Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm giàu từ chuối tiến vua
Mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích cà phê già cỗi và cây trồng kém hiệu quả sang chuyên canh giống chuối Laba (còn gọi là “chuối tiến vua”), nhiều nông hộ ở Lâm Đồng đã thay đổi cuộc sống, thu nhập ngày càng khá hơn. Cùng với đó, việc phát triển các HTX đã giúp gia tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập người nông dân.
Tháng 10/2018, HTX Laba Banana Đạ K\'Nàng, huyện Đam Rông được thành lập với mục tiêu liên kết với nhiều nông hộ, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số để trồng chuối. Bên cạnh việc hỗ trợ cung cấp nguồn giống, quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, HTX đảm bảo bao tiêu đầu ra sản phẩm ổn định cho bà con. Không chỉ giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, mà còn từng bước vươn lên làm giàu.
Nông dân đổi đời nhờ liên kết với HTX
Đến nay, HTX đã liên kết với hơn 80 nông hộ, trong đó gồm 60 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người dân nơi đây đã làm giàu nhờ trồng chuối Laba.
HTX đã giúp gia tăng giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập người nông dân. |
Đến năm 2023, HTX tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất chuối Laba, nâng số hộ liên kết từ hơn 80 hộ lên 120 hộ, quy mô sản xuất 300 ha với sản lượng 7.500 tấn/năm, tỷ lệ xuất khẩu chiếm 80% sản lượng.
Hiện, 100% diện tích của các hộ liên kết với HTX đều thực hiện theo quy trình GlobalGAP. Đối tác Nhật Bản đầu tư 2 tỷ đồng gắn chip kết nối với điện thoại thông minh để theo dõi, điều khiển quy trình canh tác, đảm bảo sản lượng và chất lượng chuối xuất khẩu. Cùng với thị trường Nhật Bản, chuối Laba cũng chinh phục thành công thị trường Trung Quốc và Trung Đông.
Song song đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân tại địa phương, thời gian qua, HTX Laba Banana Đạ K\'Nàng đã triển khai tem truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ cao trong trồng chuối góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cũng như bảo vệ thương hiệu và quyền lợi người tiêu dùng. Đây cũng là hành trình để sản phẩm này được công nhận thương hiệu OCOP 5 sao của tỉnh Lâm Đồng.
Ông Bùi Minh Tua, một trong các nông hộ tiên phong chuyển đổi 5 ha cà phê già cỗi sang trồng chuối Laba liên kết với HTX Laba Banana Đạ K’Nàng cho biết, tất cả nông hộ đều có thể tiếp cận và áp dụng hiệu quả quy trình kỹ thuật sản xuất chuối Laba sau khi được HTX chuyển giao.
Trồng chuối rất ít tốn công so với trồng cà phê hoặc một số loại cây khác. \"Với diện tích khoảng 3.000 m2, đầu tư khoảng 50 triệu đồng tiền phân bón, nước tưới, mỗi bụi chuối mẹ đẻ từ 3-5 cây con. Từ mùa thu hoạch thứ 2, trung bình mỗi bụi chuối đạt khoảng 150 kg quả. Nếu thuận lợi, người trồng thu được khoảng hơn 500 triệu đồng/năm\", ông Tua tính toán.
Chị Kon Sơ Ka Hương, dân tộc K\'Ho cũng tham gia trồng chuối Laba, chia sẻ: “Trên khu vườn 1ha cà phê trồng hơn 20 năm, gia đình tôi xen canh 1.000 cây chuối Laba, từ khi liên kết với HTX Laba Banana Đạ K’Nàng gia đình tôi bán được thấy nhiều tiền hơn cây cà phê, từ đó cuộc sống cũng ổn định hơn”.
Gia đình chị Đặng Thị Phương, dân tộc Dao cho biết, khi mới bắt đầu chuyển đổi 5.000 m2 cà phê để xuống giống trồng chuối Laba thì đã có người phụ trách kỹ thuật của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng trực tiếp xuống nơi chỉ cách làm. Rồi đến công đoạn tưới nước, bón phân, tỉa cành, bao phủ buồng chuối để ngăn côn trùng xâm nhập, cắt buồng chuối xuống thu hoạch… cũng đều có kỹ thuật viên của HTX hướng dẫn.
Vững chắc vươn xa
Còn với chị K’Hồng, ở thôn Pul, xã Đạ K’Nàng, trước đây khi chưa có HTX, chị phải đi làm công cho các hộ dân ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà. Làm ngày nào hưởng ngày đó nên thu nhập không ổn định. Từ khi về làm việc tại đây, chị được Ban lãnh đạo HTX quan tâm tạo điều kiện làm việc trong môi trường cạnh tranh, mỗi tháng được nghỉ 4 ngày, làm thêm giờ được tính theo công.
“Bình quân mỗi tháng, lương ổn định từ 7 - 8 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn nhằm bảo đảm cuộc sống cho gia đình, nuôi con ăn học”, chị K’Hồng nói.
Có thể thấy, mô hình HTX đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt, HTX đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, nhất là đối với lao động người dân tộc thiểu số.
Theo anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX, ngoài hợp đồng ràng buộc, HTX đầu tư cho các nông hộ liên kết 50% nguồn vốn về giống, vật tư, phân bón, kỹ thuật canh tác và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch với giá ấn định trước, HTX thu mua xô với giá 5.500 đồng/kg và giá thành phẩm là 8.000 đồng/kg. Về phía nông hộ phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình canh tác theo hướng dẫn, từ khâu thu hoạch đúng quy cách, số lượng và tiêu chuẩn theo cam kết.
Phương thức hạch toán hợp đồng trong 3 năm, nông hộ chăm sóc đúng kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế từ 300 - 350 triệu đồng/ha/năm, gấp 6 - 7 lần so với trồng cà phê.
“Với nguồn thu nhập này, hiện đang mang lại niềm vui hạnh phúc cho rất nhiều nông hộ tham trồng chuối”, anh Phương chia sẻ.
Cũng theo Giám đốc Nguyễn Huy Phương, năm nay, HTX tiếp tục mở rộng nhà xưởng từ 6.000m2 lên 10.000m2, trong đó đầu tư khoảng 5 tỷ đồng trang bị mới dây chuyền sơ chế, chế biến chuối Laba thương phẩm, bột chuối Laba, chuối Laba sấy khô, nguyêu liệu sợi chuối Laba và sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Nhà xưởng giải quyết việc làm cho khoảng 100 người; trong đó, 70% là người dân tốc thiểu số đang sinh sống tại địa phương.
HTX tiếp tục duy trì sản lượng chuối Laba xuất khẩu sang Nhật Bản 6.000 tấn, Trung Quốc khoảng 300 tấn; đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu mới đến các thị trường Hàn Quốc (khoảng 600 tấn), Malaysia (khoảng 400 tấn), Mỹ (40 tấn)…
Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, ông Trương Hữu Đồng cho rằng, bước phát triển đột phá của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng đã góp phần chuyển dịch hiệu quả cơ cấu cây trồng ở địa phương, nâng cao nhận thức và thu nhập cho người dân.
Theo VN Business