên nhân là các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị phân phối rau của HTX đều chạy máy điều hòa, khi rau chỉ bao bằng lá chuối, buộc bằng dây thì sẽ bị héo quắt, khiến khách hàng chê không mua. Rau héo không có người mua cũng đồng nghĩa với rau biến thành rác nên buộc HTX phải quay lại dùng túi nilon.

Theo bà Nhung, một yêu cầu nghiêm khắc trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS là khuyến khích sử dụng bao bì thân thiện môi trường. Tuy nhiên, với đặc thù của sản phẩm trong quá trình bảo quản, việc dùng những sản phẩm thân thiện với môi trường để bao gói không hề dễ dàng mà cần phù hợp với điều kiện bảo quản thực tế, khí hậu...

Và điều HTX cần làm là trên bao bì phải hiện hữu tem nhận diện QR PGS gắn với sản phẩm, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc, và giúp người tiêu dùng nhận biết biết rau đó thực sự sản xuất từ đâu.

Theo VN Business