Khát vọng nâng chất nông thôn mới ở Mỹ Xuyên
Xuất phát điểm với nhiều khó khăn thách thức, song với những chiến lược phát triển bài bản, huyện Mỹ Xuyên trở thành một trong những lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Sóc Trăng, với nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, kinh tế Mỹ Xuyên có nhiều khởi sắc, trong đó cây lúa và thủy sản được coi là thế mạnh của địa phương. Với sự tham gia tích cực của các HTX, doanh nghiệp, các chuỗi nuôi trồng và chế biến nông thủy sản đang chinh phục cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Phát huy các thế mạnh
Mỹ Xuyên đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp với trọng tâm là duy trì mô hình tôm - lúa bền vững và phát triển thành mô hình lúa thơm - tôm sạch đem lại nhiều hiệu quả.
Huyện xây dựng được các mô hình sản xuất lúa tập trung với các giống lúa đặc sản, lúa chất lượng cao ST25 được thị trường thế giới ưa chuộng; sản xuất rau đạt chứng nhận VietGAP; trồng màu trong nhà lưới, chăn nuôi bò sữa trang trại đạt chứng nhận GlobalGAP…
Toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị các loại nông sản của địa phương. Năm 2021, năng suất lúa bình quân 6,15 tấn/ha, sản lượng 149.920 tấn/năm; sản lượng nuôi trồng thủy sản 47.271 tấn/năm, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó chú trọng phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX luân canh tôm - lúa. Trong đó, HTX Nông ngư Hòa Đê (xã Hòa Tú 1) là một mô hình tiêu biểu đã thực hiện rất thành công mô hình tôm - lúa.
Mỹ Xuyên đang nhân rộng thành công nhiều mô hình kinh tế điểm, hiệu quả cao (Ảnh: Tích Chu/BST). |
Được sự hỗ trợ từ nhiều chương trình, dự án, HTX Hòa Đê thực hiện sản xuất tôm – lúa theo hướng VietGAP. Đặc biệt, 3 năm gần đây, HTX đã ký kết hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ với một doanh nghiệp trên tổng diện tích 15 ha, dần hình thành chuỗi giá trị.
Bình quân, mỗi ha nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa có lãi bình quân 15 - 20 triệu đồng khi thu hoạch. Những năm có tỷ lệ tôm đạt loại 1 (từ 10 - 15 con/kg) cao thì mức lãi lớn hơn.
Mô hình của HTX Hòa Đê là hướng đi mới của vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên nhằm nâng cao giá trị con tôm, cây lúa, góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện.
HTX Sản xuất lúa cao sản tại ấp Phô Nô Cam Phôth (xã Tham Đôn) cũng là một trong những điển hình trong sản xuất kinh doanh của huyện. Hiện, HTX có 31 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất trên 80 ha.
Sự ra đời của HTX đã giúp thành viên, các hộ dân liên kết có điều kiện tương trợ vốn, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất để giảm rủi ro, nâng cao năng suất, chất lượng và uy tín của sản phẩm.
HTX cũng đang thực hiện liên kết với các công ty, doanh nghiệp để cung ứng vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân địa phương.
Hiện thực hóa tiềm năng
Bên cạnh lúa và tôm, ngành nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên cũng nhân rộng thành công nhiều mô hình sản xuất điểm, tạo điểm tựa thoát nghèo, làm giàu cho người dân.
Như các tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa của xã Tham Đôn, Đại Tâm và Thạnh Phú thực hiện liên kết tiêu thụ sản lượng sữa bò với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) có lợi nhuận bình quân 30.000 đồng/con/ngày (7.100.000 đồng/con/năm), từ đó giúp nhân dân có việc làm, ổn định đời sống.
Chính những thành công trong phát triển nông nghiệp giúp Mỹ Xuyên từ một huyện nghèo trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được công nhận huyện nông thôn mới vào năm 2019.
Ông Đặng Văn Phương, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên, cho biết trong năm 2022, huyện được phân bổ trên 21 tỷ đồng để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Kết quả năm qua giải ngân đạt 79,80%. Với gần 7,8 tỷ đồng, Mỹ Xuyên đã triển khai hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, nước sinh hoạt phân tán, xây dựng mô hình nuôi bò, đầu tư hạ tầng, phát triển giáo dục đào tạo.
Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với nguồn vốn giao là gần 2 tỷ đồng, Mỹ Xuyên đã triển khai mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ việc làm, cùng nhiều dự án khác. Kết quả, năm 2022, toàn huyện giảm 215 hộ nghèo, toàn huyện hiện chỉ còn 1,17% hộ nghèo, hộ cận nghèo còn 4,09%.
Qua 12 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Mỹ Xuyên đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2019 và đến nay có 7/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm qua, từ nguồn vốn được phân bổ cho chương trình mục tiêu này trên 11,5 tỷ đồng, huyện đã giải ngân đạt gần 96%.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng để đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Phấn đấu duy trì và nâng chất lượng 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có ít nhất 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Xác định cơ sở hạ tầng là nền tảng vững chắc tạo đột phá quan trọng trong thu hút đầu tư, huyện Mỹ Xuyên đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng.
Đến nay, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn… cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Đặc biệt, tuyến đường trục phát triển từ thành phố Sóc Trăng qua cầu Dù Tho đến vùng kinh tế trọng điểm tôm - lúa của tỉnh.
Mỹ Xuyên cũng định hướng lấy nông nghiệp là nền tảng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Qua đó, tạo thế và lực xây dựng huyện Mỹ Xuyên phát triển nhanh, toàn diện.
Theo VN Business