Kỳ tích xuất khẩu và thách thức nâng giá trị cho nông sản Việt
Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam gia tăng theo từng năm, vượt mốc 50 tỷ USD. Đó là kỳ tích mà ngành nông nghiệp đã làm được trong khó khăn, nhưng khi đã thành công thì vẫn có những câu hỏi đặt ra cho những người làm nông nghiệp. Đó là làm thế nào để nâng cao giá trị cho nông sản Việt, để đời sống người nông dân thêm khấm khá?
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Nông nghiệp năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu ra rất nhiều nhiệm vụ, trong đó có yêu cầu nhân rộng các mô hình hiệu quả, những cách làm hay để điều chỉnh sản xuất phù hợp, mang lại giá trị gia tăng và thu nhập cho người sản xuất. Đồng thời, phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Bí quyết thu hàng tỷ đồng/ha
Thực tế, ngay tại hội nghị trên, nhiều lãnh đạo địa phương đã chia sẻ những mô hình đang triển khai giúp gia tăng thu nhập của người nông dân gấp nhiều lần. Đơn cử, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nêu bí quyết và hướng đi riêng của nền nông nghiệp tỉnh là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Nhờ cách làm này, giá trị sản xuất trên mỗi ha đất của Lâm Đồng được nâng lên rất cao. Cá biệt, một số vùng trồng hoa có thể đạt tới 3-4 tỷ đồng/ha.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng bên lề Hội nghị Tổng kết ngành nông nghiệp. |
Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng đã phát triển nông nghiệp đa giá trị bằng cách tích hợp giáo dục, du lịch. Riêng du lịch được xem là thế mạnh của Lâm Đồng, hiện địa phương có 3 doanh nghiệp du lịch quốc tế, có thể thu hút từ 1-3 triệu lượt du khách hàng năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của nông nghiệp đạt trung bình 4,56%/năm. Tổng diện tích canh tác nông nghiệp khoảng 300.000 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 63.108 ha.
Lâm Đồng xây dựng được 182 chuỗi liên kết sản xuất an toàn với 18.386 hộ tham gia; sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi đạt hơn 12% sản lượng nông sản toàn tỉnh, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng đạt khoảng 45%...
Ông Phạm S nhấn mạnh, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, xác định mô hình công nghệ, mức độ áp dụng phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng chủng loại cây trồng. Đồng thời, bảo đảm hài hòa giữa hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, cho biết với diện tích hơn 800 ha trồng chè, một trong những mô hình nổi bật của Yên Bái là phát triển vùng chè Shan Tuyết Suối Giàng gắn với du lịch sinh thái.
\"Thông qua mô hình này, tỉnh đã phát huy những thế mạnh về du lịch trải nghiệm để thu hút khách du lịch. Qua đó, năm 2022, số lượng khách du lịch đến với Yên Bái đã tăng gấp 2 lần so với năm 2021. Cụ thể là 1,5 triệu lượt khách”, ông thông tin.
Từ đó, ông Phước đề xuất Bộ NN&PTNT sớm có hướng dẫn việc phát triển dược liệu dưới tán rừng và cho thuê dịch vụ môi trường rừng, phát triển du lịch sinh thái để qua đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân.
Cần nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả
Về phía đại diện doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá năm 2022, ngành thủy sản vượt được “lời nguyền” 10 tỷ USD, xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, giúp Việt Nam củng cố vững chắc vị trí trong tốp 3 các nước xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Kết quả này càng đáng mừng khi 95% số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là doanh nghiệp trong nước. Đây là tỷ lệ rất cao, thậm chí có thể coi là ngược xu hướng với số đông trong nền kinh tế hiện nay khi khoảng 70% số doanh nghiệp xuất khẩu lớn thuộc nhóm FDI. Kỳ tích của ngành thủy sản có được là do doanh nghiệp và hiệp hội đã nỗ lực vượt nhiều rào cản, từng bước mở cửa, chinh phục các thị trường khó tính, kể cả trước khi vào WTO.
“Nhiều nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới hiện lấy Việt Nam làm thước đo, và muốn học hỏi kinh nghiệm vượt qua dịch bệnh của chúng ta”, ông Nam chia sẻ.
Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trực tiếp là Bộ NN&PTNT, VASEP cho rằng doanh nghiệp trong ngành cần duy trì được nội lực, xây dựng, đẩy mạnh các chuỗi liên kết chặt chẽ hơn nữa.
Trước những kết quả mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, qua nhiều thăng trầm, càng ngày ngành nông nghiệp càng trở thành trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế, giúp người dân \"đủ ăn đủ mặc\", mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Bên cạnh những đóng góp, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại của ngành nông nghiệp trong năm 2022. Đó là: Tăng trưởng chưa bền vững; kiểm soát thẻ vàng IUU chưa dứt điểm; một số cơ chế, chính sách chưa sát thực tiễn; ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều; còn chênh lệch về chất lượng phát triển nông thôn mới và sản phẩm OCOP; thu nhập cho lao động ngành nông nghiệp chưa cao...
Bước sang năm 2023, Thủ tướng nhận định bối cảnh thế giới sẽ có nhiều thách thức hơn như: xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa kết thúc, kinh tế toàn cầu suy giảm, khủng hoảng năng lượng, chính sách chống lạm phát của các đối tác lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Dẫn câu thơ: “Núi cao cũng có đường trèo. Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của toàn ngành nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh những người làm việc trong ngành cần quan tâm hơn nữa đến phát triển thị trường song song với quy hoạch vùng nguyên liệu.
Thủ tướng yêu cầu, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm mới, hiệu quả. Thủ tướng lấy ví dụ như các mô hình đưa trái cây lên sườn dốc, trồng cà phê ở các vùng lâu nay không có truyền thống...
Theo VN Business