Nông dân thu tiền tỷ từ đồi rừng ở Đăk Hà
Suýt soát đã gần 40 năm theo cha mẹ vào huyện Đăk Hà (Kon Tum) lập nghiệp, ông chủ vườn cà phê, cây ăn trái, Đỗ Văn Phương đã có trong tay sản phẩm OCOP cà phê bột 3 sao, hằng năm thu tiền tỷ từ đất đồi rừng .
Anh Đỗ Văn Phương, chủ cơ sở chế biến cà phê bột, xã Đăk Ma, huyện Đăk Hà tỉnh Kon Tum, cho biết, anh theo bố mẹ vào Kon Tum lập nghiệp từ năm 1984. Năm 1987, làm công nhân Nông trường cà phê Đăk Uy 3.
Làm giàu từ cà phê sạch
Tuy nhiên, có một thời gian gián đoạn, do phải nhập ngũ 2 năm 6 tháng ở Sư đoàn 10 Kon Tum. Tháng 6/1992, anh Phương được xuất ngũ và trở về làm công nhân cà phê. Năm 2004, Tổng Công ty Cà phê cổ phần hoá, nhường lại một số diện tích cho công nhân. Vì vậy, anh và gia đình đã có 6 ha đất đồi rừng, trong đó có 4ha cà phê và 2 ha cao su. Chưa dừng lại ở đó, anh còn tự nghiên cứu, chế biến ra sản phẩm tinh để nâng cao giá trị sản phẩm.
Sau nhiều năm, vừa trồng, vừa nghiên cứu đầu ra bền vững cho cây cà phê, nhằm thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đến năm 2020, cơ sở của anh Phương đã có cà phê OCOP 3 sao. Do đầu ra đang rộng mở, anh còn hướng dẫn người dân sản xuất sạch, và thu mua cho bà con, để đáp ứng nguồn cung thị trường.
Theo đó, tính đến thời điểm này, cà phê và các loại cây ăn trái của anh Phương đã có mặt trên khắp thị trường cả nước. Nhất là trái bơ, đã có chỗ đứng ổn định ở thị trường Hà Nội, bình quân 3 – 4 tấn quả tươi/năm; giá cả dao động từ 20 – 30.000 đồng/kg.
Đặc biệt, 4 ha cà phê của gia đình, thường xuyên thu về 15 tấn nhân/năm với giá 43.000 đồng/kg, doanh thu 645 triệu đồng, trừ chi phí (trên 200 triệu đồng), thu 400 triệu đồng lãi ròng/năm. Bình quân mỗi năm xuất khẩu 10 tấn cà phê bột, tương đương 1,4 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lãi ròng 700 triệu đồng. Trái mãng cầu giá 14.000 đồng/kg, bình quân 1 tháng xuất 200kg. Doanh thu 168 triệu đồng/năm, trừ chi phí 68 triệu đồng, thu lãi 100 triệu đồng/năm...
Ngoài ra, anh Phương còn có thu nhập từ các sản phẩm khác như: Cây cao su 200 triệu đồng/năm (trừ chi phí 50 triệu đồng), lãi ròng 150 triệu đồng/năm.
Đáng ghi nhận, bà con Việt kiều về quê ăn Tết đã mua các sản phẩm của cơ sở anh để làm quà rất nhiều, nhất là những quốc gia như: Mỹ, Nhật, Malaysia... Được biết, ngoài các sản phẩm thế mạnh nói trên, anh Phương đang tiếp tục nghiên cứu sản phẩm thứ 3, đó là trà chùm ngây.
“Hiện, mong muốn của cơ sở là được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, để bà con trong nước và kiều bào nước ngoài, tiếp cận sản phẩm của Đăk Hà nhiều hơn. Đem lại lợi nhuận ngày càng cao, xứng đáng là huyện nông nghiệp trọng điểm của Kon Tum” – anh Phương cho biết thêm.
Nỗ lực đạt OCOP 3 sao
Ông Bé Kiêu, Giám đốc Tổ hợp tác (THT) Cà phê bền vững xã Đăk Ma, cho hay: Anh Phương là thành viên của Tổ hợp tác 5 năm nay. Hiện, THT có trên 200 thành viên, đã có sản phẩm OCOP 3 sao. Tham gia THT các thành viên được hướng dẫn cách chăm sóc, thu hái, bảo quản, và tiêu thụ sản phẩm.
\"Nhiều năm trở lại đây, chúng tôi đã hạn chế sử dụng thuốc BVTV, chuyển sang hướng chăm sóc sạch, thuần thiên nhiên, an toàn cho sản phẩm và môi trường\", ông Kiêu nói.
Các sản phẩm OCOP của các HTX trên địa bàn huyện Đăk Hà ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. |
Đồng thời, THT đang xúc tiến tìm đầu ra bền vững cho trái cà phê, đến các địa phương trong và ngoài nước. Hiện, đã có dự án làm đường bê tông trong lô cà phê, cho các thành viên, để tiện việc thu hái, và chăm sóc cây. Hướng dẫn bà con trồng cây ăn trái, cây dâu tằm để tăng thêm thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùa, Chủ tịch UBND xã Đăk Ma, cho biết: Nhiều năm trở lại đây, mảng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương, tăng dần về số lượng và quy mô sản xuất.
Nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư, chế biến cà phê thành phẩm, với nhiều chủng loại. Đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, được bình chọn sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, huyện. Đáng ghi nhận là các HTX, THT đã chủ động nắm bắt thông tin, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Cà phê nhân, tinh bột sắn đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế, góp phần không nhỏ trong việc ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế của địa phương.
Cũng theo bà Thùa, toàn xã hiện có 03 cơ sở chế biến cà phê thành phẩm, chủ yếu là cà phê bột nguyên chất, được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn, tin dùng. Hiện, diện tích thực hiện chỉ tiêu ứng dụng công nghệ cao như cây cà phê, cây ăn quả và các loại rau màu đạt 100% (cây cao su khoảng 70%). Chủ yếu, đưa giống mới vào sản xuất; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ; giảm dần phân bón hóa học. Bảo vệ và quản lý dịch hại theo nguyên tắc (IPM), thực hiện tốt chương trình (ICM); sử dụng giống cây trồng chất lượng cao….
Đặc biệt, bà con Đăk Hà đã được sử dụng điện ba pha trong sản xuất; ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; tưới phun mưa; mô hình nhà màng. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh, thâm canh, xen canh tăng vụ, tạo nên nền nông nghiệp tăng trưởng ổn định, bền vững. Môi trường sinh thái, sản phẩm nông sản đảm bảo chất lượng, nhất là cà phê Đăk Hà xứng tầm quốc tế.
“Thực tế, địa phương cũng đã hướng dẫn nhân dân thực hiện tái canh cà phê theo hướng sản xuất hữu cơ; tiêu chuẩn Viet GAP, UTZ. Công tác trồng mới, tái canh cà phê theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Sử dụng các giống cà phê mới như TR4, TR5, TR9, TRS1; giống có khả năng chống chịu điều kiện bất lợi của khí hậu; kháng bệnh gỉ sắt , và cho năng suất ổn định, chất lượng tốt.
Đồng thời, duy trì việc thành lập đoàn liên ngành của xã, tăng cường kiểm tra chất lượng thu hái cà phê, tại các hộ dân trên địa bàn, các cơ sở thu mua cà phê để chấn chỉnh. Hạn chế việc thu hái, thu mua cà phê xanh, nâng cao tỷ lệ quả chín, đảm bảo chất lượng sản phẩm”, bà Thùa cho biết thêm
Theo VN Business