Nông thôn mới thời công nghệ số
Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và các HTX sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại. Việc ứng dụng chương trình chuyển đổi số sẽ giúp cho các HTX, doanh nghiệp ứng dụng, tạo ra nhiều cơ hội trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Mô hình hay, cách làm mới
Quảng Nam phấn đấu đến năm 2025, ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số.
Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân. |
Ít nhất 70% xã có các HTX, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
“Ứng dụng công nghệ số được xem là chìa khóa mở ra tương lai mới cho khu vực HTX, chấm dứt mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị kéo dài suốt nhiều năm nay. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự phát huy thế mạnh trong xây dựng NTM, cần sự kết hợp của cả chính sách và trình độ dân trí nhằm bảo đảm chuyển đổi số thành công”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.
Nhận thức chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong xây dựng NTM, HTX nông nghiệp Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc đã nỗ lực số hóa dữ liệu, sử dụng các công nghệ số, dùng mạng internet để tra cứu thông tin mùa vụ, thời tiết, sâu bệnh hại, thổ nhưỡng, giống cây trồng, con vật nuôi, cập nhật kiến thức sản xuất nông nghiệp.
Ông Trương Cảm, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết, sản phẩm “Gạo an toàn Ái Nghĩa” và “Bánh tráng Đại Lộc” đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm của HTX đã được bán ở các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini, Sunfood Đà Lạt, siêu thị Big C Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh...
Sản phẩm được hoàn thiện đầy đủ hệ thống tem, mã vạch, truy xuất nguồn gốc với quy trình sản xuất an toàn. HTX cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa và số hóa hình thức tiêu thụ sản phẩm như bán hàng online thông qua Facebook page, Zalo, các sàn thương mại điện tử như Voso, Lazada, Shopee; sử dụng các app Viettelpost, giaohangtietkiem, Vietnampost để giao sản phẩm cho khách hàng.
“Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích, cơ hội cho HTX, song khó khăn, thách thức cũng rất lớn. Việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật đòi hỏi nguồn lực lớn, nên công nghệ, hạ tầng còn thiếu đồng bộ, thiếu nhân lực trẻ, chất lượng sản phẩm chưa thực sự ổn định, do đó rất cần đầu tư phần mềm, cũng như sự hỗ trợ, tiếp sức từ các cơ chế, chính sách của Nhà nước”, ông Trương Cảm nói.
Công cụ đắc lực cho HTX
Theo ông Trương Cảm, sự khác biệt của kết quả chuyển đổi số này đến từ việc chủ động thay đổi tư duy, mạnh dạn tiếp cận công nghệ và trang bị máy móc.
Việc chuyển đổi số trong xây dựng NTM cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hơn nữa, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng.
|
Hiện, 90% quy trình sản xuất bánh tráng thương hiệu Đại Lộc do HTX nông nghiệp Ái Nghĩa sản xuất được thực hiện bằng máy móc, từ vo gạo đến xay bột, tráng bánh, máy định hình quy cách, đóng gói, hút chân không, in thời hạn sử dụng; chỉ còn một công đoạn duy nhất là đưa bánh tráng vào bao là phải sử dụng bằng thủ công. Ông Trương Cảm cho biết, khi HTX nông nghiệp Ái Nghĩa đầu tư 2 máy hút chân không, thời gian sử dụng sản phẩm bánh tráng tăng lên gấp 4 lần.
Theo ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX ghi dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế, tạo sự lan tỏa ở nông thôn, đáp ứng tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM.
Đặc biệt, những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế tập thể, HTX đã có bước phát triển mới về số lượng, hiệu quả, nâng cao các loại hình dịch vụ, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn.
HTX cũng đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên HTX nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ trong tổ chức sản xuất để tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Để thực hiện quá trình xây dựng NTM gắn với quá trình chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu lưu ý các HTX cần tích cực xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành đảm bảo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” và kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu của bộ, ngành trung ương, của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, tự động hóa quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, xây dựng nhật ký điện tử, số hóa dữ liệu vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.
“Việc chuyển đổi số trong xây dựng NTM cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai hơn nữa, qua đó hỗ trợ tích cực các HTX, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng NTM, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.
Theo VN Business