Sức sống của kinh tế tập thể, HTX trên vùng biên Bù Gia Mập
Với đặc thù riêng của một huyện miền núi, biên giới, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn, huyện Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) đang cho thấy sức sống lớn của các HTX nông nghiệp là động lực cho giảm nghèo bền vững, tạo ra mối liên kết chuỗi giá trị nông sản và tiên phong làm nông nghiệp sạch.
Đắk Ơ là xã biên giới của huyện Bù Gia Mập, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, chính quyền sở tại đã nỗ lực xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững, trong đó có việc phát triển kinh tế hợp tác.
HTX mang lại lợi ích cho người dân
Đơn cử, HTX Nông lâm nghiệp dịch vụ Đăk Ơ được thành lập hồi tháng 7/2022 nhằm giúp tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên là các phụ nữ trong xã.
HTX được thành lập với 77 thành viên tham gia, vốn điều lệ 1 tỷ đồng, chuyên hoạt động dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, giống cây trồng, phân bón, công cụ nông nghiệp; giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm nghiệp, công cụ nông nghiệp.
Tham gia HTX đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân ở Đắk Ơ. |
Thời gian qua, HTX này hoạt động tương đối ổn định, thúc đẩy hợp tác cùng với thành viên, nông dân trên địa bàn xã phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất.
Chị Ngô Thị Nhanh là một trong những hộ nghèo ở thôn Bù Khơn, xã Đắk Ơ, trước đây kinh tế quá khó khăn bởi gia đình chị không có vườn rẫy, bản thân chị không có việc làm, không có thu nhập ổn định. Nhờ được hỗ trợ vốn vay để chăn nuôi heo và sự hỗ trợ tích cực của HTX đã giúp chị vơi bớt khó khăn cuộc sống.
Trong xã Đắk Ơ còn có HTX nông lâm nghiệp, dịch vụ Phương Nghĩa hiện có 33 thành viên. Tổng diện tích đất trồng cây nông nghiệp của các thành viên trong HTX khoảng 140 ha.
Theo ông Nguyễn Đình Hiền, Giám đốc HTX Phương Nghĩa, giai đoạn đầu, nhiều nông dân địa phương chưa hiểu được lợi ích khi tham gia HTX, nhưng bằng những việc làm cụ thể như: Lập ra đội kỹ thuật là các hội viên có kinh nghiệm, kiến thức tổ chức, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây theo từng giai đoạn; kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân để tránh bị thương lái ép giá…nhờ vậy, các thành viên giờ đã yên tâm gắn bó với HTX.
Sau thời điểm tham gia HTX, bà Trần Thị Vui cho biết đã được hướng dẫn kỹ thuật và bán hàng cũng dễ hơn. Giá cả nông sản ổn định hơn bên ngoài rất nhiều vì bán tập trung. Nếu bán nhỏ lẻ ra bên ngoài nhiều khi không bằng giá trong HTX.
Còn ở xã Bù Gia Mập - một xã của huyện Bù Gia Mập có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, cũng đang cho thấy sức sống mãnh liệt của hoạt động HTX.
Tại vùng biên này, dân cư bố trí thưa thớt, địa bàn đồi núi hiểm trở, trình độ dân trí thấp, cuộc sống của đại bộ phận nông dân chủ yếu nông nghiệp với cây điều là cây chủ lực. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền vận động nông dân hiểu được ý nghĩa của việc thành lập HTX với mô hình cụ thể về sản xuất kinh doanh, sản xuất nông sản hữu cơ bền vững theo tiêu chuẩn Organic.
Động lực cho giảm nghèo bền vững
Điển hình như HTX Nông nghiệp Bù Gia Mập tại xã Bù Gia Mập, từ chỗ có 64 thành viên với tổng diện tích là 294,9 ha điều, đến nay đã là 136 thành viên với tổng diện tích là 543,8 ha. Hội đồng quản trị HTX đã triển khai áp dụng quy trình sản xuất điều hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic. Đến nay đã có 105 hộ thành viên đạt với 495,5 ha được công nhận đạt chuẩn Organic.
Với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, nước tưới và duy trì đặc trưng rừng thì huyện Bù Gia Mập được cho là có khả năng phát triển các loại nông sản khác cho các dự án phát triển nông nghiệp sạch, quy mô lớn xuất khẩu thích ứng với nhu cầu thị trường quốc tế như các giống rau, củ và quả nhập khẩu phục vụ cho các chuỗi bán lẻ hiện đại tại Việt Nam.
Đất đai trù phú, khí hậu thuận lợi, được chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác là những điều kiện tốt giúp người dân ở đây, trong đó có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững.
Theo đánh giá, Bù Gia Mập là một trong những huyện có diện tích điều lớn nhất tỉnh, do đó cần xây dựng kế hoạch, giải pháp, lộ trình phát triển cụ thể cho loại cây trồng này, trong đó có việc phát triển HTX trồng cây điều.
Đơn cử như xã Bình Thắng có hơn 2.900 ha điều. Thời gian qua, xã đã thành lập HTX nông nghiệp nhằm gắn kết nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, HTX đã tập trung vào sản xuất điều hữu cơ xuất khẩu.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ xã Bình Thắng Hồ Ngọc Anh cho biết: HTX đang hợp đồng liên kết với các công ty thu mua và sản xuất điều nhân xuất khẩu trong và ngoài địa bàn tỉnh Bình Phước.
Với xu hướng sản phẩm “điều sạch” do thành viên HTX sản xuất sẽ cho giá cao hơn từ 3-5.000 đồng/kg so với giá hạt điều không áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ và được thu mua tận vườn. Vì vậy, HTX khuyến cáo các thành viên cũng như nông dân trong xã hướng tới nền nông nghiệp sạch, hữu cơ để sản xuất bền vững hơn.
Có thể thấy, bằng sức sống của các HTX, sự quyết tâm, cách làm sáng tạo, phù hợp thực tế của huyện Bù Gia Mập đã giúp đạt nhiều kết quả tích cực trong lĩnh vực giảm nghèo. Từ đó tạo tiền đề, động lực cho vùng biên này giảm nghèo bền vững, đời sống của người dân được ấm no hạnh phúc.
Theo VN Business