Một giám đốc hợp tác xã năng động
Ông Hưởng cho biết, trước đây, gia đình ông sống ở ngoại thành Hà Nội. Ngày đó, gia đình rất khó khăn nên xin đi vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Tại đây, gia đình tập trung sản xuất nông nghiệp và bước đầu có cơ ngơi khá. Trong thời gian mua bán nông sản, đi nhiều nơi, ông có dịp đến Khánh Vĩnh. Nhận thấy vùng đất này có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp nên ông quyết định trụ lại nơi đây.
Ông Hưởng chăm sóc vườn bưởi. |
Lúc đầu, ông mua 2ha đất canh tác trồng hơn 500 gốc bưởi, mỗi năm thu về 30 - 40 triệu đồng. Cứ như vậy, tích góp dần, hàng năm ông mua thêm 1-2ha đất liền canh (giáp ranh). Đến năm 2019, ông có trong tay 10ha bưởi da xanh. Không chỉ vậy, ông còn tự nghiên cứu, cải tạo đất hoang hóa, biết dựa theo thế đất, địa hình mà có giải pháp canh tác tương ứng nên trang trại bưởi của ông luôn xanh tốt, là hình mẫu trong vùng. Ông còn mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đầu tư mua máy ủi, máy xúc, xe tải… để phục vụ phát triển sản xuất. Đến nay, tổng tài sản của gia đình ông lên tới 40 tỷ đồng, thu nhập 1 tỷ đồng/năm.
Đã quen với sản xuất kinh doanh từ ngày còn ở Lâm Đồng, ông đầu tư mở cửa hàng bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ người dân miền núi. Điều đáng nói là ông bán vật tư, phân bón theo hình thức trả chậm, cuối năm mới thu tiền. “Tiếng lành đồn xa”, không chỉ xã Khánh Thành mà người dân thị trấn Khánh Vĩnh và các xã lân cận cũng tìm đến mua. Trước tình hình nông sản bị ép giá, tiêu thụ khó khăn, chính quyền huyện, xã, Hội Nông dân đã vận động ông thành lập HTX trồng, thu mua nông sản Khánh Thành với 10 thành viên ban đầu. Bà con không có tiền thì góp đất, tính theo cổ phần và hưởng theo doanh thu của HTX. Hiện nay, HTX có tài sản 30ha, vốn góp 500 triệu đồng, sản phẩm bưởi da xanh của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao, việc canh tác thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Thành viên HTX được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, nông dân ngoài HTX được hướng dẫn tư vấn kỹ thuật, mua vật tư, phân bón theo hình thức trả chậm… Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông sản của nông dân thôn Tà Mơ không tiêu thụ được, ông đã chủ động liên kết với Siêu thị Co.opmart, các tiểu thương trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ hơn 50 tấn bưởi cho nông dân trên địa bàn xã. Ông Cao Quyết - thành viên HTX cho biết: “Không những tìm cách giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, ông Hưởng còn chỉ dẫn cách sản xuất hiệu quả. HTX đã đứng ra thu mua nông sản, đồng thời cho người dân mua nợ, trả sau”.
Ông Hưởng cho biết, định hướng sắp tới của HTX là sẽ phát triển du lịch sinh thái để vừa giới thiệu với du khách phương cách sản xuất, canh tác ở miền núi, vừa tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ làm ra của các trang trại trong vùng.
Ông Văn Ngọc Ân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Thành: Mô hình kinh tế của ông Hưởng không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, tạo việc làm cho lao động địa phương, mà còn là động lực, tạo sức lan tỏa để người dân trong xã học tập, thi đua phát triển kinh tế. Hiện nay, HTX do ông đứng đầu kinh doanh khá hiệu quả, trợ giúp thành viên và người dân kỹ thuật canh tác, đồng thời thu mua nông sản, mở dịch vụ vật tư, phân bón trả chậm. Mới đây, ông Hưởng vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh với thành tích xuất sắc 5 năm thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017- 2022. |
Theo Báo Khánh Hòa Online