HTX thủy sản phát huy vai trò hạt nhân trong bảo vệ môi trường

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Chủ nhật, 24/11/2024 ]

Hiện nay, các HTX chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Bắc Ninh có vai trò quan trọng không chỉ đối với việc gia tăng sản lượng vật nuôi và thủy sản, mà còn cải thiện đời sống, giúp tái tạo và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhiều HTX đã chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

HTX thủy sản và Dịch vụ tổng hợp An Thịnh (xã Phù Lãng, huyện Quế Võ) đang khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tại địa phương. HTX đang hướng đến mô hình chăn nuôi tập trung, bảo đảm môi trường sống, đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên.

Nâng cao nội lực

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc HTX cho biết, tham gia HTX đã giúp các thành viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất, xây dựng quy chế hoạt động sản xuất của các hộ trong vùng nuôi, thống nhất về bảo vệ môi trường nguồn nước, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời, quản lý tốt chất lượng nguồn giống, thức ăn, thuốc nuôi trồng thủy sản, các chế phẩm sinh học, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nuôi thủy sản... Hệ thống hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản từng bước được cải tạo và nâng cấp, tạo thuận lợi cho sản xuất.

Nhiều HTX ở Bắc Ninh đã chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

Trong hoạt động chăn nuôi, HTX luôn chủ động, tìm tòi kỹ thuật nuôi, học hỏi kinh nghiệm từ các HTX bạn, thông qua đó áp dụng đúng và đủ các kỹ năng đã thu nhận được, do vậy việc chăn nuôi diễn ra khá thuận lợi.

Vật nuôi chủ yếu của HTX là lợn, sau đó là cá, gà, vịt và cá sấu. Vì nuôi thả với số lượng lớn nên hằng ngày, HTX luôn phải sát sao theo dõi từ nguồn nước, nguồn thức ăn cho tới việc vệ sinh chuồng trại luôn được sạch sẽ, tạo môi trường thông thoáng, hạn chế dịch bệnh.

Đặc biệt, đầu năm 2020, HTX đã mở rộng thêm trang trại, nuôi thêm cá sấu, đến nay đã nâng tổng số lên 250 con. Do tận dụng được lượng cá dư thừa hoặc cá chết và cá không đủ tiêu chuẩn để xuất bán làm thức ăn cho cá sấu, từ đó có thể tiết kiệm chi phí cho HTX, đồng thời xoay vòng được lượng thức ăn thừa trong HTX, đặc biệt là không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Do trang trại của HTX có diện tích khá lớn, xung quanh là ruộng canh tác của bà con trong xã, nên HTX đã bổ sung thêm các máy lọc nước vừa phun tạo oxy cho cá vừa làm sạch môi trường sống xung quanh.

“Để phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, trong tương lai, HTX An Thịnh sẽ đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp, HTX và người tiêu dùng, tập trung nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm hạn chế rủi ro, dịch bệnh… Có như vậy, HTX An Thịnh mới thực sự là \"hạt nhân\" để tập hợp các nông dân cùng nhau liên kết, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người sản xuất. HTX với đặc thù là mô hình chăn nuôi trang trại, nhưng muốn thành công thì phải có kiến thức, quyết tâm dám nghĩ, dám làm. Không những vậy, muốn tồn tại và phát triển thì cần phải chủ động nắm bắt thị trường, đặc biệt là tạo ra được sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường ”, ông Chí cho hay.

Ông Nguyễn Văn Bảng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quế Võ đánh giá HTX An Thịnh là đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, huyện đang đẩy mạnh xây dựng mô hình, đưa một số giống thuỷ sản mới cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao vào thâm canh, gắn với các hoạt động giáo dục, du lịch sinh thái, tham quan và bảo vệ môi trường.

Để HTX phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện cũng đã có các chính sách khuyến khích việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện để HTX giải quyết bài toán về quỹ đất nhằm mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nuôi trồng thủy sản, gắn với môi trường sinh thái.

Nỗ lực hành động vì môi trường

Với những mô hình chăn nuôi thủy sản hiệu quả, HTX nuôi trồng thủy sản Minh Tiến (xã Trung Kênh, huyện Lương Tài) đã và đang tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường tại địa phương.

Giám đốc Đỗ Văn Lên cho biết, ngay từ khi thành lập, tôn chỉ hoạt động của HTX Minh Tiến là “phát huy vai trò của tập thể để nâng cao thu nhập của các thành viên”.

Vì vậy, HTX trực tiếp đứng ra tổ chức sản xuất, phát triển sản xuất an toàn, xây dựng chuỗi giá trị, đồng thời tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, tìm kiếm hợp đồng liên kết từ doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm với giá ổn định cho các hộ thành viên.

Để phát triển bền vững, bên cạnh đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật, HTX chú trọng phát triển sản xuất sạch, đảm bảo quy trình sản xuất VietGAP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt là chất lượng nguồn nước.

“HTX có khoảng 200 lồng cá với nhiều loại cá chất lượng cao, trong quá trình sản xuất, thành viên HTX được tập huấn kỹ thuật trước và sau mỗi vụ, thường xuyên cập nhật các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Quá trình sử dụng thức ăn chăn nuôi, vận hành máy móc được HTX kiểm soát chặt chẽ, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học để nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, Giám đốc Đỗ Văn Lên nhấn mạnh.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh đánh giá, trong điều kiện diện tích nuôi trồng thủy sản ngày càng bị thu hẹp do tốc độ đô thị hóa và phát triển công nghiệp, ngành thủy sản đang nỗ lực tái cơ cấu sản xuất để xứng với tiềm năng, lợi thế từng vùng, từng địa phương.

Các HTX đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, quản lý môi trường, phòng trị bệnh vào áp dụng rộng rãi.

Phương thức nuôi trồng thủy sản có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất thâm canh cao, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất (sử dụng chế phẩm sinh học, máy quạt nước tạo oxy tự động, hệ thống đóng, mở tự động…), làm giảm sức lao động, cá nuôi năng suất cao, không xảy ra dịch bệnh lớn, chất lượng sản phẩm được cải thiện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong và ngoài tỉnh.

Một số công nghệ nuôi cá thâm canh, siêu thâm canh mới như: Công nghệ nuôi cá sông trong ao; Biofloc, nuôi tuần hoàn ít thay nước… được triển khai mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá trong sản xuất thuỷ sản do các công nghệ này có ưu điểm quản lý tốt môi trường, dịch bệnh, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Ngoài ra, việc thực hiện quan trắc định kỳ hàng tháng các chỉ tiêu môi trường nước như oxy, độ pH, nhiệt độ tại các vùng nuôi trồng thủy sản được lấy thường xuyên để phân tích chỉ tiêu dịch bệnh, chỉ tiêu môi trường nuôi nhằm cảnh báo tác nhân gây hại tại khu vực nuôi cá để có hướng dẫn xử lý môi trường và phòng trị bệnh hiệu quả”, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường thông tin.

Theo VN Business