Nâng tầm HTX dược liệu để tham gia vào chuỗi giá trị tỷ đô
Với nguồn dược liệu dồi dào, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành "cứ điểm" xuất khẩu dược liệu ra thị trường toàn cầu với giá trị hàng tỷ đô. Để không bỏ lỡ cơ hội, các HTX cần thay đổi cả về tư duy sản xuất đến khả năng tiếp cận kỹ thuật và thích ứng thị trường.
Những năm qua, HTX Tâm Ngọc (Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) đã dành rất nhiều tâm sức để trồng cây dược liệu, cây ăn quả trên diện tích 13 ha, tuân thủ quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo sinh kế ổn định cho hàng chục thành viên và người lao động.
Hiệu quả kinh tế cao
Chị Trần Thị Thuần, Giám đốc HTX Tâm Ngọc, chia sẻ nhờ sự nỗ lực vượt mọi khó khăn, HTX quyết định chọn những giống cây thảo dược như cà gai leo, cỏ ngọt, đinh lăng nếp, dã cam thảo… để làm sinh kế cho các thành viên.
Hiện tại, 41 thành viên của HTX dù có hoàn cảnh và khuyết tật khác nhau nhưng tất cả đều được sắp xếp công việc phù hợp với khả năng và sức khỏe, để ai cũng thấy mình còn có ích cho gia đình và xã hội.
Nhờ sự nỗ lực của bản thân mỗi thành viên, cộng hưởng với sự quan tâm, chia sẻ của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, thu nhập của thành viên HTX Tâm Ngọc hiện đạt trung bình từ 3,5 - 10 triệu đồng/người/tháng, 70% số hộ đã thoát khỏi hộ nghèo.
Cần sự hỗ trợ mạnh hơn để HTX tham gia vào chuỗi sản xuất dược liệu có tiềm năng tỷ đô tại Việt Nam (Ảnh: IT). |
“HTX đang phát triển thêm các loại cây thảo dược có giá trị kinh tế cao như trà hoa vàng, đinh lăng hoa vàng… để tạo thêm nhiều việc làm, hỗ trợ nhiều người khuyết tật hơn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống thành viên”, Giám đốc Trần Thị Thuần chia sẻ.
Cũng đang có những thành công tích cực từ trồng cây dược liệu, HTX Dịch vụ Hoa Trung (phường Bắc Sơn, TP. Phổ Yên, Thái Nguyên) hiện có 10 ha trồng cây đinh lăng, với 2 sản phẩm chính là trà đinh lăng và cao đinh lăng.
Ông Phạm Văn Hoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho hay, HTX bắt đầu trồng đinh lăng từ năm 2016, đến năm 2018 có sản phẩm đầu tiên là trà đinh lăng Hoa Bàng; năm 2019, cao đinh lăng Hoa Bàng cũng được sản xuất thành công. Cả hai sản phẩm của HTX đều được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, đạt danh hiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Thái nguyên năm 2020.
Nếu áp dụng đúng kỹ thuật, kinh phí mỗi ha cây đinh lăng trồng mới là 180 triệu đồng, sau 4 năm cho thu hoạch khoảng 2 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất thì cho thu nhập đạt từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài các sản phẩm từ cây đinh lăng, hiện nay, HTX đang sản xuất thêm 4 sản phẩm mới là: Cao xạ đen, cao xương khớp, cao chữa bệnh mỡ máu, men gan cao và trà xạ đen.
Cách nào nâng tầm?
Rõ ràng, các HTX đang phát huy tốt thế mạnh trồng cây dược liệu tại địa phương, gia tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Tuy nhiên, để nâng tầm quy mô, tạo ra giá trị cao hơn, nhất là hướng tới thị trường xuất khẩu với giá trị tỷ đô, đòi hỏi cả thời gian và cách làm mới.
Giới chuyên gia cho rằng, để ngành dược liệu Việt Nam trở thành ngành kinh tế lớn, là mảng xuất khẩu có thể thu về hàng tỷ đô, cần phải khẩn trương phát triển các chuỗi sản xuất gắn với chế biến thay vì chỉ chế biến thô có hiệu quả thấp.
Đặc biệt là cần thu hút các doanh nghiệp lớn ở trong nước và quốc tế rót vốn đầu tư nhằm hình thành các trung tâm sản xuất, chế biến dược liệu có quy mô lớn. Ở trong chuỗi sản xuất này, các HTX cần thay đổi cách làm để trở thành cầu nối cho doanh nghiệp và người sản xuất.
Đơn cử như với cây dược liệu sâm Ngọc Linh - được ví là “quốc bảo” của Việt Nam, đang được kỳ vọng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa sâm Việt ra thị trường thế giới để có thể cạnh tranh ngang ngửa với ngành sản xuất sâm của Hàn Quốc.
Để kỳ vọng biến thành thực tế, theo đại diện UBND tỉnh Quảng Nam, cần tiếp tục duy trì phát triển có hiệu quả các HTX trồng sâm, cũng như có thêm các cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ sâm.
Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Trần Bảo Minh, Phó chủ tịch HĐQT Nutifood, cho biết Việt Nam là một quốc gia rất hấp dẫn trong mắt các nước phương Tây về kho tàng thảo dược thiên nhiên cũng như các bài thuốc bí truyền từ xa xưa để lại. Mục tiêu xa hơn nữa là xây dựng thương hiệu các sản phẩm thảo dược Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Việc nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp quốc tế là tín hiệu tốt nhằm hút “đại bàng” về làm tổ, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và xuất khẩu dược liệu của Việt Nam.
Hơn thế nữa, việc thúc đẩy xuất khẩu dược liệu cũng được mong đợi sẽ tạo điều kiện cho nhiều HTX dược liệu lớn mạnh lên thêm. Điều này đòi hỏi tính liên kết tốt giữa các HTX (vốn đang đóng vai trò nòng cốt trong việc trồng cây dược liệu ở nhiều địa phương trong cả nước) với các doanh nghiệp lớn theo chuỗi giá trị từ trồng trọt, sản xuất, chế biến cho đến xuất khẩu.
Theo VN Business