HTX ‘hái trái ngọt’ với công nghệ cao
Được mệnh danh “thủ phủ” cây công nghiệp, nhưng những năm gần đây, huyện Bắc Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) đang đẩy mạnh nguồn lực phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, với nòng cốt là những HTX, tổ hợp tác.
Nhằm giúp người dân địa phương phát triển bền vững các loại cây có múi, những năm qua, Bắc Tân Uyên đã chủ động hỗ trợ các HTX trồng trọt thực hiện mô hình VietGAP, cải thiện môi trường sinh thái, qua đó nâng tầm trái cây có múi, làm giàu cho nông dân.
Chuyển biến toàn diện
HTX Cây ăn trái Tân Mỹ (xã Tân Mỹ) đang là một trong những điểm sáng về ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt ở Bắc Tân Uyên. Nhờ đi đúng hướng, năng động, nắm vững công nghệ, nhiều sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh với thứ hạng cao, điển hình như bưởi da xanh đạt 4 sao, bưởi đường lá cam đạt 3 sao, dưa lưới đạt 3 sao.
Đáng chú ý, để đảm bảo thị trường tiêu thụ, tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, HTX đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị uy tín.
Hiện, HTX xuất số lượng lớn trái cây cho hệ thống siêu thị Co.opmart. Tại thời điểm thuận lợi, sản phẩm của HTX còn xuất khẩu đi nước ngoài. Doanh thu của thành viên thời điểm cao nhất đạt 1-2 tỷ đồng/tháng đối với vườn lớn.
Để có được thành công như hiện tại, đại diện HTX cho biết, đơn vị chủ động đầu tư, hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Đồng thời, HTX cũng đẩy mạnh ứng dụng hệ thống tưới tự động, quy trình làm hàng, đóng gói sản phẩm để giảm chi phí lao động. Đơn cử, đối với dưa lưới, HTX trồng trên giá thể xơ dừa, bón phân hữu cơ kết hợp nước tưới tiêu từ nguồn nước suối nên vị của dưa lưới rất thơm, ngọt.
Nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên đang \"hái trái ngọt\" nhờ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại (Ảnh: BBD). |
Nếu HTX Tân Mỹ có thế mạnh về trồng cây ăn trái thì HTX Nhân Đức (xã Hiếu Liêm) lại là điển hình ứng dụng công nghệ cao trong cả trồng trọt và chăn nuôi.
Hiện, HTX đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng hệ thống 3 trại gà lạnh gồm trại hậu bị, trại đẻ và trại ấp. Tại thời điểm thị trường ổn định, mỗi tháng HTX thu về 300 triệu đồng.
Để đảm bảo tiêu thụ, HTX đã ký hợp đồng dài hạn với Công ty TNHH CJ VINA, giá trị hợp đồng hơn 9 tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực trồng trọt, HTX đầu tư trồng 58 ha cây ăn trái có múi như bưởi, cam, quýt, hiện đạt trên 12 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, nhờ chú trọng sản xuất hữu cơ, HTX đã được công nhận, cấp thương hiệu logo cam, bưởi hữu cơ USDA Jarkartan – Hà Lan hồi năm 2018. Điều này đã giúp trái cây hữu cơ của HTX được đưa đi giới thiệu và tiêu thụ ở các cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Chất lượng và sản lượng vườn cây ăn trái có múi của HTX Nhân Đức luôn được nâng cao nhờ tận dụng được lợi thế về nguồn nước từ sông Đồng Nai, cộng với đất đồi cao rất thích hợp cho cây có múi, hạn chế được ngập úng, lại được xử lý cho ra trái nghịch vụ…
Góp phần vào việc tham gia xoá đói giảm nghèo và phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, hàng năm HTX tạo việc làm thường xuyên cho từ 35 - 50 nhân công trong xã Hiếu Liêm.
Đồng hành phát huy thế mạnh
Có thể thấy, khoa học công nghệ đang là chìa khóa giúp các HTX trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên giảm bớt chi phí lao động, nâng cao sản lượng sản phẩm, từ đó gia tăng giá trị sản xuất cho nông dân, thúc đẩy kinh tế địa phương.
Không chỉ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sản phẩm thế mạnh là cây có múi, huyện cũng đang chú trọng phát triển các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao khác, như nấm bào ngư, chuối sứ, dưa lưới... và đã mang lại kết quả khả quan.
Trong lĩnh vực chăn nuôi xuất hiện mô hình chăn nuôi gà, vịt công nghệ cao khép kín, điển hình như trang trại gà lạnh của HTX Nhân Đức, nuôi vịt trên cạn ở xã Lạc An và Đất Cuốc…
Đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 100 trang trại trồng trọt, với tổng diện tích khoảng hơn 1.400 ha; hơn 60 trang trại, gia trại chăn nuôi, trong đó có 28 trang trại hoạt động theo mô hình trại lạnh, khép kín, hơn 250 ha diện tích sản xuất đạt chuẩn VietGAP và hữu cơ.
Dù có nhiều chuyển biến tích cực, song để thực sự phát huy hết thế mạnh, các HTX nói riêng và người dân vẫn cần thêm nhiều chính sách đồng hành của địa phương, nhằm giải quyết các khó khăn về vốn, quỹ đất và nhân lực trình độ cao.
Ông Nguyễn Huỳnh Thanh, Phó Giám đốc HTX Hùng Thuận (xã Tân Định) cho biết: “Để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một cách đồng bộ từ đầu tư giống đến sản xuất, chế biến đến đầu ra sản phẩm cần nguồn vốn lớn. HTX mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”.
Với những đòi hỏi từ thực tế, ông Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Tân Uyên cho hay, nhằm khuyến khích các HTX sản xuất theo hướng công nghệ cao, tỉnh có nhiều nguồn vốn ưu đãi như: Nguồn vốn từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương, Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn huyện...
Để tiếp cận nguồn vốn, các doanh nghiệp, HTX cần xây dựng phương án phù hợp. Hàng năm, ngành nông nghiệp huyện cũng tổ chức nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy bảo đảm việc tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan mở các lớp tập huấn áp dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân.
Theo VN Business