HTX làm nông nghiệp công nghệ cao, nông dân lợi đơn lợi kép

lmhtx.khanhhoa.gov.vn ── [ In trang Thứ năm, 28/11/2024 ]

Những chính sách đầu tư có trọng điểm, cùng sự ra đời của loạt HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đang giúp hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Sơn La liên tục tạo đột phát, gia tăng thu nhập cho thành viên.

Cò Nòi đang là một trong những xã điểm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của huyện Mai Châu với sự hiện diện của nhiều HTX tiêu biểu. Điển hình như HTX Thành Cường, hiện có 10 ha nhãn và dâu tây theo chuẩn VietGAP, ngày càng tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.

Hiệu quả được nâng cao

Kể từ năm 2021 đến nay, các sản phẩm mận hậu, dâu tây và nhãn của HTX Thành Cường được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, in nhãn mác bao bì, theo đó có giá bán cao hơn 30% so với giá bán thị trường và rất dễ tiêu thụ.

Ông Lèo Văn Lếch, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX, chia sẻ trước đây, do chưa xây dựng được thương hiệu, bao bì truy xuất nguồn gốc nên các sản phẩm quả của HTX chỉ bán được cho thương lái tiêu thụ tại chợ, bán tại vườn giá còn thấp hơn.

Năm 2020 và 2021, HTX được hỗ trợ 120 triệu đồng theo Nghị quyết 128 của HĐND tỉnh để đánh giá, cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhận diện thương hiệu và bao bì nhãn mác, từ đó chất lượng sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Mai Châu đang là điểm sáng trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại tại Sơn La (Ảnh: STV).

HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót, cũng đang là một trong những điển hình trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở Mai Châu. HTX đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, như chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ nông nghiệp, xây dựng dân dụng, nước sinh hoạt, thủy lợi, kinh doanh vật liệu xây dựng, giao thông nông thôn…

Hiện, HTX tập trung trồng cây ăn quả, sản xuất giống với tổng diện tích 80 ha (xoài chiếm 60 ha, bưởi da xanh chiếm 20 ha), trong đó có khoảng 8,2 ha đang được ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại, cơ giới hóa trong các khâu làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, vận chuyển.

Đơn cử, trong khâu tưới tiêu, HTX đã xây dựng hệ thống máy tưới công suất lớn, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, tự động, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả vượt trội so với phương pháp tưới truyền thống.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, cho biết trong thời gian tới, HTX sẽ tích cực đầu tư mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo tính bền vững.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất trước hết sẽ được HTX triển khai thực hiện bằng việc cơ giới hóa các khâu làm đất, tỉa cành, bón phân. Áp dụng quy tắc “4 đúng” trong sử thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Quá trình chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo quy trình VietGAP...

Chìa khóa mở thành công

Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Mai Sơn cho biết, trong thời gian qua, huyện đang chủ trương xây dựng 4 vùng kinh tế đặc trưng, với vùng sản xuất dọc Quốc lộ 6, vùng sản xuất dọc Quốc lộ 4G, vùng lòng hồ sông Đà, vùng cao và biên giới.

Để hoàn thành mục tiêu, huyện chủ động hỗ trợ HTX, doanh nghiệp tổ chức chứng nhận đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hoặc các tiêu chuẩn tương tự; hỗ trợ nhãn mác, bao bì và hỗ trợ tối đa 60% kinh phí đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, với tổng kinh phí trên 4,1 tỷ đồng.

Từ chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất của các HTX nông nghiệp. Đến nay, huyện đã có 35 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đáng chú ý, các HTX đã nhân rộng các mô hình liên kết giữa HTX với thành viên, người lao động, từ việc cung ứng giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, đến thu mua sản phẩm, chế biến, tiêu thụ, đầu tư sơ chế hoặc ký kết hợp đồng sản xuất cung cấp nguyên liệu chế biến cho một số doanh nghiệp trên địa bàn.

Nhiều sản phẩm HTX được xây dựng thương hiệu và đưa vào tiêu thụ trong hệ thống siêu thị trên khắp cả nước. Tiêu biểu là các HTX dâu tây Xuân Quế, HTX dâu tây Hồi Dương, HTX nông nghiệp Bảo Sam, HTX ARA - Tay Coffee...

Nhờ hoạt động hiệu quả, thu nhập trung bình của hộ thành viên tại các HTX đạt 150-300 triệu đồng/năm, đồng thời góp phần hình thành nhiều mô hình trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao.

Việc thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã tạo động lực để HTX phát triển và duy trì sản xuất hiệu quả, bền vững, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Mai Sơn đạt gần 40 triệu đồng/năm.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao, huyện Mai Sơn dự kiến sẽ có thêm các chính sách khuyến khích, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp tại các khu vực khó khăn.

Huyện cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tổ chức các hội nghị kết nối, tạo điều kiện cho các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình ký kết các hợp đồng tiêu thụ các sản phẩm ổn định, lâu dài, nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

Theo VN Business