Tăng nội lực cho HTX từ đổi mới sáng tạo

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Vấn đề đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp hiện nay dường như vẫn bị bỏ ngỏ. Do vậy, người dân, thành viên HTX khó có nền tảng vững chắc để phát triển các chuỗi giá trị từ trang trại đến bàn ăn, qua việc tăng năng suất và chất lượng nông sản.

Ông Bùi Thanh Long, Phó Giám đốc HTX Tùng Dương (Hòa Bình) cho biết, hiện nay, giống mía tím ở địa phương chủ yếu là giống cũ, trồng phân tán. Trong khi đó, các cơ quản quản lý, chính quyền địa phương chưa có phương án cụ thể trong việc nghiên cứu giống, phát triển giống nên việc xuất khẩu loại nông sản này khó có thể thực hiện dài hơi.

Đổi mới sáng tạo còn bị bỏ ngỏ

Tại Phú Yên, HTX nông nghiệp đồng Din đã tạo được chuỗi giá trị dứa từ trang trại đến bàn ăn nhờ liên kết với một số đơn vị liên quan nghiên cứu giống để nhân bản những loại giống chất lượng cao. Qua chọn lọc, khảo nghiệm kỹ càng từ hơn 10 loại dứa, HTX mới tìm được 2 giống dứa tốt nhất để áp dụng đưa vào sản xuất. Ngoài ra, HTX còn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Điều này cho thấy, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo chính là giải pháp đột phá về chất lượng, năng suất cho nông sản, giúp nâng hiệu quả lao động trong nông nghiệp.

Nghiên cứu khoa học và phát triển nông nghiệp chưa thực sự phát triển nên người dân, HTX còn gặp khó khăn trong ứng dụng công nghệ, phát triển chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, hiện nay, Nhà nước đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nông nghiệp chỉ chiếm 0,2% GDP (theo Viện Chính sách lương thực thế giới), trong khi nông nghiệp được xác định là trụ cột của nền kinh tế và đang thu hút 19.384 HTX chuyên ngành.

Điều đó dẫn đến hầu hết các cây trồng, vật nuôi, máy móc phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp đều nhập từ nước ngoài, gây khó khăn cho người dân, HTX trong đầu tư sản xuất vì chi phí cao, chưa thực sự phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương cũng như năng lực sản xuất.

Ngoài ra, do những khó khăn về vốn, đất đai, logistics nên ngành nông nghiệp hiện chưa thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI. Vì vậy, theo các chuyên gia, đầu tư cho đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp còn dư địa rất lớn.

Bà Bùi Hường Bích, Giám đốc HTX Đan Hoài (Hà Nội) cho biết, muốn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa không chỉ cần những nghiên cứu về giống, công nghệ, thị trường mà còn đòi hỏi rất nhiều vốn. Vậy nhưng năng lực của các HTX có giới hạn nên rất cần sự liên kết trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp một cách đồng bộ để HTX có thể mở rộng đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao cũng như tránh phải nhập các loại giống từ nước ngoài nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Khoa học cần gắn với thực tiễn

Thực chất, đầu tư vào đổi mới sáng tạo cho nông nghiệp là đầu tư thông minh vì sẽ giúp ích rất nhiều trong việc mở rộng đầu ra cho nông sản của người dân, HTX và doanh nghiệp.

Ts Nguyễn Việt Tuấn, Bộ Nông nghiệp bang Victoria (Úc) chia sẻ, Úc hiện là một trong những nước đi đầu về phát triển nông nghiệp công nghệ cao với chất lượng nông sản vượt trội. Với nhiều người tiêu dùng Việt, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Úc rất tốt, thậm chí tốt hơn sản phẩm của Nhật hay Mỹ.

Có được điều đó là vì nước Úc không chỉ có diện tích đất đai rộng lớn, thuận tiện cho ứng dụng công nghệ, mà nước này rất quan tâm đến vấn đề đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển trong nông nghiệp.

Chẳng hạn như vấn đề nghiên cứu và phát triển về sữa ở Úc hiện thu hút được nguồn vốn từ nhiều bên liên quan tham gia như Nhà nước, tư nhân, lợi nhuận của Chính phủ và phần trích trực tiếp từ lợi nhuận của sản phẩm.

Ngay như giống bò sữa đều được chọn lọc qua nghiên cứu gen, bởi giống bò tốt sẽ quyết định rất lớn đến quản lý chuồng trại, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sữa, hạn chế ô nhiễm môi trường. Chính vì quan tâm đến nghiên cứu gen bò mà ngành sữa của Úc tăng mỗi năm 5%, mỗi năm sản xuất trung bình 9 tỷ lít sữa.

Vấn đề đặt ra là hiện nay Việt Nam có nhiều ngành, nhiều mặt hàng đứng đầu về xuất khẩu như cà phê, gạo, thủy sản… nhưng chưa thực sự chú trọng vấn đề nghiên cứu đổi mới sáng tạo nên giá trị nông sản chưa cao, lợi nhuận về tay người nông dân, thành viên HTX thấp.

Theo các chuyên gia, hiện ở Việt Nam đã có rất nhiều nghiên cứu nhỏ lẻ trong các trường học nhưng chưa đủ mạnh để tạo bứt phá cho ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, rất cần có những trung tâm lớn để “gom”, lưu trữ những nghiên cứu nhỏ lẻ từ đó tạo thành nguồn dữ liệu phục vụ các đối tượng sản xuất trực tiếp và nghiên cứu sáng tạo.

Bởi theo chia sẻ của nhiều HTX hiện nay, khi muốn tìm hiểu các thông tin khoa học để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất rất khó vì không có địa chỉ cụ thể. Trong khi đó, các thông tin có sẵn, đại trà trên mạng lại không mang lại giá trị cao. Vì vậy, việc có một địa chỉ lưu trữ các dữ liệu về nghiên cứu và phát triển nông nghiệp là rất quý và cần thiết.

Đặc biệt, khi lưu trữ các dữ liệu nghiên cứu sẽ thuận tiện hơn trong việc liên kết các trường, viện nghiên cứu với nông dân, HTX vì người nông dân, HTX là một trong những thành tố quan trọng trong sản xuất và hình thành các chuỗi giá trị. Nhưng hiện nay giữa trường, viện nghiên cứu và HTX vẫn còn khoảng cách rất lớn.

Ngay cả khi các nhà nghiên cứu của trường, viện chuyển giao kỹ thuật với nông dân, HTX cũng rất trừu tượng nên người nông dân, thành viên HTX không hiểu được hết những vấn đề nghiên cứu khoa học, từ đó khó ứng dụng được vào thực tiễn.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, những người làm trong ngành đổi mới sáng tạo về nông nghiệp cũng cần được đào tạo nhằm có thể truyền đạt các nghiên cứu khoa học một cách phù hợp để các thành viên HTX, người nông dân cập nhật nhanh, hiệu quả được những dữ liệu tốt, hiệu quả vào thực tiễn. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học cần gắn với thực tiễn, thông qua các đặt hàng của nông dân, HTX thì mới mang lại tính hiệu quả cao trong ứng dụng.

Theo Ts Nguyễn Việt Tuấn, nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp là một việc lớn nên cần có sự liên kết giữa các ngành để tạo thành dữ liệu liên ngành hay tạo thành chuỗi nghiên cứu và phát triển nông nghiệp từ giống, công nghệ, thị trường… thì mới phát huy hiệu quả. Muốn vậy, cần giải quyết những khó khăn về vốn, đất đai, logistics để thu hút các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn vốn FDI.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội nông nghiệp số Việt Nam cho rằng, hiện Việt Nam có nhiều nông sản có phẩm cấp tốt, không thua kém gì sản phẩm của các nước nhưng chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Nếu đầu tư cho đổi mới sáng tạo được quan tâm thì không chỉ phục vụ tốt cho xuất khẩu mà còn giúp nhiều người Việt Nam được sử dụng sản phẩm bản địa chất lượng tốt do đất nước mình làm ra.

Theo Vn Business