HTX tạo điểm tựa xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang
Những năm qua, tỉnh Hà Giang ngày càng có nhiều HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Các HTX trở thành cầu nối gắn kết sản xuất, thúc đẩy tam nông, tạo điểm tựa xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Một trong những điểm sáng nổi bật là HTX sản xuất rau an toàn Học Lập (thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên), sản xuất rau an toàn trên diện tích 2ha, ứng dụng nhà lưới hiện đại, với nhiều loại cây trồng cho giá trị cao như dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột Nga, dưa Lưới xanh, dưa Kim Cô Nương...
Vai trò tiên phong của HTX
Nhờ sản xuất sạch, HTX Học Lập hiện đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, doanh thu bình quân đạt trên 550 triệu đồng/năm. Tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.
Với những điểm sáng nổi bật như HTX Học Lập, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Vị Xuyên thời gian qua có những chuyển biến tích cực. Dù là xã vùng cao đặc biệt khó khăn, nhưng thu nhập của người dân liên tục được nâng lên, hiện đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.
Tương tự, ở Hoàng Su Phì cũng có nhiều điểm sáng kinh tế hợp tác trở thành điểm tựa trong xây dựng nông thôn mới. Điển hình như HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên.
Những đóng góp của HTX đang thúc đẩy xây dựng nông thôn mới ở Hà Giang (Ảnh minh họa: Nguyễn Phương). |
Để nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè Shan tuyết, HTX Phìn Hồ đã mở rộng quy mô sản xuất, tiến hành liên kết với trên 500 hộ trồng chè ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán. Đồng thời, đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ sản xuất, nâng công suất từ 4 tấn chè tươi lên 15 tấn/ngày.
Với việc thu mua chè búp tươi của các hộ dân lên đến 15 tấn/ngày cùng với giá thu mua khá cao, HTX Phìn Hồ đã giúp người dân trồng chè trong khu vực yên tâm sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè.
Ở quy mô toàn tỉnh, đến nay cả tỉnh có 812 HTX, với tổng số thành viên trên 22.000 người. Tổng số tổ hợp tác trên 1.400 với hơn 21.000 thành viên. Hoạt động của các HTX đã tác động, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán.
Các HTX cũng đang góp phần tăng giá trị sản phẩm, thu nhập và tạo việc làm cho thành viên và người lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt khoảng 38 triệu đồng/người/năm.
Chìa khóa cho nông thôn mới
Năm 2023, tỉnh Hà Giang đặt mục tiêu hoàn thành 136 tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó 65 tiêu chí thuộc 35 xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2025 và 71 tiêu chí thuộc các xã khác.
Tỉnh cũng quyết tâm nâng cao chất lượng 47 xã đạt chuẩn và phấn đấu công nhận thêm 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025…
Để hoàn thành mục tiêu trên, bên cạnh huy động cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc, công tác phát triển và thúc đẩy vai trò của kinh tế hợp tác, HTX được tỉnh Hà Giang đặc biệt quan tâm. Theo đó, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng phát triển HTX cả về số lượng và chất lượng.
Các địa phương chủ động gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế hợp tác, HTX bền vững, năng động, hiệu quả trong giai đoạn mới.
UBND tỉnh cũng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường hỗ trợ các HTX, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ, triển lãm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, các địa phương được khuyến khích thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện kết nối cho các doanh nghiệp và HTX liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh, khuyến khích các HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao... góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân trên địa bàn.
Có thể thấy, với sự quan tâm đặc biệt trong phát triển kinh tế hợp tác, HTX, tỉnh Hà Giang đang rất quyết tâm với mục tiêu xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, thực chất, lấy chất lượng cuộc sống và sự hài lòng của người dân làm thước đo thành quả.
Cùng với công tác thúc đẩy kinh tế hợp tác, HTX, để hoàn thành các mục tiêu nông thôn mới tầm nhìn 2025, tỉnh Hà Giang đang phát động phong trào “Hà Giang chung sức xây dựng Nông thôn mới”; lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; huy động và bố trí tối đa nguồn lực của địa phương.
Tỉnh cũng dự kiến đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho “tam nông”; triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế; tăng cường tập huấn cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới cấp huyện, xã để kịp thời nắm bắt các văn bản chỉ đạo, chính sách mới của giai đoạn 2021 - 2025 và triển khai hiệu quả ở cơ sở.
Theo VN Business