Cách nào để HTX chăn nuôi không lỗ ngay mùa cao điểm?
Giá lợn hơi trong thời gian dài chỉ dưới mức 60.000 đồng/kg, chi phí chăn nuôi luôn ở mức cao nhưng ý kiến đề xuất cơ quan quản lý xem xét để xuất khẩu thịt lợn tiểu ngạch qua biên giới nhằm giảm thiệt hại cho người dân, HTX chăn nuôi lại dường như không khả thi. Một lần nữa, các HTX đang rất trông chờ vào chính sách điều tiết của ngành chức năng để hạn chế thua lỗ trong dịp cuối năm.
Hằng năm, từ tháng 11 trở đi, mặt hàng thịt lợn bước vào chu kỳ tăng giá do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh.
Không khí chăn nuôi u ám
Tuy nhiên, giá lợn hơi năm nay đến thời điểm này không những không tăng mà thậm chí còn đang giảm so với cùng kỳ năm trước. Hiện, giá lợn xuất chuồng tại các địa phương ở miền Nam chỉ dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg. Trong khi hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc đang neo ở mức rất cao, khiến nhiều HTX chăn nuôi lợn rơi vào khó khăn.
Anh Tòng Văn Toản, Giám đốc HTX Nông nghiệp Toản Duyên (Sơn La) cho biết, với mức giá chỉ 53.000-54.000 đồng/kg, hầu hết các HTX chăn nuôi, dù là theo hướng khép kín cũng gặp khó khăn trong duy trì sản xuất.
Giá lợn xuống thấp nhưng trước ý kiến cần xuất khẩu thịt lợn tiểu ngạch qua biên giới để tháo gỡ khó khăn cho HTX, người chăn nuôi, Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Long khẳng định, Việt Nam không giới hạn định mức xuất khẩu lợn và sản phẩm thịt lợn. Tuy nhiên, để xuất khẩu sản phẩm thịt lợn thì đơn vị sản xuất phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Đây là trở ngại lớn với nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu thịt lợn.
Dự báo giá lợn có thể tăng vào những ngày cận tết nhưng mức tăng không cao. |
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, vấn đề về giá bán và xây dựng vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là “rào cản” lớn cho thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam đang khó cạnh tranh với các nước khác vì giá thành cao (tương đương 3 USD/kg, trong khi giá thịt lợn ở Mỹ là 1,1 USD/kg).
Trước thực trạng giá lợn hơi giảm, xuất khẩu gặp khó, nhiều nhận định cho rằng nguy cơ HTX nuôi lợn năm nay sẽ mất mùa Tết là điều nhãn tiền. Bởi dù nền kinh tế đã phục hồi nhưng dịp cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp liên tục cắt giảm lao động và dự kiến sẽ cho số còn lại nghỉ Tết sớm, thời gian nghỉ dài hơn so với quy định sẽ ảnh hưởng đến sức mua thịt lợn. Bên cạnh đó, nhiều dự báo cho thấy, dù giá lợn hơi có tăng cũng sẽ chỉ lên 10 -15% so với hiện tại vì sức mua yếu, nguồn cung dồi dào.
Việc giá lợn hơi vẫn không ngừng giảm ngay cả trong mùa cao điểm như hiện nay được các HTX cho là hết sức bất thường. Nếu đến cận Tết mà giá lợn hơi vẫn không tăng hoặc chỉ tăng nhỏ giọt thì một chu kỳ thua lỗ mới sẽ bắt đầu đối với họ.
Cần điều tiết phù hợp
Có ý kiến cho rằng vấn đề cần nhìn nhận hiện nay là các đô thị, tỉnh thành lớn ở cả miền Bắc và miền Nam luôn được đánh giá là có nhu cầu cao về thực phẩm trong dịp Tết, tuy nhiên các HTX, trang trại chăn nuôi ở những địa phương này vẫn chưa cân đối và mới chỉ tự cung ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu của thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các địa phương này vẫn phải nhập hàng hóa từ các tỉnh vệ tinh xung quanh. Chẳng hạn như TP HCM hiện đang nhập đến 60-65% lượng thịt lợn từ Đồng Nai.
Vì vậy, điều nên làm lúc này là cần có giải pháp cắt ngắn chuỗi cung ứng lợn để giảm chi phí trong khâu vận chuyển giữa các địa phương, từ đó phần nào nâng cao nguồn thu cho những người trực tiếp chăn nuôi lợn, cụ thể là nông dân và thành viên HTX.
Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng cần tăng cường liên kết thu mua lợn hơi trực tiếp từ các HTX, trang trại với giá hợp lý hơn.
Hiện, không chỉ các HTX, người chăn nuôi mà ngay cả các doanh nghiệp cũng đang trông chờ các cơ quan quản lý khẩn trương có giải pháp xử lý để điều tiết giá lợn hơi đang sụt giảm. Có như vậy mới có những chuyển biến về cung cầu trên thị trường.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là các nước có nền nông nghiệp phát triển nhưng nhà nước chỉ can thiệp khi giá nông sản dưới giá thành sản xuất thì sẽ có biện pháp hỗ trợ nông dân, HTX.
Như tại Nhật Bản, khi giá nông sản xuống dưới giá thành sản xuất, Nhà nước sẽ hỗ trợ 80% phần lỗ vốn đối với một số nông sản. Nguyên nhân đưa ra là sản xuất nông nghiệp có những đặc thù khác với các ngành công nghiệp. Năng suất và sản lượng sản xuất ra nhiều khi bị giới hạn bởi đặc tính sinh học của cây trồng, vật nuôi, do đó không thể tăng sản lượng trong thời gian ngắn.
Mặt khác, nông sản tươi sống không cho phép nông dân, HTX đầu cơ bằng cách gom hàng, bán phá giá hay nâng giá bán trong một thời gian dài, trong khi lợn hơi không thể như thóc gạo, khoai sắn có thể bảo quản lâu dài trong kho.
Chính vì vậy, các ngành chức năng cần xác định rõ những khó khăn trong chăn nuôi lợn hiện nay để có những chỉ đạo kịp thời giúp HTX, người chăn nuôi giảm bớt khó khăn. Các cơ quan chức năng cũng nên cùng với các doanh nghiệp, HTX, nhà phân phối, thương buôn hình thành nên chuỗi cung – cầu phù hợp, giảm bớt tầng lớp trung gian, qua đó đưa giá sản phẩm về đúng giá thực và các đối tượng nào tham gia trong chuỗi này cũng đều được hưởng lợi.
Còn về phía các HTX, người chăn nuôi cũng không nên chờ đợi đến cận Tết, giá lợn tăng mới bán. Bởi điều này càng khiến nguồn cung thị trường cuối năm dồi dào, càng khiến giá lợn hơi khó tăng.
Theo VN Business