HTX 'mở đường lớn' cho nông sản xuất khẩu
Để phát triển bền vững, không thể mãi đi theo con đường tiểu ngạch. Các HTX, vùng canh tác cần nhanh chóng đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, sẵn sàng “mở đường lớn” cho những mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch, cho giá trị kinh tế cao.
Năm 2022, xã Phước Tân (Phú Riềng, Bình Phước) có 2 HTX trồng sầu riêng được lựa chọn làm hồ sơ và kiểm tra trực tuyến về cấp mã số vùng trồng. Trong đó, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát đã được phê duyệt của Tổng cục Hải Quan Trung Quốc (GACC) đối với mã số vùng trồng được xuất khẩu chính ngạch.
Chinh phục “con đường lớn”
Việc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát được cấp “vé thông hành” vào đất nước tỷ dân có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh Bình Phước và huyện Phú Riềng.
Ông Nguyễn Xuân Hòa - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX cây ăn trái Nông Thành Phát, chia sẻ: “Chúng tôi rất vui vì sau 4 năm nỗ lực, nay đã có kết quả như mong đợi. Đây là động lực để thành viên, nông dân liên kết của HTX cùng nhau cố gắng, quyết tâm duy trì bền vững”.
Được biết, HTX cây ăn trái Nông Thành Phát thành lập từ 2019 với 22 thành viên, đến nay phát triển lên 35 thành viên. HTX hiện quản lý hơn 70 ha sầu riêng, trong đó một nửa diện tích đang kinh doanh, còn lại trong giai đoạn kiến thiết, có năng suất trung bình 20 tấn/ha.
Để có được thành quả hiện tại, HTX đã phải mất 4 năm nỗ lực không ngừng, từ tiêu chuẩn hóa quy trình sản xuất đến ứng dụng khoa học – kỹ thuật bài bản, tạo ra những sản phẩm chất lượng vượt trội.
Các HTX cần nhiều nỗ lực và sự hỗ trợ thiết thực hơn để chinh phục các thị trường xuất khẩu chính ngạch. |
Sau khi đạt được, việc duy trì và giữ “vé thông hành” xuất khẩu chính ngạch cũng là thách thức đối với các thành viên HTX Nông Thành Phát. Theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật, để giữ vững mã vùng trồng, trước kỳ thu hoạch 30 ngày, HTX phải hoàn thiện hồ sơ để đánh giá lại toàn bộ hoạt động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn mã vùng trồng để duy trì hiệu lực của mã vùng trồng.
“Với các tiêu chuẩn ngặt nghèo, thành viên HTX luôn phải nắm rõ quy trình, tuân thủ thực hiện và hợp tác với cơ quan chức năng để duy trì mã số vùng trồng”, Giám đốc HTX Nguyễn Xuân Hòa nói.
Bên cạnh sầu riêng, từ ngày 1/7/2022, chanh dây cũng là một trong những loại quả được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Đây là cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho nông dân, HTX, doanh nghiệp và cả các bộ ngành, cơ quan quản lý.
Theo bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Tia Sáng (TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông), vài năm qua, giá chanh dây khá ổn định, mỗi ha chanh dây, người trồng thu lời khoảng 200-300 triệu đồng/năm, giúp người trồng yên tâm sản xuất, bảo đảm nguồn nguyên liệu cho HTX.
Trước đây, HTX chủ yếu xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm chanh dây sang Hàn Quốc. Còn về thị trường Trung Quốc, HTX phải xuất khẩu qua đơn vị trung gian đến từ Lào, Campuchia. Do qua khâu trung gian, nên chi phí xuất khẩu vào Trung Quốc rất lớn, làm giảm lợi ích kinh tế của nông dân.
\"Chanh dây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân, HTX. Thị trường Trung Quốc cũng không đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng chanh dây và đây là cơ hội lớn cho bà con Đắk Nông\", vị đại diện HTX Tia Sáng chia sẻ.
Thúc đẩy nâng cao sản xuất
Có thể thấy, để có được “vé thông hành” vào thị trường chính ngạch của các quốc gia hàng đầu thế giới, các HTX đã phải nỗ lực rất lớn. Nhưng để nâng cao vị thế, dù có khó khăn hơn, các HTX vẫn nên làm và bắt buộc phải để hóa giải “lời nguyền” được mùa, mất giá.
Thực tế chỉ ra, không chỉ thị trường Trung Quốc, các thị trường tiềm năng của nông sản Việt Nam như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN… cũng ngày càng “khó tính”.
Đơn cử, vào đầu tháng 6/2022, UBND tỉnh Bến Tre đã làm việc với Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, đại diện các HTX về việc chuẩn bị lô hàng bưởi da xanh đầu tiên xuất sang thị trường Hoa Kỳ.
Để vượt qua các bài kiểm tra, quả bưởi phải đạt 3 tiêu chuẩn chính gồm: Vùng trồng đạt tiêu chuẩn được phía Hoa Kỳ ủy quyền cấp mã số vùng trồng; nhà máy đóng gói phải được chuyên gia phía Hoa Kỳ cấp mã số; sản phẩm phải được chiếu xạ tại nhà máy được cấp mã số đạt chuẩn.
Trước các yêu cầu nghiêm ngặt của đối tác, phía doanh nghiệp xuất khẩu đã phải hình thành chuỗi liên kết, phối hợp với 5 HTX sản xuất bưởi da xanh theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên địa bàn tỉnh Bến Tre để bảo đảm vùng nguyên liệu cũng như chất lượng sản phẩm.
Một trong những HTX đầu tàu liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu là HTX Bưởi da xanh Bến Tre. Hiện, HTX đang có hơn 100 ha bưởi được thành viên tuân thủ nghiêm túc các quy tắc trong sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ, thân thiện môi trường.
Dự kiến, sản lượng bưởi của HTX lên đến 65 tấn mỗi tháng. Bưởi sau khi thu hoạch sẽ được sơ chế, đóng gói ngay tại khu phức hợp đa chức năng của HTX. Chất lượng sản phẩm của HTX được đảm bảo xanh, sạch, an toàn nhờ áp dụng sản xuất hiện đại, tuân thủ tuyệt đối quy định về vệ sinh thực phẩm.
Trong bối cảnh các thị trường ngày càng “khó tính”, ngành nông nghiệp nói chung và các HTX nói riêng cần nhanh chóng chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường, tạo ra những sản phẩm vừa đẹp về mẫu mã vừa an toàn về chất lượng.
Để không đánh mất cơ hội, bản thân các HTX, doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi cách tiếp cận, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Trước hết là phải chuẩn hóa được vùng nguyên liệu và truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh sự nỗ lực của HTX, doanh nghiệp, cũng cần thêm các cơ chế, chính sách thiết thực hơn từ các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị dễ dàng hơn trong việc tổ chức lại sản xuất, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường…
Theo Tạp Chí điện tử kinh doanh