HTX vận tải khách trước áp lực cạnh tranh với xe trá hình

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ bảy, 23/11/2024 ]

Các HTX chở khách đường dài, liên tỉnh đang đối mặt với cảnh đìu hiu, vắng khách một phần là do thời gian qua xuất hiện nhiều xe bỏ bến ra ngoài chạy dù, hay các loại xe đón trả khách tận nơi xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy, đến bao giờ cơ quan quản lý mới tìm ra lời giải cho bài toán quản lý xe chở khách liên tỉnh?

Từng nhiều năm vận chuyển khách bằng các tuyến cố định nhưng những năm gần đây, HTX vận tải ô tô Đông Hà (Quảng Trị) luôn phải đối mặt với tình trạng ít khách trong khi để duy trì các xe này mỗi tháng, HTX phải tốn rất nhiều loại chi phí khác nhau.

Cầm cự, ăn đong

Nguyên nhân được các thành viên nêu ra là do xe của HTX phải xuất phát và kết thúc lộ trình theo đúng tuyến quy định, phải vào bến xe đón khách nên không thể cạnh tranh với các loại xe dù, xe đón trả khách tận nơi nhưng không vào bến.

Quan sát ở gần các bến xe khách lớn tại Hà Nội đều có thế thấy, tình trạng xe khách trá hình phát triển rầm rộ gây ắc tắc giao thông, đảo lộn thị trường vận tải khách liên tỉnh cố định. Nhiều HTX vận tải khách liên tỉnh đầu tư chỉn chu, làm ăn chân chính bị dồn ép đến hoạt động khó khăn vì khách hàng thưa vắng. Trước thực trạng này, nhiều người từng là thành viên HTX đã quyết định rút vốn để tham gia cuộc đua xe dù, bến cóc nhằm tìm kiếm sự tồn tại.

Thực tế hiện nay, nhiều HTX vận tải đứng ra cung cấp, hỗ trợ thành viên thông qua các khâu dịch vụ như đăng ký lưu hành, bến bãi, luồng tuyến, thực hiện các nghĩa vụ thuế, xử lý rủi ro. Còn thành viên tự quản lý phương tiện vận tải và góp vốn bằng xe nên khi thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều HTX rất khó giữ chân thành viên.

Nhiều HTX vận tải xe khách liên tỉnh phải chật vật tìm khách.

Đi liền với đó là do đón trả khách tại các bến xe cố định, vị trí bến xe hiện không thuận lợi cho hành khách di chuyển. Việc này khiến xe khách liên tỉnh tuyến cố định không thể thu hút khách bằng những xe làm dịch vụ đưa đón tận nơi, hay xe khách trá hình.

Trong đó, để duy trì hoạt động, các HTX chạy xe khách liên tỉnh tuyến cố định phải đóng rất nhiều khoản phí, thuế lên đến 6-7 triệu/đồng/tháng. Còn các xe dù, xe trá hình vừa không phải đóng các loại thuế, phí vừa được tiếng là “thuận tiện” nên dễ thu hút khách.

Hiện nay, xe khách trá hình đã hoạt động rộng khắp và trở thành trào lưu. Còn những HTX vận tải, đơn vị làm ăn chân chính vẫn cố gắng bám trụ trong các bến xe, tuân thủ đúng các quy định pháp luật thì "sống" chật vật từng ngày.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch HTX Vận tải Thăng Long (Hà Nội) cho biết, làm đúng luật thì lại khó tồn tại, còn người làm sai lại càng phát triển. Nếu kéo dài tình trạng này, thành viên HTX ngày càng nản lòng và HTX cũng khó có thể trụ vững.

Bao giờ thoát cảnh teo tóp?

Việc cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa xe vận tải khách tuyến cố định với các xe cóc, xe dù được cho là bắt nguồn từ khi ngành chức năng có quy định xe hợp đồng dưới 10 chỗ sẽ không phải báo cáo danh sách hành khách về Sở giao thông vận tải địa phương trước khi thực hiện chuyến đi. Đi liền với đó là quy định cho phép xe hoán cải từ 16 chỗ xuống dưới 10 chỗ được vận chuyển khách theo hợp đồng.

Từ đó, các loại xe đón, trả khách tận nơi, xe trá hình xuất hiện ngày càng nhiều và cạnh tranh trực tiếp với xe khách tuyến cố định. Sau nhiều năm, loại hình vận tải này đã chiếm lĩnh thị trường và gây hậu quả nặng nề cho những đơn vị xe khách tuyến cố định, làm nhiễu loạn thị trường.

Ông Ngô Phước Minh, Giám đốc HTX vận tải Tân Tiến (Trà Vinh) cho biết, quy định pháp luật hiện hành đã tạo ra những kẽ hở giúp các loại xe trá hình, xe cóc, xe dù phát triển và bóp nghẹt ngành vận tải khách. Nếu các ngành chức năng không xem xét lại các quy định hiện nay thì sẽ tạo ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, trong đó có việc tính mạng, quyền lợi của hành khách không được bảo vệ.

Nếu cứ tiếp tục cạnh tranh không lành mạnh như vậy thì không chỉ các HTX trong bến thiệt thòi và chết dần chết mòn mà ngay cả Nhà nước cũng thất thu.

Bởi khi hoạt động đúng quy định, các xe đều phải nộp các loại thuế phí như giá dịch vụ xe ra vào bến, VAT, tiền thuê quầy bán vé… Số tiền này được thu và nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhưng đối với các xe chạy bên ngoài, không vào bến thì Nhà nước sẽ mất khoản thu này. “Tính ra số tiền Nhà nước thất thu mỗi năm không hề nhỏ ”, ông Minh chia sẻ.

Việc cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh vận tải ngày càng trở nên quyết liệt, gay gắt. Chính vì vậy, việc đầu tiên là các ngành chức năng cần xem xét lại những quy định hiện hành. Đi liền với đó, bản thân các HTX vận tải cũng cần tiếp tục đổi mới cách làm, tăng khả năng cạnh tranh bằng chất lượng phương tiện và dịch vụ.

Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho thành viên HTX vận tải vay vốn đổi mới phương tiện với lãi suất ưu đãi nhằm tạo động lực phát triển cho HTX vận tải hành khách trong điều kiện nhiều khó khăn như hiện nay.

Theo VN Business