Chìa khóa giúp HTX 'thoát bẫy' chi phí đầu vào tăng, nâng cao giá trị sản xuất
Chi phí đầu vào luôn là một mệnh đề nan giải đối với các HTX, doanh nghiệp và nông dân trên cả nước. Để ứng phó, nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao cho thấy hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động.
Nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ An Phú Thịnh, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai là một trong những HTX điểm ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên về sản xuất an toàn, chú trọng khoa học - kỹ thuật nhằm giảm thiểu chi đầu vào, làm giàu cho thành viên, người lao động.
Làm sạch để giảm chi phí
Ông Phạm Được, thành viên HTX An Phú Thịnh, cho hay trước đây HTX chủ yếu trồng lúa nước nên gặp nhiều khó khăn, tình trạng lạm dụng thuốc hóa học, phân bón vô cơ khiến môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chi phí đầu vào đội lên, lợi nhuận theo đó cũng liên tục giảm xuống.
Chỉ đến khi chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hoạt động sản xuất của HTX mới dần khởi sắc. HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh định kỳ hàng năm. Đặc biệt, việc tuân thủ sản xuất hữu cơ, VietGAP giúp thành viên giảm 50 - 70% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Đến nay, nhờ hoạt động ổn định, HTX đang trở thành điểm tựa cho 20 hộ nông dân liên kết sản xuất rau theo hướng VietGAP, thu nhập bình quân 65-100 triệu đồng/năm. HTX tập huấn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm với giá phù hợp và cao hơn thị trường để kích thích nông dân sản xuất bền vững.
Với hơn 2.000 m2 nhà lồng ươm rau giống, mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường hàng triệu cây giống chất lượng cao. Hiện, HTX đang mở rộng diện tích sản xuất rau lên 5 ha, đồng thời đẩy mạnh liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ trên diện tích hàng chục ha.
HTX cần hướng tới sản xuất sạch, hữu cơ để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất. |
Đáng chú ý, cùng với mô hình hoa, rau công nghệ cao của HTX An Phú Thịnh, xã An Phú đang dự kiến xây dựng mô hình làng hoa gắn với hình thức du lịch canh nông. Đây là hướng đi được kỳ vọng sẽ tạo thu nhập ổn định cho người dân, đồng thời thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.
Tương tự, để giúp các thành viên, hộ liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất cây cà phê, tự tin thoát nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh, xã Glar (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình hữu cơ.
Hiện nay, HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh liên kết với 36 hộ dân triển khai mô hình vườn chuyển đổi canh tác theo quy trình hữu cơ với diện tích gần 70 ha. Mô hình không những giúp cho các vườn cà phê ổn định năng suất, nâng cao chất lượng mà còn tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
“HTX cam kết thu mua cho người dân cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg nhân xô. Hiện tại, HTX đã xây dựng được sản phẩm cà phê mang thương hiệu Slar Land Coffee và được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP năm 2020”, đại diện HTX nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh cho hay.
Bắt nhịp xu thế hiện đại
Những thành công của các HTX trong chuyển đổi sản xuất theo hướng an toàn sinh học đang chứng minh \"giảm chi phí, nâng chất lượng\" là hoàn toàn có tính khả thi. Và, trong bối cảnh gánh nặng chi phí, vật tư đầu vào đang đè nặng như hiện nay, sản xuất xanh rõ ràng là “lối thoát hiểm” nhanh nhất.
Đáng chú ý, bên cạnh những cuộc cách mạng trong thực hành sản xuất (GAP), thời gian qua, khi giá phân bón và vật tư nông nghiệp tăng vọt, chi phí đầu vào đội lên cao, nhiều HTX đang triển khai sản xuất theo đơn đặt hàng nằm trong chuỗi cung ứng thay vì sản xuất đại trà.
Đơn cử như HTX Cao Nguyên Coffee, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Trước đây, các thành viên của HTX đa phần chỉ sản xuất, nhưng với xu thế hội nhập, để tạo động lực sản xuất kinh doanh, từ năm 2022 HTX bắt đầu mở thêm kênh phân phối, liên kết với các HTX, doanh nghiệp cùng lĩnh vực.
Đến nay, HTX đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 10 đơn vị tại tỉnh Kon Tum. Nhờ những chuyển đổi trong tư duy sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xây dựng chuỗi giá trị, HTX đã có những bước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, điển hình như yến sào tăng 10 lần, sâm dây, cà phê tăng 2-3 lần.
Ông Đào Ngọc Thuận, Chủ tịch HĐQT HTX Cao Nguyên Coffee, cho biết hiện tất cả các thành viên thuộc HTX đã chuyển sang bán hàng trên Shopee, Lazada, nền tảng Facebook, Zalo...
Có thể thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngành nông nghiệp đang phải đối diện với rất nhiều thách thức. Chính vì vậy, để nâng cao sức cạnh tranh, giảm áp lực chi phí đầu vào tăng cao, các HTX không còn cách nào khác là phải thay đổi tư duy sản xuất, đi theo hướng nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Các chuyên gia cũng nhận định nông nghiệp xanh là nền nông nghiệp sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, để làm được điều này, các HTX cần phải thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đảm bảo hài hòa trên 3 trụ cột là kinh tế, xã hội và môi trường.
Các HTX cũng cần đổi mới tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng lực triển khai, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong nước trong việc sử dụng các sản phẩm nông sản xanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng, công bố các tiêu chuẩn xanh và công nhận các nguyên liệu xanh, hỗ trợ xây dựng các HTX, mô hình liên kết phát triển các ý tưởng, sản phẩm xanh, hướng tới hình thành hệ sinh thái kinh tế nông thôn.
Theo VN Business