Từng bước xóa bỏ chính sách 'cho không' trong giảm nghèo

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 28/11/2024 ]

Phần lớn những người nghèo sống chủ yếu ở vùng nông thôn xa xôi, hoặc là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu, vùng xa, có những hạn chế nhất định về trình độ học vấn, điều kiện y tế và cơ hội tiếp cận thông tin. Do đó, hộ nghèo cần được hỗ trợ trực tiếp trong sản xuất, như: giống, cây trồng, vật nuôi, phân bón; chuồng trại; được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất…

Theo ông Phí Mạnh Thắng - Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, xóa đói, giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm hướng tới mục tiêu chăm lo đời sống nhân dân, bảo đảm tiến bộ công bằng xã hội.

Trao “cần câu” trong chính sách giảm nghèo

Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ước giảm khoảng 1,2% so với đầu kỳ (cuối năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) giảm hơn 3% và tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4% - 5%. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao, an sinh xã hội được bảo đảm.

Để giảm nghèo bền vững, theo ông Thắng, chính sách giảm nghèo phải theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản...

Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn, đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo theo hướng tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lắp.

Bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân, tăng cường tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động.

Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích HTX liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, hỗ trợ phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, tăng cường hiệu quả công tác truyền thông để huy động tối đa nguồn lực cho giảm nghèo, khơi dậy ý chí vươn lên chủ động thoát nghèo của người nghèo.

Phát huy nội lực với sự đồng hành của các HTX

Huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang là một trong những huyện nghèo của cả nước giai đoạn 2021-2025, có khoảng 50% dân số là người DTTS, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Những năm qua, các HTX trên địa bàn huyện đóng vai trò tiên phong trong việc liên kết các hộ nông dân, góp phần hình thành các vùng sản xuất an toàn, đạt chuẩn.

Như mô hình trồng cây dược liệu đã và đang mang lại việc làm, thu nhập ngày càng cao cho người dân.

Ông Thân Văn Lăng, Giám đốc HTX Dược liệu Thiên Phú cho biết, HTX Dược liệu Thiên Phú ở tổ dân phố Đồng Rì, với hơn 20 thành viên là các hộ gia đình trong thị trấn Tây Yên Tử tham gia, phần lớn là đồng bào dân tộc Tày, Mông, Cao Lan.

Sản phẩm của các thành viên gồm các cây trong vị thuốc trong Đông y như: Sả (để chiết xuất tinh dầu), gừng gió, địa liền và ngải Đài Loan. Cùng với ba kích và sâm nam, đây thực sự là những giống cây dược liệu địa phương có tiềm năng về kinh tế và cần được khai thác.

“HTX đã xóa bỏ tư tưởng cho không, mà trực tiếp hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật cho các hộ thành viên, với mong muốn tạo thu nhập ổn định, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc trong vùng”, ông Lăng nói.

Bên cạnh việc hỗ trợ sinh kế, nguồn vốn chính sách đã tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xuất khẩu lao động. Ngân hàng chính sách xã hội huyện Sơn Động hiện đang triển khai 19 chương trình tín dụng chính sách.

Có thể khẳng định, với những giải pháp triển khai đồng bộ, nỗ lực quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội, UBND huyện Sơn Động đã xây dựng Đề án đến năm 2025 đưa huyện Sơn Động thoát khỏi danh sách huyện nghèo, đặc biệt khó khăn trình UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt theo đúng tiến độ và hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Theo ông Phí Mạnh Thắng, Chương trình giảm nghèo quốc gia đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5 %/năm, 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5 %/năm.

Có thể khẳng định, trong 3 thập kỷ vừa qua, xoá đói giảm nghèo luôn là lĩnh vực đạt được nhiều thành công ấn tượng trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Cùng với phát triển kinh tế, hàng loạt chính sách giảm nghèo được triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp với nguồn kinh phí huy động từ Chính phủ, cộng đồng và các tổ chức xã hội quốc tế đã cải thiện đáng kể diện mạo các vùng nghèo trong cả nước, tuy nhiên vẫn cần hơn nữa những chương trình hỗ trợ thoát nghèo thực tế và hiệu quả, bởi giữa thoát nghèo và tái nghèo là một ranh giới vô cùng mong manh”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo VN Business