Tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập
Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) được Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách xem xét vào sáng nay (5/4).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) - Ảnh: VGP/ĐH
Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-11/2022), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ và hội trường, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp thứ 21, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật hiện được xây dựng với bố cục gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan để hoàn thiện dự thảo Luật
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật HTX (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HTX, liên hiệp HTX và liên minh HTX một số tỉnh, thành phố và ý kiến của các cơ quan hữu quan, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và Liên minh HTX Việt Nam rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để báo cáo tại hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách.
Về tên gọi của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu đa số ý kiến ĐBQH, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật HTX (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản của dự án Luật và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự án Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.
Về việc thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu nhiều ý kiến ĐBQH, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách; bổ sung, điều chỉnh các nội dung về 8 chính sách từ 1 điều tại dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội thành 8 điều quy định riêng về nội dung từng chính sách, rà soát các quy định bảo đảm phù hợp và thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW…
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn HTX tại dự thảo Luật. Để thực hiện chủ trương của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn HTX theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau thời gian thí điểm, sẽ đánh giá tổng kết và nghiên cứu đề nghị Quốc hội bổ sung tại Luật những quy định phù hợp, khả thi, đã được kiểm nghiệm trên thực tiễn liên quan đến mô hình liên đoàn HTX.
Liên quan đến tổ chức quản trị HTX, liên hiệp HTX, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, chỉnh lý tại khoản 4 Điều 55, khoản 5 Điều 64, tại khoản 7 Điều 58… Đồng thời, bổ sung tại Điều 67 và Điều 70 về trách nhiệm của giám đốc (tổng giám đốc) trong hoạt động mua chung, bán chung sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên của HTX, liên hiệp HTX.
Về tài sản góp vốn, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 72 về tài sản góp vốn, tương tự như quy định về tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, đồng thời bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với HTX, liên hiệp HTX.
Liên quan đến quy định về chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên trong HTX, liên hiệp HTX, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu và chỉnh lý quy định tại Điều 78 theo hướng cho phép các thành viên chuyển nhượng phần vốn góp trong nội bộ HTX, liên hiệp HTX và với các thành viên hiện hữu nhằm bảo đảm sự ổn định về cơ cấu thành viên và bảo đảm quyền lợi cho các thành viên khi có nhu cầu chuyển nhượng phần vốn góp, cũng như tạo điều kiện cho các thành viên liên kết góp vốn…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp cùng các cơ quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu rà soát, chỉnh lý tại Điều 83, trong đó thay đổi thuật ngữ \"hoạt động tín dụng nội bộ\" thành \"hoạt động cho vay nội bộ\" và khẳng định hoạt động này không phải hoạt động ngân hàng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng; đồng thời bổ sung quy định về điều kiện của HTX, liên hiệp HTX được thực hiện hoạt động cho vay nội bộ, trong đó có điều kiện HTX, liên hiệp HTX cho vay nội bộ khi bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp thu, rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX tại Điều 104 và Điều 105 theo hướng khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ tại HTX, liên hiệp HTX; đồng thời đề nghị chỉ bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với một số HTX, liên hiệp HTX mà trong hoạt động tài chính tiềm ẩn rủi ro, như HTX quy mô lớn, liên hiệp HTX có từ 10 thành viên trở lên; HTX, liên hiệp HTX có hoạt động cho vay nội bộ hoặc có đề nghị thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX hoạt động theo mô hình HTX.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH hoạt động chuyên trách, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật để chuẩn bị gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH và các cơ quan theo quy định trước khi hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5.
Ý kiến của các ĐBQH bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật - Ảnh: VGP/ĐH
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Thảo luận về dự án Luật, ý kiến các ĐBQH bày tỏ nhất trí cao với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật; cho rằng Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã rất công phu, nghiêm túc và trách nhiệm trong tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, các chuyên gia và các nhà khoa học.
Một số ý kiến đại biểu nhận định, HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Dù vậy, việc phát triển HTX nông nghiệp còn nhiều hạn chế, khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực quản lý hạn chế, thiếu vốn và nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, lợi ích đem lại cho thành viên thấp, sức thu hút còn kém.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) nhấn mạnh, dự thảo Luật HTX (sửa đổi) lần này cần tạo điều kiện để HTX nông nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, khuyến khích HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hài hòa lợi ích thành viên, lợi ích tập thể, cộng đồng nông thôn, coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa trên địa bàn. Cần có sự khuyến khích, hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính, bồi dưỡng nhân lực cho các HTX, đặc biệt là các HTX vừa và nhỏ...
Đồng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) nghị cần bổ sung một số chính sách liên quan đến tiếp cận vốn của các HTX; có hỗ trợ đặc thù để các HTX nông nghiệp khơi thông vốn tín dụng, tích lũy tài sản, huy động vốn nhàn rỗi phục vụ việc sản xuất kinh doanh; gia tăng sức thu hút để mở rộng đối tượng người dân tham gia HTX.
Ở góc độ khác, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho rằng, dự thảo Luật cần phải nghiên cứu và tiếp tục quán triệt đầy đủ hơn nữa tinh thần Nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Dẫn chiếu Nghị quyết số 20-NQ/TW của Trung ương đã chỉ rõ kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm trọng tâm bao gồm lợi ích của các thành viên tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa xã hội trên địa bàn và là một kênh rất là quan trọng để thực hiện các chính sách văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội trong cộng đồng dân cư, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng, những nội dung này tại dự thảo thể hiện còn mờ nhạt và chưa thật đầy đủ. Do đó, việc luật hóa các nội dung này là cần thiết nhằm phát huy vai trò HTX đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; đóng góp tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhận định, việc thể chế hóa 8 chính sách từ Nghị quyết 20 đã được thể hiện tương đối rõ, tuy nhiên, các chính sách còn dàn trải, phân tán, cào bằng, chưa nhấn mạnh đến tính đặc thù của các loại hình HTX, HTX nông nghiệp. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung thêm điều, khoản quy định cụ thể về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về việc thành lập, phát triển doanh nghiệp trong HTX, đảm bảo tính khả thi khi áp dụng luật.
Theo Báo điện tử Chính Phủ