Làm gì để có những HTX 'triệu đô'?
Không khó để tìm thấy những HTX có quy mô chục tỷ, trăm tỷ đồng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Nhưng để nhân rộng các điển hình, giúp các mô hình kinh tế hợp tác trở thành điểm tựa để nông dân làm giàu, cần sự nỗ lực nhiều hơn từ các HTX cũng như chính sách hỗ trợ.
Báo cáo của Liên minh HTX Việt Nam cho hay, hiện nay 12% dân số trên thế giới là thành viên trong hơn 3 triệu HTX, đóng góp 10% GDP của thế giới. Các HTX cung cấp việc làm cho 280 triệu thành viên và người lao động trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hàng triệu người đang thoát nghèo nhờ HTX.
Nhiều điểm sáng
Trong khi đó, theo báo cáo Giám sát HTX Thế giới, top 300 HTX và tổ chức tương hỗ lớn nhất toàn cầu đạt tổng doanh thu 2.146 tỷ USD. Nhiều HTX khẳng định vị thế lớn mạnh, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp, tạo ra hàng nghìn việc làm thu nhập cao.
Điển hình, ở Mỹ, quốc gia này đã đưa hạt hạnh nhân thành nông sản chiếm 1/3 thị phần thế giới thông qua HTX Blue Diamond. Thông qua các trang trại quy mô lớn trồng hạnh nhân, HTX này đã liên kết đầu tư theo chuỗi giá trị từ trồng, thu hoạch, sơ chế, chế biến đến phân phối tiêu thụ.
HTX Blue Diamond đã giúp khoảng 7.600 hộ trồng hạnh nhân có kinh tế ổn định và sản xuất kinh doanh loại cây này thuận lợi từ đầu vào đến đầu ra.
Cần sự chung tay của nhiều bên, với cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn để nhân rộng các HTX có doanh thu triệu USD. |
Hay tại New Zealand đã đưa quả kiwi thành thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hơn 3.000 nông trại trồng kiwi đã liên kết thông qua mô hình HTX kiwi Zespri từng có doanh thu là 3,9 tỷ đô la New Zealand (NZD) nhờ nghiên cứu và phát triển các giống kiwi hình thành chuỗi giá trị bền vững thông qua việc ký kết phát triển với doanh nghiệp.
Điểm đặc biệt ở các HTX Blue Diamond và HTX Zespri là mô hình này đảm nhận vai trò sản xuất và xuất khẩu nông sản. Hay hiểu cách khác, muốn sản xuất và xuất khẩu hiệu quả, phải thông qua đầu mối là mô hình HTX.
Còn ở Việt Nam, các mô hình HTX làm được như Blue Diamond hay Zespri chưa có, nhưng không hiếm các HTX tiêu biểu có doanh thu hàng chục tỷ đồng như HTX bưởi da xanh Bến Tre (Bến Tre), HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (Đồng Nai); HTX miến Việt Cường (Thái Nguyên)…
Cách nào nhân rộng?
Chẳng hạn, dù vẫn còn những biến động của nền kinh tế, năm 2023, số lượng đơn hàng của HTX miến Việt Cường ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đang tăng mạnh. Trong quý I/2023, HTX sản xuất không kịp đáp ứng nhu cầu mua hàng.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc HTX miến Việt Cường cho biết, với sự hỗ trợ của Bưu điện tỉnh Thái Nguyên, từ năm 2021 HTX đã bắt đầu đưa 4 sản phẩm chính là miến dong, miến tỏi đen, miến sắn dây và miến khoai lang lên giới thiệu trên sàn thương mại điện tử .
Những sản phẩm kinh doanh trên nền tảng số đã giúp Việt Cường tăng gấp đôi doanh số bán hàng. Năm 2022, lần đầu tiên, HTX miến Việt Cường cán mốc doanh thu 20 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2020.
Rõ ràng, các HTX có doanh thu \"triệu đô\" ở Việt Nam không hiếm, nhưng cần thừa nhận phần lớn HTX có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên gặp khó khăn về vốn, áp dụng công nghệ, thị trường, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...
Để nâng tầm quy mô, theo chuyên gia, các HTX phải liên kết được với những thành phần kinh tế khác để phát huy hết sức mạnh. Trong đó, HTX cần liên kết mạnh hơn với doanh nghiệp để xây dựng chuỗi.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt, để nông sản thâm nhập được các thị trường khó tính và để người dân sống được với những loại nông sản mà mình đang theo đuổi thì điều kiện tiên quyết là phải phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng cao, đi liền với sản xuất theo chuỗi giá trị, đầu tư cho chế biến sâu.
Ngoài ra, để có nhiều hơn các HTX triệu USD, tỷ USD, bên cạnh sự nỗ lực của HTX trong đổi mới tư duy, hoàn thiện sản xuất, kết nối xây dựng chuỗi, thì thời gian tới, cần có các cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn. Trước hết là nhanh chóng “cởi trói” các rào cản về vốn, đất đai, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực…
Ông Huỳnh Đăng Khoa, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp (Trà Vinh), cho rằng để HTX phát triển, sự quan tâm của các cấp chính quyền là điều quan trọng. Hiện, các chính sách về phát triển HTX đã có nhưng khi triển khai đến các cấp ở địa phương lại bị chậm dần. Điều này làm bản thân HTX khó phát triển, khó mở rộng sản xuất trong nền kinh tế thị trường.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới nêu rõ, mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 14.000 tổ hợp tác, 45.000 HTX.
Năm 2045, phấn đấu thu hút 20% dân số tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác. Có ít nhất 3 HTX của Việt Nam lọt vào top 300 HTX lớn nhất thế giới do Liên minh HTX quốc tế công nhận. Để làm được điều này, cần sự chung tay của nhiều phía, trước hết là sự nỗ lực của các HTX, cùng với đó là điểm tựa bứt phá từ cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Theo VNBUSINESS