Xuất khẩu sầu riêng và lời nhắc giữ chữ tín ở thị trường Trung Quốc
Làm sao để những chuyến hàng sầu riêng đầu tiên khi xuất khẩu không phát hiện thấy rủi ro nào về chất lượng, cũng như tuân thủ nghiêm ngặt về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Một lần nữa câu chuyện giữ chữ tín ở thị trường Trung Quốc được nhắn nhủ tới ngành hàng sầu riêng.
Tại Hội nghị xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc chiều ngày 12/9, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), khẳng định chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng được điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc. Hiện, có tình trạng một số doanh nghiệp đưa hàng lên cửa khẩu, đến làm kiểm dịch tại Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 nhưng chưa đáp ứng được các điều kiện mà phía Trung Quốc đưa ra.
Chưa có lô hàng sầu riêng nào được xuất khẩu sang Trung Quốc
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết khả năng đầu tuần sau sẽ có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. “Muốn đẩy nhanh quá trình xuất khẩu, các doanh nghiệp cần đáp ứng đầy đủ quy định mà phía Trung Quốc yêu cầu, đảm bảo vùng trồng và cơ sở đóng gói được công nhận”, ông Trung nói.
Muốn xuất khẩu được sầu riêng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện mà phía Trung Quốc đưa ra. |
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông tin thêm, sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước được ký kết, danh sách 51 vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phê duyệt. Với danh sách trên, dự kiến có khoảng 3.000 ha với sản lượng 68 nghìn tấn sầu riêng/năm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng khối lượng đăng ký xuất khẩu đến nay là 1,3 triệu tấn, đây là một con số lớn. Nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến tình trạng gian lận, mất uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường Trung Quốc.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng cho biết, sau khi Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, ở khu vực cửa khẩu đã ghi nhận tình trạng một số lô hàng gian lận mã số vùng trồng, quả đã đến cửa khẩu nhưng thực tế ở địa phương, cây mới đang ra hoa, chưa có quả. “Nếu Trung Quốc phát hiện ra sự việc này, công sức của chúng ta sẽ đổ sông, đổ bể. Chúng ta không chỉ mất uy tín, mà có thể mất cả thị trường. Một người gian lận sẽ ảnh hưởng tới cả ngành hàng sầu riêng, 30 tỉnh trồng sầu riêng và hàng vạn nông dân”, bà Hương cảnh báo.
Theo đó, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, các địa phương cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất sầu riêng bền vững tại địa phương. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về bảo vệ thực vật tại địa phương thực hiện giám sát sinh vật gây hại và hướng dẫn phòng trừ sinh vật gây hại tại các vùng trồng sầu riêng…
Đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói cần nghiên cứu kỹ quy định và các hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo luôn duy trì việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật, quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Việt Nam và Trung Quốc.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thương mại chỉ nhập hàng và đóng gói tại vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số. Trường hợp không sở hữu vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số thì phải có giấy ủy quyền hoặc xác nhận của đại diện/chủ mã số bằng văn bản…
Bày tỏ niềm vui nhân lên vô cùng to lớn khi HTX được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc, nhưng ông Võ Ngọc Huy, Phó Giám đốc HTX Cây ăn trái Krông Pắc (Krông Pắk, Đắk Lắk), không giấu nỗi lo về đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cho trái sầu riêng.
Theo đó, ông Huy đề nghị Bộ NN&PTNT có biện pháp kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ mã số đã được phía Trung Quốc công nhận. Bộ NN&PTNT phải có chế tài xử lý nghiêm các đơn vị làm ăn, sử dụng mã số vùng trồng không xin phép.
Về phía HTX, lãnh đạo HTX Cây ăn trái Krông Pắc cho hay đã nhận được nhiều lời mời hợp tác mua hàng từ phía doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, HTX sẽ cân nhắc kỹ trong việc lựa chọn DN để hợp tác.
Bỏ tư duy thương vụ, tư duy chuyến hàng
Còn theo bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP XNK trái cây Chánh Thu, chúng ta cần chú trọng tới chữ tín. Qua quá trình xuất khẩu, bà Vy thấy rằng Trung Quốc đang là thị trường khó tính nhất, đặc biệt là kiểm soát dịch COVID-19
Về phía DN, bà Vy cho biết một số mã số vùng trồng của Chánh Thu có diện tích lớn chưa được phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra. Vì vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là làm sao phải nâng lên được diện tích mã số vùng trồng được công nhận.
Thêm vào đó, bà Vy đánh giá cơ hội chỉ mở ra khi chúng ta làm đúng thực sự, những lô hàng đầu tiên nếu áp dụng 100% theo Nghị định thư thì bao nhiêu mã vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo được, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
“Làm sao để những chuyến hàng đầu tiên không có rủi ro nào, để giữ chữ tín ở thị trường Trung Quốc. Ngành hàng sầu riêng mang lại cho Thái Lan doanh thu cực kỳ lớn, đây cũng là cơ hội với sầu riêng Việt Nam nhưng hãy nhớ mở được con đường khó nhưng làm sao phát triển được thị trường này còn khó hơn”, bà Vy chia sẻ.
Trước những lo lắng trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, chúng ta ngồi với nhau ở hội nghị này là để chuẩn bị cho hành trình đi xa nhiều chuyến, đem lại giá trị cao cho ngành hàng sầu riêng.
Ông Hoan bày tỏ mong muốn không phải chỉ bán trái sầu riêng mà còn xây dựng hình ảnh sầu riêng Việt Nam đến thị trường đông dân, khó tính nhất là Trung Quốc.
Vui mừng nhưng Bộ trưởng Hoan cũng cho biết, ông còn nhiều trăn trở với trái sầu riêng, nhất là bài học từ câu chuyện của sản phẩm vú sữa Lò Rèn Tiền Giang, từng có thời kỳ được xuất khẩu tới Mỹ. Tuy nhiên, giờ vú sữa Lò Rèn không còn xây dựng được thương hiệu như trên. “Vậy, chúng ta làm sao để trái sầu riêng không đi vào “vết xe đổ” của vú sữa Lò Rèn”, ông Hoan nhấn mạnh điều này cho thấy \"muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”.
“Làm sao để sầu riêng Việt Nam cạnh tranh được với Thái Lan, Malaysia. Các nước này cũng đang nhìn chúng ta đang đi cùng nhau như thế nào. Chúng ta muốn tạo ra nông sản đặc biệt, thì cần những con người đặc biệt trong hệ sinh thái, biết dựa vào nhau, nương tựa nhau, thay vì cạnh tranh, chen chúc nhau”, ông Hoan chia sẻ đây là cách để đưa trái sầu riêng phát triển ở thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng dẫn chứng câu chuyện từ một ngôi làng nghèo nhất trở thành giàu nhất Nhật Bản nhờ trồng xà lách. Thế giới gọi là ngôi làng thần kỳ ở Nhật Bản. Họ thành công vì họ bán niềm tin, bán sức khỏe cho người tiêu dùng, chứ không bán sản phẩm. Ai làm sai quy trình thì bị loại ra khỏi thương hiệu xà lách của làng.
Theo đó, Bộ trưởng Hoan cho rằng cần xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, bắt đầu từ câu chuyện của trái sầu riêng hôm nay. Hình ảnh trái sầu riêng không quan trọng bằng hình ảnh hệ sinh thái tạo ra trái sầu riêng đó. Đó chính là xây dựng thương hiệu.
“Tối nay về, mọi người hãy gác tay lên trán suy nghĩ, mình là một phần của hệ sinh thái sản xuất sầu riêng, chứ không phải làm theo tư duy thương vụ, tư duy chuyến hàng”, Bộ trưởng Hoan chia sẻ.
Theo Vn Business