Giá nông sản thấp, HTX đứng ngồi không yên
Không giống như thanh long, sầu riêng… đang được giá, tiêu thụ tốt, một số loại nông sản khác của các HTX lại rơi vào cảnh giá thấp, tiêu thụ khó khăn khiến thành viên, người nông dân đứng ngồi không yên.
Những năm trước, cam sành dù là hàng bán ở chợ cũng thường ở mức từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, giảm nữa thì cũng chỉ xuống khoảng 10.000 đồng/kg. Thế nhưng, năm nay, giá cam tại nhiều chợ chỉ còn 6.000-8.000 đồng (bán buôn) khiến các nhà vườn, HTX \"méo mặt\".
Giá lao dốc, hàng ngoại cạnh tranh
Ngay như cam sành Kiến Vàng (Vĩnh Long) dù bán trên trang điện tử Foodmap loại 7-8 quả/kg cũng chỉ có giá 19.000 đồng/kg, trong khi giá niêm yết trước đó là 50.000 đồng/kg.
Đáng chú ý, mới đây, HTX nông sản hữu cơ Samaki (Vĩnh Long) đã phải có thư ngỏ nhờ các ngành chức năng, doanh nghiệp… hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hành tím Vĩnh Châu.
“Hiện đang là mùa thu hoạch hành tím. Sản lượng của HTX lên đến 200 tấn, giá bán cũng chỉ còn khoảng 27.000-29.000 đồng/kg. Nếu không tiêu thụ kịp thời sẽ hư hỏng, gây thiệt hại kinh tế cho thành viên và người dân”, ông Thái Văn Tùng, Giám đốc HTX Samaki trăn trở.
Hành tím Vĩnh Châu đang vào vụ thu hoạch nhưng đầu ra gặp nhiều khó khăn. |
Việc một số loại nông sản xuống giá, khó bán sau Tết được cho là do việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm của các HTX còn hạn chế. Mặc dù có HTX đã liên kết tiêu thụ được với các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, trang thương mại điện tử… nhưng số lượng tiêu thụ ở những đơn vị này không nhiều vì chủ yếu là bán lẻ.
Ngoài ra, một số loại nông sản như hành, cam, hoa… được đánh giá là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nên được nông dân, thành viên HTX mở rộng diện tích trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, về đầu ra thì đây là những loại nông sản chỉ tập trung bán nội địa. Không những vậy, những mặt hàng nông sản này còn đang phải cạnh tranh với nhiều loại nông sản nhập khẩu có chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả phù hợp với túi tiền của đa số người tiêu dùng.
Chẳng hạn như mặt hàng cam sành của các HTX tuy đã được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng theo đánh giá của các nhà phân phối, hình thức chưa thực sự bắt mắt, vị chua vẫn nhiều. Ngoài ra, cam sành chỉ phù hợp để vắt nước uống tươi, khó đưa vào chế biến công nghiệp vì hạt nhiều nên gặp hạn chế về tiêu thụ. Vì vậy, khi sản lượng lớn sẽ rất dễ bị rớt giá. Trong khi đó, một số loại cam ngoại nhập có giá chỉ nhỉnh hơn một chút nhưng mùi vị, chất lượng đều được người tiêu dùng đánh giá cao hơn, chủng loại cũng đa dạng hơn.
Ông Trần Văn Toản, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thái Bình cho biết, những năm gần đây, các HTX đã chú trọng nâng cao chất lượng nông sản, áp dụng các quy trình sản xuất. Nhưng nhìn chung, chất lượng nông sản vẫn chưa thực sự cao. Ngay như sản phẩm hành tỏi ở huyện Thái Thụy tuy mùi vị mang nét đặc trưng nhưng hình thức vẫn còn chưa đồng đều, chưa thực sự phù hợp và thuận tiện cho sơ chế, chế biến. “Đây cũng là điểm khó trong tiêu thụ của các HTX”, ông Toản chia sẻ.
Cần giải pháp liên kết
Hiện nay, một số thị trường đã mở cửa giúp nông sản của các HTX có đầu ra thuận lợi hơn. Vậy nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, hầu hết thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam gần đây đều nâng cao tiêu chuẩn hàng hóa, ngay cả thị trường Trung Quốc cũng có nhiều thay đổi.
Trong bối cảnh các thị trường lớn như Nhật Bản, EU, Mỹ... vẫn đang phải đối mặt với lạm phát dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm, việc Trung Quốc “mở cửa” chính là cơ hội tốt cho đầu ra của nông sản của các HTX, song đi liền với đó là không ít áp lực.
Những năm gần đây, giải pháp liên kết tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đã được các cơ quan quản lý đề cập và cũng đã được nhiều HTX quan tâm nhằm mở cánh cửa rộng lớn cho đầu ra của nông sản. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế cho thấy, vẫn ít nơi thực hiện thành công mô hình này. Tỷ lệ HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững trên cả nước vẫn còn khiêm tốn và gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy mà nhiều chuỗi giá trị bị \"đứt gánh giữa đường\" hoặc khó mở rộng, phát triển.
Theo các chuyên gia, xảy ra tình trạng này là do doanh nghiệp - một trong những thành tố quan trọng trong chuỗi liên kết nhưng lại không thể bảo đảm bao tiêu toàn bộ đầu ra cho người dân, HTX. Nhiều doanh nghiệp cũng chủ yếu tập trung vào thu mua, sơ chế và xuất khẩu hàng hóa nông sản thô, chưa qua chế biến, không có thương hiệu, nên giá trị thấp, lượng tiêu thụ nhỏ. Trong khi vấn đề đầu ra chính là điều kiện và cơ sở để nông dân, HTX gắn bó bền chặt với chuỗi liên kết.
Để giải bài toán khó này, các chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp trong cùng ngành nên liên kết, hợp tác với nhau nhằm chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trên cùng một vùng nguyên liệu, qua đó bảo đảm tiêu thụ hết hàng hóa cho nông dân, HTX, nhất là đối với những nông sản chưa có điều kiện xuất khẩu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tích cực hơn nữa trong việc liên kết với các HTX trong việc xây dựng các vùng nguyên liệu, các cánh đồng lớn để đưa hàng hóa vào nhiều kênh phân phối trong nước, từ đó tăng tính cạnh tranh với những loại nông sản nhập khẩu, hạn chế tình trạng “giải cứu”.
Tựu chung lại, nếu HTX có vai trò kết nối người dân và doanh nghiệp trong chuỗi thì doanh nghiệp được đánh giá là một thành tố quan trọng trong việc mở đầu ra cho nông sản trong chuỗi giá trị đó. Nhưng nếu các doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực chỉ chăm chăm sản xuất, kinh doanh đơn lẻ và cạnh tranh lẫn nhau thì sẽ nhanh chóng \"thủ tiêu\" chuỗi giá trị hàng hóa.
Bởi dù trong một chuỗi giá trị nhưng vẫn cần rất nhiều doanh nghiệp cùng ngành hàng nhưng ở các lĩnh vực khác nhau (doanh nghiệp cung cấp giống, phân bón, khoa học công nghệ, máy móc, bao bì…) thì mới giúp chuỗi giá trị phát triển bền chặt. Nếu làm được những điều đó sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh của ngành hàng, các đầu mối trong chuỗi, trong đó có cả các HTX. Và các vùng nguyên liệu do các HTX liên kết sản xuất không chỉ đảm bảo các yếu tố về lượng và chất để phục vụ xuất khẩu mà còn phục vụ ngay chính thị trường 100 triệu dân trong nước.
Theo VN Business